Phát triển KH-CN quận huyện còn nhiều khó khăn

Dù có những kết quả khả quan, nhưng hoạt động khoa học - công nghệ (KH-CN) ở quận, huyện thời gian qua vẫn còn nhiều hạn chế như việc ứng dụng chưa được rộng khắp; công tác thông tin chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn; hay việc đầu tư cơ sở vật chất, kinh phí dành cho hoạt động KH-CN cấp quận, huyện còn ít, chưa có nguồn cho việc khuyến khích hoạt động nghiên cứu, sáng tạo…
Phát triển KH-CN quận huyện còn nhiều khó khăn

Dù có những kết quả khả quan, nhưng hoạt động khoa học - công nghệ (KH-CN) ở quận, huyện thời gian qua vẫn còn nhiều hạn chế như việc ứng dụng chưa được rộng khắp; công tác thông tin chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn; hay việc đầu tư cơ sở vật chất, kinh phí dành cho hoạt động KH-CN cấp quận, huyện còn ít, chưa có nguồn cho việc khuyến khích hoạt động nghiên cứu, sáng tạo…

Tọa đàm về thực trạng hoạt động KH-CN cấp quận, huyện đã chỉ ra hàng loạt vấn đề trong ứng dụng KH-CN tại cơ sở


Những trăn trở của nhiều quận, huyện trên địa bàn TPHCM được nêu lên tại tọa đàm “Thực trạng hoạt động KH-CN cấp quận, huyện hiện nay và yêu cầu tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo thời gian tới”, do Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM tổ chức mới đây.

Dấu ấn điển hình

Đánh giá hiệu quả trong ứng dụng KH-CN vào phát triển kinh tế - xã hội của huyện Củ Chi, Phó Trưởng ban Tuyên giáo huyện Củ Chi Trần Văn Lan cho biết, nhờ ứng dụng KH-CN đã góp phần chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế của huyện, với mức tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 18,96%. Cơ cấu kinh tế nông nghiệp tiếp tục chuyển đổi theo hướng phát triển các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị và hiệu quả kinh tế như rau an toàn, hoa lan, bò sữa, cá cảnh... Cụ thể, nhờ các hỗ trợ từ Sở KH-CN, hợp tác xã đăng ký thành công nhãn hiệu tập thể “Bánh tráng Phú Hòa Đông”, góp phần nâng cao vị thế cạnh tranh của sản phẩm nghề truyền thống của huyện, từng bước khẳng định thương hiệu ở thị trường trong nước và bước đầu xâm nhập vào thị trường các nước như Pháp, Mỹ.

Trong khi đó, với vị trí quận trung tâm của thành phố với hoạt động kinh doanh, dịch vụ sôi động, từ nhiều năm qua, quận 1 là tâm điểm cho mô hình ứng dụng công nghệ thông tin vào cải cách hành chính. Phó Trưởng ban Tuyên giáo quận 1 Bùi Thị Thúy Hiền thông tin, trong giai đoạn 2010-2015, quận áp dụng nhiều giải pháp như mô hình khảo sát ý kiến người dân về cán bộ, công chức trên địa bàn quận bằng thiết bị điện tử; phần mềm quản lý thư xin lỗi khi giải quyết hồ sơ trễ hẹn; nhận và trả hồ sơ hành chính tại nhà; đăng ký xếp hàng tự động, báo kết quả giải quyết hồ sơ, gửi thư mời họp bằng tin nhắn SMS; công khai bản đồ quy hoạch quận 1 bằng màn hình cảm ứng điện tử... Kết quả nổi bật là thông qua hệ thống khảo sát ý kiến người dân bằng thiết bị điện tử, đã có hơn 95.000 lượt ý kiến  đóng góp, trong đó ý kiến hài lòng về thái độ phục vụ cán bộ, công chức là 98%.

Còn Trưởng ban Tuyên giáo Quận ủy quận 4 Nguyễn Thanh Đoàn cho biết,  hoạt động KH-CN của quận 4 tập trung vào ứng dụng công nghệ xử lý chất thải đô thị, chất thải y tế ở khu dân cư. Tất cả dự án đều mang lại hiệu quả cao, cải thiện môi trường sống cho người dân.

Ứng dụng KH-CN:Nhiều thách thức

Nhìn thấy những hiệu quả nhờ ứng dụng KH-CN, bà Nguyễn Thị Thu Hoài, Trưởng phòng Khoa giáo, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM, khẳng định nhiều kết quả đã được xã hội ghi nhận, đánh giá cao như việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác cải cách hành chính ở quận 1; công tác khám và điều trị bệnh cho nhân dân ở quận Thủ Đức; các mô hình chăn nuôi, trồng trọt ở các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Cần Giờ; các thương hiệu “Bánh tráng Phú Hòa Đông”, “Bò sữa Củ Chi”, HTX rau an toàn của Hóc Môn, HTX Phước An ở Bình Chánh, cá cảnh Châu Tống ở quận 12…

Tuy nhiên, cũng theo bà Nguyễn Thị Thu Hoài, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số khó khăn, thách thức như việc ứng dụng KH-CN trên địa bàn quận, huyện chưa được rộng khắp; công tác thông tin KH-CN chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn; đầu tư cơ sở vật chất, kinh phí dành cho hoạt động KH-CN cấp huyện còn ít, chỉ đủ cho việc tổ chức tuyên truyền, tập huấn phổ biến văn bản pháp luật mới liên quan đến KH-CN chứ chưa có nguồn cho việc khuyến khích hoạt động nghiên cứu, sáng tạo trong đội ngũ cán bộ, công nhân lao động và nhân dân địa phương.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, những khó khăn xuất phát từ việc cấp ủy, chính quyền một số quận, huyện chưa thật sự quan tâm lãnh đạo, định hướng cho hoạt động KH-CN. Bên cạnh đó, công tác phối hợp giữa các cơ quan tham mưu về KH-CN cho quận ủy, huyện ủy (ban tuyên giáo) với cơ quan tham mưu cho ủy ban nhân dân các quận, huyện (phòng kinh tế) chưa thực sự chặt chẽ nên kết quả hoạt động KH-CN còn thấp, chưa thực sự là động lực phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Phó trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Phạm Đức Hải cho rằng trong thời gian tới, công tác KH-CN cấp quận, huyện phải gắn kết, thúc đẩy được các đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân tham gia nghiên cứu,  ứng dụng KH-CN và đổi mới sáng tạo. Bên cạnh đó, phải cụ thể hóa từng công việc để thúc đẩy KH-CN phát triển. 

 Giám đốc Sở KH-CN TPHCM Nguyễn Việt Dũng cho biết, kế hoạch hoạt động KH-CN và đổi mới sáng tạo ở cơ sở giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn TPHCM của UBND TP đã đặt ra mục tiêu hàng năm, mỗi quận, huyện có ít nhất 3 mô hình ứng dụng KH-CN hiệu quả, nâng cao chất lượng hoạt động của cơ quan, đơn vị nhà nước, ưu tiên ứng dụng công nghệ thông tin vào quy trình giải quyết thủ tục hành chính; mỗi quận, huyện có ít nhất 3 địa chỉ tổ chức, doanh nghiệp, đơn vị kinh tế được hỗ trợ ứng dụng tiến bộ KH-CN để nâng cao hiệu quả hoạt động; 100% làng nghề ứng dụng KH-CN; 50% số trường phổ thông cơ sở trở lên có hoạt động đổi mới sáng tạo…

 GIA QUẢNG

Tin cùng chuyên mục