Chờ sự đột phá

Khi “khoán 10” trong quản lý và hoạt động KH-CN ở Việt Nam được đề cập trong Nghị định 115 được Chính phủ năm 2005, rất nhiều nhà quản lý cũng như giới khoa học đều tin tưởng, đây sẽ là đòn bẩy để KH-CN đất nước thực sự phát triển, đúng với tiềm năng vốn có. Mục tiêu đầu tiên đặt ra là hết năm 2010 sẽ chuyển đổi xong toàn bộ các tổ chức KH-CN công nghệ. Thế nhưng, đến cuối năm 2009, tình hình vẫn không khả quan, nên Bộ KH-CN xin phép Chính phủ gia hạn đến hết năm 2013... Và đến đầu năm 2015, vẫn còn 154 tổ chức chưa được phê duyệt đề án thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, mặc dù Nghị định 115 sửa đổi quy định hạn cuối cùng các tổ chức phải được phê duyệt đề án là ngày 31-12-2013!

Vì sao một chính sách được xem “khoán 10” đối với lĩnh vực KH-CN, lại chậm được triển khai và đi vào đời sống như vậy? Theo lãnh đạo Bộ KH-CN, khó khăn, vướng mắc lớn nhất trong quá trình triển khai Nghị định 115 là nhận thức chưa đúng và đầy đủ về cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cấp quản lý và bản thân của nhiều nhà khoa học. Trong đó, vấn đề cơ chế tài chính, thanh toán, quyết toán trong hoạt động KH-CN được xem là “điểm nghẽn”. Trên nhiều diễn đàn, nhiều nhà khoa học đã lên tiếng về vấn đề này. Theo đó, các nhà khoa học hoặc các tổ chức khoa học chỉ có thể tập trung làm chuyên môn, chứ không thể suốt ngày chạy đi lo đủ thứ hóa đơn, giấy tờ để thanh toán theo yêu cầu của cơ quan tài chính, thuế trong khi hoạt động KH-CN lại có tính đặc thù rất cao. Và đến khi Thông tư liên lịch số 27 được Bộ KH-CN và Bộ Tài chính ký ban hành vào ngày 30-12-2015 (có hiệu lực từ 15-2-2016) thì hầu hết giới quản lý cũng như các nhà khoa học ở Việt Nam mới xem đó là sự “cởi trói” thực sự!

Là người trực tiếp ký ban hành Thông tư liên tịch 27, nguyên Bộ trưởng Bộ KH-CN Nguyễn Quân cho biết, đây là một văn bản pháp quy có ý nghĩa lớn, đột phá, thúc đẩy hoạt động KH-CN, đặc biệt tiếp cận kinh tế thị trường và hướng đến công nghệ quốc tế. Trước đây, cơ chế tài chính dẫn đến việc các nhà khoa học phải mất quá nhiều thời gian cho việc làm hóa đơn, chứng từ. Nay các nhà khoa học, khi nộp kết quả cuối cùng đáp ứng các tiêu chí, yêu cầu của đề tài, dự án thì toàn bộ quá trình thanh quyết toán, hóa đơn chứng từ sẽ không cần thiết nữa. Đây là một phương thức làm khoa học phù hợp với thông lệ quốc tế, được hầu hết các quốc gia làm theo. Như vậy, khâu khó nhất, vướng mắc nhất trong cơ chế quản lý, hoạt động KH-CN ở Việt Nam đã được tháo gỡ, sau rất nhiều năm chờ đợi. Vấn đề còn lại, bao giờ thì KH-CN thực sự đột phá, đóng góp nhiều hơn, xứng đáng đối với công cuộc xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, như sự kỳ vọng của mọi người? Câu trả lời thuộc về các cơ quan quản lý các cấp, cũng như bản thân các nhà khoa học Việt Nam, nhưng chắc chắn một điều rằng, để có được sự đột phát của KH-CN Việt Nam, phải xuất phát từ nhận thức, ý chí hành động, từ người đứng đầu các tổ chức KH-CN, bộ ngành, địa phương và bản thân mỗi nhà khoa học!

TRẦN LƯU

Tin cùng chuyên mục