Tốc độ đổi mới công nghệ phải đạt 20%/năm

Đó là những vấn đề Bộ trưởng Bộ KH-CN Nguyễn Quân đã nêu ra trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo SGGP.
Tốc độ đổi mới công nghệ phải đạt 20%/năm

Đầu tư cho khoa học - công nghệ (KH-CN) đã đem lại những hiệu quả cụ thể, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp; Việt Nam phải tập trung nâng cao năng suất lao động nếu không sẽ tụt hậu về mọi mặt; để đuổi kịp trình độ công nghệ các nước khu vực, tốc độ đổi mới công nghệ của doanh nghiệp Việt Nam phải đạt được 20%/năm... Đó là những vấn đề Bộ trưởng Bộ KH-CN Nguyễn Quân đã nêu ra trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo SGGP.

Bộ trưởng Bộ KH-CN Nguyễn Quân

- Phóng viên: Mỗi năm, nhà nước chi 2% cho KH-CN trong tổng chi ngân sách. Đây là mức chi cao hay thấp, thưa Bộ trưởng?

>> Bộ trưởng NGUYỄN QUÂN: Theo tôi, mức chi 2% của ngân sách nhà nước cho KH-CN trong tổng chi ngân sách nhà nước là mức không phải thấp so với tỷ lệ chung của thế giới. Trong số này đã dành khoảng hơn 80% cho chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển, không trực tiếp dành cho nghiên cứu và ứng dụng. Chỉ khoảng hơn 10% trong số đó (mỗi năm khoảng hơn 2.000 tỷ đồng) là dành cho các đề tài nghiên cứu, cấp nhà nước và cấp bộ.

Để đánh giá về hiệu quả đầu tư, thế giới thường đề cập đến chỉ số ICOR. Trước đây, ICOR của Việt Nam rất lớn, thường trên 7 nhưng gần đây đã giảm (khoảng trên 5) do tái cơ cấu nền kinh tế. Nghĩa là bỏ ra 5 đồng vốn cho xây dựng cơ bản thì đem lại 1 đồng cho tăng trưởng GDP. Trong KH-CN, chỉ tiêu quan trọng nhất là yếu tố năng suất tổng hợp (TFP) đánh giá đóng góp của đổi mới và tăng trưởng vào GDP quốc gia. Theo kinh nghiệm của các nước, phần đóng góp về KH-CN trong TFP thường rất lớn, ví dụ như Malaysia, đóng góp của KH-CN trong TFP là hơn 70%. Ở nước ta, nếu lấy mức đóng góp của KH-CN trong TFP với mức khiêm tốn nhất là 10% thì có nghĩa là KH-CN đã đóng góp khoảng 3% vào GDP quốc gia. Như vậy, đầu tư 2% tổng chi ngân sách nhà nước, tương đương khoảng 0,5% GDP quốc gia cho KH-CN thì sẽ tạo ra được 3% GDP quốc gia.

- Thế nhưng hiệu quả từ việc ứng dụng những thành tựu KH-CN của Việt Nam trong những năm vừa qua dường như còn mờ nhạt, thưa Bộ trưởng?

Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng KH-CN chúng ta những năm qua đã đạt được những thành tựu ấn tượng. Ví dụ, Việt Nam đã trở thành một trong 4 quốc gia trên thế giới sản xuất được vaccine tiêu chảy Rotavin-M1; làm chủ các kỹ thuật mổ nội soi, ghép đa tạng; là một trong 10 quốc gia trên thế giới tự thiết kế và đóng được giàn khoan tự nâng 90m và 120m nước đạt tiêu chuẩn quốc tế. Chúng ta cũng đã tự chế tạo được tàu hộ vệ tên lửa tấn công nhanh thế hệ tương đối hiện đại theo thiết kế của Nga. Bên cạnh đó, chúng ta cũng bước đầu thành công trong lĩnh vực thiết kế và chế tạo các sản phẩm vi mạch điện tử. Năng suất lúa, nuôi tôm và cá tra của Việt Nam vào loại cao nhất thế giới…

- Hiện nông dân vẫn phải mua giống, phân bón của nước ngoài, vẫn phải đối mặt với tình trạng “được mùa mất giá” do không biết cách bảo quản sau thu hoạch... Phải chăng sự đầu tư của KH-CN cho lĩnh vực nông nghiệp còn thấp, kém hiệu quả, thưa Bộ trưởng?

Nếu nói KH-CN chưa có đóng góp đáng kể trong ngành nông nghiệp thì chưa thật khách quan; khi Việt Nam từ chỗ là nước nhập khẩu lương thực, nay trở thành nước có thứ hạng trên thế giới về xuất khẩu gạo, hàng nông, thủy sản đạt tới mức 30 tỷ USD/năm, chiếm khoảng trên 20% tổng giá trị xuất khẩu. Mặc dù ở đâu đó nông dân vẫn còn khó khăn khi vẫn phải mua giống và phân bón của nước ngoài hay chưa biết cách bảo quản sau thu hoạch… nhưng xét về tổng thể, Việt Nam đã có nhiều mô hình sản xuất lớn đầu tư theo chuỗi giá trị rất thành công.

Ví dụ như một số doanh nghiệp ở Phú Yên, Bình Định đã làm chủ được thiết bị câu cá ngừ và công nghệ CAS của Nhật Bản về bảo quản cá ngừ xuất khẩu. Công ty Bảo vệ thực vật An Giang đã ứng dụng công nghệ vào sản xuất quy mô lớn hàng trăm ngàn hécta lúa chất lượng cao với đội ngũ hơn 1.000 kỹ sư nông nghiệp và 2 viện nghiên cứu nằm trong doanh nghiệp. Tỉnh Lâm Đồng và nhiều địa phương khác đã ứng dụng rất thành công công nghệ cao trong trồng rau sạch, trồng hoa. Tương tự, ở phía Bắc cũng có nhiều đơn vị, mô hình KH-CN đầu tư cho nông nghiệp thành công và hiệu quả như nuôi tôm sú ở Thái Bình, Nghệ An; nuôi cá hồi, cá tầm ở Sơn La; xây dựng chỉ dẫn địa lý cho “vải thiều Lục Ngạn”...

- Thực tế, năng suất lao động của Việt Nam hiện thấp hơn nhiều lần so với một số nước trong khu vực. Ngành KH-CN có giải pháp nào để góp phần tăng năng suất, chất lượng hàng hóa của đất nước, thưa Bộ trưởng?

Năng suất lao động của Việt Nam rất thấp, đây là một trong những yếu tố khiến đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam gần đây có biểu hiện chững lại. Trước đây, các nhà đầu tư nước ngoài nghĩ Việt Nam có lợi thế nhân công giá rẻ, tiền lương thấp. Tuy nhiên, dần dần họ nhận ra rằng tiền lương có thể rất thấp, nhưng vì năng suất lao động còn thấp hơn nên thực tế chi phí nhân công của doanh nghiệp ở Việt Nam vẫn cao hơn khi đầu tư vào các nước khác. Ví dụ, tiền lương chúng ta có thể thấp bằng 1/5 Singapore, nhưng năng suất lao động chỉ bằng 1/15 của họ.

Để nâng cao năng suất lao động thì phụ thuộc vào trình độ công nghệ của doanh nghiệp và của mỗi quốc gia. Khi ứng dụng KH-CN, chúng ta có được quy trình sản xuất hợp lý hơn, mức độ tự động hóa của dây chuyền sản xuất cao hơn, chất lượng sản phẩm tốt hơn, năng suất lao động sẽ nâng lên.

Trong 5 năm qua, Bộ KH-CN đã có những hoạt động giúp các doanh nghiệp nâng cao năng suất lao động. Cụ thể, hướng dẫn cho doanh nghiệp thực hiện hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế ISO. Bên cạnh đó, chúng tôi đã trình Chính phủ các chương trình quốc gia về KH-CN để hỗ trợ các doanh nghiệp. Có 3 chương trình quốc gia lớn và 7 chương trình cấp quốc gia khác có tác động trực tiếp đến doanh nghiệp. Theo đó, yêu cầu tốc độ đổi mới công nghệ phải đạt khoảng 20%/năm, nghĩa là sau 5 năm hệ thống doanh nghiệp Việt Nam phải nâng lên một trình độ công nghệ cao hơn để đuổi kịp trình độ công nghệ các nước trong khu vực và thế giới. Tương tự đối với chương trình nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020, nhà nước sẽ hỗ trợ để tiếp nhận công nghệ, thuê chuyên gia, huy động các nhà khoa học, viện, trường đồng hành cùng doanh nghiệp; còn doanh nghiệp phải có vốn đối ứng và dự án để đổi mới công nghệ nâng cao năng suất lao động. Bên cạnh đó còn có chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020, chương trình sản phẩm quốc gia đến năm 2020, chương trình hợp tác quốc tế về KH-CN…

- Cảm ơn Bộ trưởng!

TRẦN LƯU (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục