Giáo sư Trịnh Xuân Thuận truyền cảm hứng về khoa học vũ trụ

THẢO NGA

Chiều 8-7, tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định) đã diễn ra chương trình nói chuyện chuyên đề của Giáo sư Trịnh Xuân Thuận, một nhà khoa học nổi tiếng thế giới trên lĩnh vực vật lý thiên văn. Đây là một sự kiện trong chuỗi các Hội thảo khoa học “Gặp gỡ Việt Nam” do Hội Khoa học gặp gỡ Việt Nam phối hợp với Bộ Khoa học - Công nghệ và UBND tỉnh Bình Định tổ chức.

Giao lưu với gần 1.000 học sinh, sinh viên, người yêu khoa học, Giáo sư Trịnh Xuân Thuận thẳng thắn chia sẻ bí quyết thành công, đó là nghiên cứu khoa học phải có niềm đam mê, may mắn thì tìm được những người thầy giỏi. Những người thầy giỏi sẽ giúp định hình cách suy nghĩ, hướng phát triển và mở ra những chân trời tri thức cho chúng ta. Ông cho biết từ nhỏ đã mê tìm hiểu về nhà bác học Albert Einstein và luôn lấy nhà khoa học vĩ đại này làm hình mẫu để cố gắng trên con đường nghiên cứu.

Giáo sư Trịnh Xuân Thuận sinh năm 1948 tại Hà Nội, là một khoa học gia nổi tiếng người Mỹ gốc Việt trên lĩnh vực vật lý thiên văn. Ông đã viết nhiều quyển sách có giá trị cao về vũ trụ học và về những suy nghĩ của ông trong tương quan giữa khoa học và Phật giáo. Ông đã đoạt được nhiều giải thưởng lớn như: Giải Moron 2007 của Viện Hàn lâm Pháp; Giải Kalinga 2009 của UNESCO về các đóng góp trong việc đại chúng hóa khoa học; Giải thưởng Thế giới của Fondation Simone et Cino del Duca năm 2012 của Học viện Quốc gia Pháp...

Tối cùng ngày, hội nghị “Khoa học cơ bản và xã hội” nằm trong khuôn khổ Chương trình Gặp gỡ Việt Nam lần thứ 12 đã bế mạc tại Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.

Trong 2 ngày diễn ra hội nghị có 7 chủ đề thảo luận do các nhà khoa học hàng đầu thế giới điều hành như: Tầm quan trọng của theo đuổi khoa học cơ bản ở các nước mới nổi; Khoa học cơ bản và sự phát triển bền vững; Nghiên cứu cơ bản và Hòa bình; Nghiên cứu cơ bản và khí hậu; Nghiên cứu cơ bản và sức khỏe; Nghiên cứu cơ bản, mở cửa đổi mới và hợp tác kinh tế… Tham gia các phiên thảo luận có các bài phát biểu quan trọng của giáo sư David Gross, Nobel Vật lý năm 2004; giáo sư Jean - François Bach, Tổng thư ký Viện Hàn lâm khoa học Pháp; giáo sư Jerome Friendman, Nobel Vật lý 1990…

THẢO NGA

Tin cùng chuyên mục