Khó xử lý đầu cơ tên miền

Khó xử lý đầu cơ tên miền

Quyền sở hữu tên miền tại Việt Nam được thực hiện theo nguyên tắc đăng ký trước được quyền sử dụng trước. Thời gian qua, nhiều tổ chức, cá nhân “vận dụng” nguyên tắc trên để đầu cơ tên miền và càng khó xử lý các đối tượng vi phạm do sự thiếu đồng bộ của một số văn bản quy phạm pháp luật… Điều này được thể hiện khá rõ tại Hội thảo Xử lý tên miền xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vừa được Thanh tra Bộ KH-CN cùng Sở KH-CN TPHCM tổ chức.

Thiếu chế tài, doanh nghiệp tự lo

Năm 2011, Công ty TNHH Amway Việt Nam (đơn vị sở hữu tên miền Amway.com) phát hiện một cá nhân sở hữu tên miền gần giống với tên miền công ty sở hữu, cụ thể là Amway.vn. Tên miền này vốn đã tồn tại trong thời gian khá lâu và được chủ sở hữu đăng thông tin không chính thống về các sản phẩm và dịch vụ, khiến người tiêu dùng hiểu lầm. Gần 3 năm theo đuổi vụ việc, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) mới chứng minh được tên miền vi phạm luật cạnh tranh không lành mạnh. Tuy vậy, quyết định xử phạt từ Bộ KH-CN không được Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) chấp thuận.

Rất nhiều ý kiến đóng góp tại Hội thảo Xử lý tên miền xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Bà Lê Thanh Bình, Trưởng ban pháp chế, Công ty cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk), kể lại “nỗi khổ” tương tự về hành trình gian nan khi xác lập tên miền của công ty.  Khi đăng ký tên miền cho công ty con của Vinamilk ở nước ngoài mới phát hiện tên miền đó đã được đăng ký. Áp lực kinh doanh buộc Vinamilk phải thay đổi chiến lược đăng ký tên miền bao vây, có giá trị và được bảo hộ tại nhiều quốc gia thay vì một nước sở tại. Tuy nhiên, đại diện công ty này cũng khẳng định đăng ký tên miền bao vây cũng khó bao vây hết. Bao vây chỗ này, người khác sẽ đăng ký chỗ khác và để tránh chạy theo các vụ việc đòi xác lập tên miền là điều không dễ dàng.

Thừa nhận thực tế này, bà Nguyễn Phương Quỳnh, Phó chánh Thanh tra Bộ KH-CN, cho biết, đơn yêu cầu xử lý hành vi đăng ký, chiếm giữ, sử dụng tên miền xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, việc giải quyết tranh chấp chủ yếu vẫn thông qua thương lượng, hòa giải. Bởi theo bà Quỳnh, do thiếu đồng bộ của một số văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực SHTT và lĩnh vực thông tin truyền thông. Cụ thể như khi xảy ra hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong đăng ký, chiếm giữ và sử dụng tên miền xâm phạm quyền SHTT, Thanh tra Bộ KH-CN áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc thu hồi tên miền và chuyển sang VNNIC thì VNNIC từ chối xử lý do chưa có văn bản hướng dẫn về việc thu hồi tên miền vi phạm kể trên.

Chờ thông tư hoàn thiện hơn

Ông Nguyễn Kỳ Phùng, Phó Giám đốc Sở KH-CN TPHCM, khẳng định: “Internet phát triển, tên miền trở thành công cụ quan trọng góp phần nhận diện về nguồn gốc thương mại của một doanh nghiệp hoặc một sản phẩm, dịch vụ. Số lượng đăng ký mới và cấp phát hàng tháng trên 8.000 tên miền, khiến các vụ việc tranh chấp về tên miền, do sự trùng hợp với các đối tượng được bảo hộ SHTT, ngày càng xảy ra nhiều hơn”.

Bà Nguyễn Thị Phương Hảo, Công ty cổ phần Dịch vụ du lịch và thương mại T.S.T, chỉ ra rằng việc tranh chấp xuất phát từ thực tế có không ít các tổ chức, cá nhân đầu cơ tên miền rồi sau đó buộc doanh nghiệp phải mua lại giá cao. Vì thế, bà cho rằng có mối liên quan giữa tên miền và các vấn đề SHTT đối với tên miền.

Khó khăn cho chính các doanh nghiệp kinh doanh ở chỗ, quy định đăng ký cấp phát tên miền quá dễ dàng, một người có thể đăng ký nhiều tên miền khác nhau. Đến khi xảy ra tranh chấp thì các cơ quan chức năng hữu quan, ở đây cụ thể là Bộ KH-CN và Bộ TT-TT lại thiếu thống nhất trong cách giải quyết. Luật sư Lê Xuân Lộc, Công ty Luật T&G, nhận định còn rất nhiều “khoảng trống” trong công tác quản lý tên miền hiện nay. Có thể kể đến việc đổi chủ sở hữu tên miền trong khi xảy ra tranh chấp, khiến đơn khiếu kiện của doanh nghiệp trở nên vô hiệu. Hoặc tiêu chí nào chứng minh thương hiệu có tiếng để xác định chủ sở hữu tên miền vi phạm luật cạnh tranh… Rồi sau khi xử lý trả lại tên miền vi phạm, có nên ưu tiên cho doanh nghiệp là chủ sở hữu tên miền thực sự hay không?

Trước bức xúc của nhiều doanh nghiệp bị xâm phạm tên miền liên quan đến SHTT, ông Nguyễn Kỳ Phùng thừa nhận việc Bộ KH-CN và Bộ TT-TT sớm ban hành thông tư liên tịch quy định phối hợp giải quyết tranh chấp tên miền liên quan đến SHTT là hết sức cần thiết để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong xử lý tên miền xâm phạm quyền. Đây không chỉ là giải pháp bảo vệ quyền lợi chính đáng của các doanh nghiệp, mà qua đó còn tăng cường bảo hộ quyền SHTT của các chủ thể quyền, giúp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực SHTT.

 Hội thảo này cũng nhằm mục đích xây dựng thông tư SHTT liên quan đến tên miền, nên có rất nhiều ý kiến được đưa ra góp ý nhằm hoàn thiện thông tư. Trong đó đáng chú ý khi đại diện Thanh tra Bộ TT-TT cho rằng: Trong hội thảo này không hề có sự hiện diện của luận sư đại diện cho bên “xâm phạm quyền SHTT” hay đơn vị, cá nhân đang được cho là “sở hữu tên miền xâm phạm quyền SHTT”… để lắng nghe ý kiến của họ. Có như vậy, các ý kiến đóng góp mới đầy đủ và hoàn thiện hơn, nhất là khi thông tư ra đời.

BÁ TÂN - TƯỜNG HÂN

Tin cùng chuyên mục