Huy động nguồn lực xã hội đầu tư cho khoa học - công nghệ

Sáng 30-8, đoàn Ban Chỉ đạo Chương trình giám sát Trung ương do đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam dẫn đầu, đã làm việc với UBND TPHCM về tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XI) về phát triển khoa học - công nghệ (KH-CN) và Luật KH-CN.

(SGGP).- Sáng 30-8, đoàn Ban Chỉ đạo Chương trình giám sát Trung ương do đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam dẫn đầu, đã làm việc với UBND TPHCM về tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XI) về phát triển khoa học - công nghệ (KH-CN) và Luật KH-CN.

Báo cáo với đoàn giám sát, ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở KH-CN TPHCM cho biết, trong những năm qua, TP luôn có sự quan tâm đặc biệt đến lĩnh vực KH-CN. Chủ trương của TP là đẩy nhanh phát triển kinh tế theo hướng tạo ra sản phẩm công nghiệp và nông nghiệp có hàm lượng chất xám cao, không gây ô nhiễm, không sử dụng nhiều lao động nhưng tạo ra giá trị gia tăng lớn… Giai đoạn 2011 - 2015, ngân sách TP chi cho KH-CN chiếm tỷ lệ trung bình 2,06% so với tổng chi, tập trung vào Khu Công nghệ cao, Khu Nông nghiệp công nghệ cao, Khu Y tế kỹ thuật cao, Công viên phần mềm Quang Trung. Nhiều mô hình KH-CN được triển khai và đi sớm hơn các địa phương khác như Chương trình Robot, Chương trình thiết kế, chế tạo thiết bị trong nước thay thế hàng nhập khẩu,Vườn ươm doanh nghiệp công nghệ cao và Quỹ phát triển KH-CN TP. Đặc biệt, Chương trình kích cầu của TP tạo điều kiện về vốn cho đầu tư đổi mới công nghệ của doanh nghiệp với 209 dự án đã phê duyệt.

Trong giai đoạn 2011 - 2014, tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng của hoạt động chuyên môn và KH-CN dẫn đầu trong 9 ngành khu vực dịch vụ, chiếm tỷ trọng 5,5% GDP của TP. Thông qua đóng góp trực tiếp này, KH-CN đã làm tăng năng suất yếu tố tổng hợp (TFP) của TP ước bằng 32,8% GDP, cao gấp 1,89 lần so với giai đoạn 2006 - 2011.

Dù vậy, ông Nguyễn Việt Dũng cũng thừa nhận lĩnh vực KH-CN của TP vẫn còn một số hạn chế như đầu tư của Nhà nước và xã hội cho KH-CN còn thấp, hiệu quả các đề tài nghiên cứu còn hạn chế, đặc biệt, cơ chế chính sách về KH-CN chưa nhất quán, thiếu tập trung, chưa theo kịp với đòi hỏi của cơ chế thị trường.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Tất Thành Cang cũng nhìn nhận TPHCM có tốc độ phát triển kinh tế nhanh, mạnh, thu ngân sách hàng năm lớn nhất nước nhưng vẫn thiếu cơ chế đặc thù. Áp dụng cơ chế, chính sách cho TPHCM tương tự như các địa phương khác khiến TPHCM, trong đó có lĩnh vực KH-CN, mất đi nhiều cơ hội. Bên cạnh đó, lực lượng doanh nghiệp sản xuất tại TP rất lớn, nhưng việc khuyến khích doanh nghiệp trích lập quỹ phát triển KH-CN chỉ mới dừng lại ở mức 400 tỷ đồng. Những năm tới, TP ưu tiên huy động nguồn lực lớn này phục vụ phát triển KH-CN của TP.

Tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao những kết quả bước đầu mà TPHCM đã đạt được trong phát triển KH-CN. TP có nhiều cách làm hay, sáng tạo, đột phá và đang đi đúng hướng phát triển kinh tế của đất nước. Trong những năm tới, TPHCM cần tập trung vào 4 vấn đề chính gồm: Đổi mới công tác nghiên cứu, trong đó nâng cao tỷ lệ nghiên cứu cơ bản, tăng số lượng đề tài nghiên cứu đặt hàng; đổi mới cơ chế tài chính trong đầu tư cho KH-CN; đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm khoa học; xây dựng chính sách cho người làm KH-CN và cuối cùng là xây dựng tiềm lực KH-CN tại địa phương. Sớm đầu tư các đơn vị nghiên cứu chủ lực, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, kiên trì hỗ trợ đến khi ra sản phẩm cuối cùng.

Tường Hân

Tin cùng chuyên mục