Cảm biến không dây phục vụ nông nghiệp

Cứ sau mỗi 10 phút, vật nuôi, cây trồng tự động gửi “thông tin” cập nhật tình trạng sức khỏe, nhiệt độ hay môi trường sống về cho nông dân. Qua đó, “người chủ” dễ dàng quản lý hoạt động tại trang trại từ xa. Viễn cảnh này sẽ không quá xa vời bởi trong 2-3 năm nữa, Việt Nam đủ sức làm chủ công nghệ cảm biến không dây.

Ông Ngô Đức Hoàng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đào tạo và thiết kế vi mạch (ICDREC) - một trong những đơn vị tiên phong thực hiện dự án này tại Việt Nam, cho biết, thực chất, vật nuôi hay cây trồng gửi thông tin về cho nông dân nhờ các cảm biến không dây (sensor). Các cảm biến này được tích hợp cùng một hệ thống và có khả năng truyền tín hiệu không dây. Thông qua cảm biến, nông dân biết được nhiệt độ, độ ẩm, cường độ ánh sáng, tần suất hoạt động của vật nuôi hay nồng độ pH trong nước theo thời gian thực... Tại Việt Nam, cảm biến ứng dụng trong nông nghiệp là hướng đi hoàn toàn mới, nhưng tại một số quốc gia khác, trong đó có Nhật Bản, đã được nghiên cứu và ứng dụng từ lâu.

Tại Hội thảo “Sản xuất chế tạo MEMS và IoT tại TPHCM”, đại diện ICDREC cho biết, các đại diện của Việt Nam gồm ICDREC và Trung tâm Nghiên cứu triển khai (thuộc Khu Công nghệ cao TPHCM) sẽ liên minh với Trung tâm Nghiên cứu kỹ thuật vi cơ điện tử và vi kỹ thuật - Viện KH-CN Nhật Bản (ASIT) thực hiện dự án nghiên cứu, chế tạo và thương mại hóa công nghệ sensor tại Việt Nam phục vụ nông nghiệp. Sắp tới, Việt Nam sẽ cử kỹ sư sang Nhật để học công nghệ làm MEMS (phục vụ chế tạo sensor). Đối tác Nhật bản sẽ “hùn” công nghệ Wireless. “Tuy nhiên, hiện chúng tôi phải khảo sát nhu cầu của thị trường Việt Nam cần gì, cụ thể cần sensor để theo dõi con gì, cây gì. Bởi mỗi sensor chỉ có thể kiểm soát và cung cấp một loại dữ liệu cụ thể mà thôi”, đại diện ICDREC lý giải.

Trong khi đó, ông Ryutaro Maeda, Khoa điện tử và chế tạo AIST, đánh giá nền nông nghiệp của Việt Nam cũng tương tự như Thái Lan hay Malaysia, đa dạng về vật nuôi nhưng thiếu công nghệ và quy trình kiểm soát tự động. Tình trạng này dẫn đến dịch bệnh tăng và năng suất chưa cao. Cũng theo ông Maeda, sensor do AIST chế tạo đã được ứng dụng rộng rãi tại các trang trại nuôi gà của Nhật Bản và Anh. Quy mô đầu tư lắp đặt cho trang trại 10.000 con cần khoảng 2.000 sensor và giá mỗi sensor chừng 170.000 đồng. Việt Nam với diện tích chăn nuôi lớn, hoàn toàn là một thị trường đầy hứa hẹn để sản xuất và thương mại hóa sensor này.

Được biết, từ giữa tháng 6-2015 đến nay, ICDREC đã phối hợp với Khu Nông nghiệp Công nghệ cao TPHCM, Công ty Mimosa Technology thử nghiệm ứng dụng sensor kiểm soát quy trình nuôi tôm thẻ chân trắng tại huyện Cần Giờ. Kết quả hết sức tích cực và được nông dân địa phương hưởng ứng. Dự án thử nghiệm cũng được lựa chọn xét duyệt vào Chương trình Đổi mới công nghệ quốc gia trong năm nay.

Ông Ngô Đức Hoàng khẳng định MEMS là lĩnh vực quan trọng mà ICDREC sẽ dành sự quan tâm đặc biệt, bên cạnh hoàn thiện các công nghệ chip đã có là SG8V1 hoặc RFID. “Dĩ nhiên quá trình tìm hiểu thị trường và sản xuất thương mại sensor cần có thời gian thực hiện. Nhưng chúng tôi kỳ vọng 2-3 năm nữa sẽ có thể có sản phẩm ứng dụng cụ thể cho nông nghiệp địa phương”, ông Hoàng kỳ vọng.

NGUYỄN TƯỜNG

Tin cùng chuyên mục