Mong đợi từ công nghệ nano

Hội nghị quốc tế thường niên lần thứ 4 (2016) với chủ đề “Ứng dụng công nghệ và vật liệu nano” do Khu Công nghệ cao TPHCM (SHTP) vừa tổ chức tại SHTP (quận 9, TPHCM) cho thấy vai trò ngày càng lớn của công nghệ nano trong phát triển khoa học - công nghệ TPHCM.
Mong đợi từ công nghệ nano

Hội nghị quốc tế thường niên lần thứ 4 (2016) với chủ đề “Ứng dụng công nghệ và vật liệu nano” do Khu Công nghệ cao TPHCM (SHTP) vừa tổ chức tại SHTP (quận 9, TPHCM) cho thấy vai trò ngày càng lớn của công nghệ nano trong phát triển khoa học - công nghệ TPHCM.

Cần dựa trên nền tảng nghiên cứu sẵn

Theo nhận định của Giáo sư Munir Nayfeh (Đại học Illinois - Hoa Kỳ), là nhà phát minh của quá trình tạo hạt nano silicon phát quang RGB và nhiều công trình nghiên cứu có giá trị khoa học khác, thì công nghệ nano sẽ là tương lai của ngành điện tử. Công nghệ tiên tiến này có thể cải tiến phương pháp lưu trữ trong tương lai, hoặc có thể biến các cỗ máy tính hiện nay nhỏ gọn lại chỉ bằng bàn tay.

Tuy nhiên, để phát triển lĩnh vực này, Việt Nam cần có các chính sách quốc gia năng động hơn. Theo Giáo sư Munir Nayfeh, SHTP có thể tập trung phát triển công nghệ thông tin (CNTT), xây dựng về những dự án đào tạo, khởi nghiệp, thay đổi cách làm việc tôn trọng sở hữu trí tuệ; ngoài ra nên nghĩ đến hướng tung sản phẩm ra thế giới cũng như tìm kiếm, xây dựng nguồn nhân sự giỏi nước ngoài. “Những gì thế giới đã nghiên cứu, mở lối đi rồi thì Việt Nam nên đi theo, chỉ cần tìm kiếm phát triển sản phẩm mới dựa trên những nền tảng đã nghiên cứu sẵn, không cần phải bắt tay nghiên cứu lại từ đầu, như vậy sẽ vừa không mất thời gian, vừa phát huy tối đa hiệu quả”, vị giáo sư này đưa lời khuyên cho Việt Nam.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đã đến dự và phát biểu khẳng định: “TPHCM cũng đã đầu tư phát triển các sản phẩm từ công nghệ nano như pin mặt trời, năng lượng sinh khối, dầu diesel sinh học, vi mạch bán dẫn, tế bào gốc, dược liệu… với kỳ vọng nội địa hóa công nghệ, tiến tới làm chủ công nghệ nhằm tạo ra những sản phẩm mới có sức cạnh tranh cao trên thị trường. Trong số đó, Chương trình Phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn của TP bước đầu đã đạt được những kết quả tích cực, nhiều chip thương hiệu Việt đã được thương mại hóa, góp phần nâng cao vị thế ngành vi mạch của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới”.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong tham quan, tìm hiểu các sản phẩm ứng dụng công nghệ nano được giới thiệu bên lề hội nghị

Chương trình Phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn TPHCM đã trở thành trung tâm tập trung nguồn nhân lực, sản phẩm và hợp tác quốc tế về lĩnh vực vi mạch; đã gặt hái được một số thành công bước đầu như thiết kế và gửi đi chế tạo thành công các chip vi xử lý 8-bit, 32-bit. Đặc biệt, chip vi xử lý thương mại đầu tiên của Việt Nam SG8V1 đã được chế tạo thành công và đang dần được đưa vào các thiết bị điện tử cụ thể nhằm thay thế cho chip ngoại nhập, trong đó phải nói đến các thiết bị chuyên về điện, như điện kế điện tử, đang được các công ty điện lực trên cả nước từng bước thay thế cho thiết bị ngoại nhập… Cho nên, phát triển công nghệ nano cũng tiếp tục tạo thêm lợi thế cho phát triển vi mạch tại TPHCM.

Lắng nghe để phát triển

Theo TS Lê Hoài Quốc, Trưởng ban Quản lý SHTP: “Hội nghị thường niên 2016 đem lại một góc nhìn toàn diện về xu hướng nghiên cứu, phát triển của công nghệ nano trên thế giới và cơ hội phát triển công nghệ nano tại Việt Nam, cụ thể trong các lĩnh vực như: Nano trong điện tử và thiết bị; nano tổng hợp và các ứng dụng; công nghệ nano trong sinh học”. Có thể nhìn thấy được tiềm năng đó từ hoạt động của SHTP. Trung tâm Nghiên cứu triển khai Khu Công nghệ cao (SHTP Labs) đã khánh thành xưởng sản xuất thực phẩm chức năng, đồng thời công bố ra mắt sản phẩm bảo vệ sức khỏe Nacur Vital chiết xuất từ tinh chất nghệ bằng công nghệ nano. Hay vào tháng 8 vừa qua, SHTP cũng đã công bố sản phẩm trị mụn trứng cá ACNEGEN ứng dụng công nghệ nano vàng, sản phẩm hợp tác giữa SHTP Labs và Công ty TNHH Thế giới GEN.

Cũng theo TS Lê Hoài Quốc, các hội nghị quốc tế thường niên được tổ chức hàng năm chính là cơ sở tạo ra sự kết nối, hợp tác song phương và đa phương giữa các chuyên gia khoa học - công nghệ, chuyên gia với doanh nghiệp, doanh nghiệp với doanh nghiệp.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đã bày tỏ mong muốn: “Kết quả của hội nghị sẽ giúp cho TP định hướng trong các hoạt động đầu tư, nghiên cứu - phát triển, đào tạo, ươm tạo công nghệ nano trong SHTP, đồng thời thúc đẩy thương mại hóa các công nghệ có tiềm năng trong các lĩnh vực này”.

Ba lần tổ chức hội nghị quốc tế thường niên Khu Công nghệ cao trước đây đã đạt được những kết quả thiết thực. Hội nghị đầu tiên vào 2013 với chủ đề “Thúc đẩy thương mại hóa các công nghệ cao có tiềm năng” đã ghi nhận các hợp tác nghiên cứu chế tạo và thương mại hóa sản phẩm vi mạch - bán dẫn; hội nghị lần thứ 2 - năm 2014 với chủ đề “Các tiến bộ của kỹ thuật y sinh thông qua ứng dụng công nghệ bán dẫn” đã đánh dấu việc tổ chức mạng lưới liên kết các chuyên gia trong lĩnh vực y sinh và triển khai được dự án đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực này; hội nghị lần thứ 3 - năm 2015 với chủ đề “Ứng dụng của IoT cho đô thị thông minh và chất lượng cuộc sống” đã tạo hiệu ứng lan tỏa trong cộng đồng khởi nghiệp hướng đến xây dựng TP thông minh…

BÁ TÂN

Tin cùng chuyên mục