Bảo vệ thương hiệu nổi tiếng

Tại hội thảo “Nhãn hiệu nổi tiếng - Nhu cầu của doanh nghiệp và giải pháp” do Bộ Khoa học - Công nghệ (KH-CN) phối hợp với Hiệp hội Nhãn hiệu quốc tế (INTA) vừa tổ chức tại TPHCM cho thấy, giá trị của nhãn hiệu không chỉ nằm ở tên gọi mà bao gồm rất nhiều những sáng chế, sự đầu tư công sức và trí tuệ của nhân lực trong doanh nghiệp. Thế nhưng, các nhãn hiệu nổi tiếng hiện nay rất dễ bị xâm hại và thậm chí ít được bảo vệ… Vì thế, việc đưa ra một quy trình chuẩn cho việc công nhận nhãn hiệu nổi tiếng là rất quan trọng.

Dự án “Nhãn hiệu nổi tiếng” là một trong những hoạt động thuộc khuôn khổ bản ghi nhớ được ký kết vào tháng 3-2015 giữa Thanh tra Bộ KH-CN và INTA về xây dựng, triển khai các hoạt động phối hợp trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ (bao gồm thực thi quyền sở hữu trí tuệ).

Dự án được triển khai tại Việt Nam từ năm 2015 - 2017 với ba nhóm hoạt động chính: Nghiên cứu do các nghiên cứu viên độc lập tiến hành; hội thảo/hội nghị và truyền thông do Ban điều phối dự án tổ chức; hoạt động đào tạo, khảo sát thực tiễn nước ngoài về áp dụng pháp luật nhãn hiệu nổi tiếng. Hội thảo cho thấy, hàng nhái, hàng giả vẫn “sống” được do tâm lý của không ít người rất thích hàng hóa của các doanh nghiệp nổi tiếng, nhất là hàng ngoại nên bị các đối tượng làm hàng nhái lợi dụng; do lợi nhuận thu được từ hàng giả các nhãn hiệu nổi tiếng rất cao; hệ thống các văn bản luật hiện hành về chống hành giả, hàng hóa xâm phạm sở hữu trí tuệ rất nhiều nhưng chồng chéo và còn nhiều bất cập, gây khó cho công tác điều tra xử lý…

Dự án “Nhãn hiệu nổi tiếng” tập trung nghiên cứu, đánh giá, thu thập và tổng hợp thông tin, ý kiến từ các cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan, chủ sở hữu nhãn hiệu, các doanh nghiệp và đại diện sở hữu công nghiệp về những vướng mắc trong việc thi hành các quy định pháp luật Việt Nam hiện hành liên quan tới việc công nhận, bảo hộ và thực thi quyền đối với nhãn hiệu nổi tiếng; hình thành hệ thống căn cứ lý luận và thực tiễn cho những đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật, góp phần tháo gỡ những vướng mắc thực tiễn và nâng cao hiệu quả bảo hộ và thực thi quyền đối với nhãn hiệu nổi tiếng tại Việt Nam...

Cục Cảnh sát Kinh tế nhận định: Tội phạm sản xuất, buôn bán hàng giả các nhãn hiệu nổi tiếng của các doanh nghiệp trong nước chủ yếu là sản xuất thủ công, nhỏ lẻ, hoặc lắp ráp linh kiện, đóng gói sản phẩm và nhiều vụ sản xuất theo đơn đặt hàng của người buôn bán. Có thể thấy trên thị trường, hàng hóa nào có thương hiệu, có uy tín được người tiêu dùng ưa chuộng thì có hàng giả. Mặt hàng thường bị làm giả nhiều nhất là các loại mỹ phẩm, thuốc chữa bệnh, thực phẩm chức năng, hàng may mặc, hàng tiêu dùng bằng da…

BÁ TÂN

Tin cùng chuyên mục