ICDREC nỗ lực sản xuất chip Việt

Sáng 25-8, tại Đại học Quốc gia TPHCM, Ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài phối hợp với cụm thi đua khen thưởng số 5 TPHCM, Trung tâm nghiên cứu và đào tạo thiết kế vi mạch (ICDREC) tổ chức hội nghị giới thiệu mô hình của GS.TS Đặng Lương Mô về việc “Phát huy nguồn lực tri thức kiều bào trong lĩnh vực thiết kế vi mạch ”.
ICDREC nỗ lực sản xuất chip Việt

(SGGPO).- Sáng 25-8, tại Đại học Quốc gia TPHCM, Ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài phối hợp với cụm thi đua khen thưởng số 5 TPHCM, Trung tâm nghiên cứu và đào tạo thiết kế vi mạch (ICDREC) tổ chức hội nghị giới thiệu mô hình của GS.TS Đặng Lương Mô về việc “Phát huy nguồn lực tri thức kiều bào trong lĩnh vực thiết kế vi mạch ”.

Ông Ngô Đức Hoàng, Giám đốc ICDREC giới thiệu với các đại biểu sản phẩm chip “made in Việt Nam”


Hội nghị xoay quanh vấn đề cùng nhau tháo gỡ những vướng mắc về ngành vi mạch, ngành công nghệ còn non trẻ của TPHCM hướng tới mục tiêu chiến lược  lâu dài trong việc thương mại hóa sản phẩm chip Việt với phương châm “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Phát biểu tại Hội nghị GS.TS Đặng Lương Mô, cố vấn Đại học Quốc gia TPHCM đã khái quát tình hình 20 năm hoạt động của ngành vi mạch TPHCM và định hướng những năm tiếp theo. Trong quá trình đó ông luôn trăn trở thực hiện chip “made in Việt Nam” và luôn đồng hành cùng ICDREC ươm mầm những tài năng công nghệ trẻ sản xuất ra những sản phẩm chip có tính ưu việt và được cộng đồng đón nhận.

Theo GS Đặng Lương Mô, hiện nay ngành vi mạch đang được ưu đãi và có cơ chế thông thoáng nhằm thu hút sự đầu tư và tạo ra nhiều cơ hội phát triển cho ngành công nghiệp còn khá non trẻ này tại Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng. Về phía ĐH Quốc gia TP.HCM, với vị thế là một trong hai trường ĐH lớn của cả nước đã nhận thức được tầm quan trọng của công nghệ vi mạch trong sự nghiệp công nghiệp hoá và hiện đại hoá của đất nước. Trong đó, việc thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Thiết kế Vi mạch (ICDREC) với mục tiêu trở thành đơn vị hàng đầu về thiết kế và đào tạo vi mạch tại Việt Nam được xem như bước đi sáng suốt.

Trong hơn 10 năm thành lập,  ICDREC đã cho ra đời hàng loạt con chip made in Việt Nam như: chip Sigma K3, chip VN8-01, chip VN 16-32, chip HF-RFID, chip sinh học ….các con chip này đã ứng dụng trên các sản phẩm: đồng hồ điện tử, khóa container, hộp đen xe hơi và xe máy…. Đặc biệt, cung cấp chip cho các công ty điện lực trên cả nước. Ngoài ra, ICDREC cũng đã phát triển những sản phẩm ứng dụng chip Việt như thiết bị giám sát hành trình xe buýt, xe tải, ổ khóa điện tử dành cho container. Để tăng sức cạnh tranh của các dòng chip do ICDREC sản xuất, GS.TS Đặng Lương Mô cho biết, Trung tâm đang nghiên cứu áp dụng công nghệ SOTB  (Sillicon On Thin Buried OXide). Theo đó, các con chip thế hệ sau sẽ được sản xuất theo quy trình 65 nanomet, giúp tiêu thụ điện năng chỉ còn 1/3 so với hiện nay.

Theo ông Ngô Đức Hoàng, Giám đốc ICDREC, để đáp ứng nhu cầu của thị trường và nhằm xây dựng chiến lược phát triển lâu dài ICDREC dự kiến từ nay đến cuối năm 2016, sẽ đầu tư thêm 6 phòng thí nghiệm được TP. HCM đầu tư hỗ trợ cho các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn, góp phần hoàn thành mục tiêu đào tạo 2.000 kỹ sư, kỹ thuật viên vi mạch đến năm 2020, do chương trình phát triển công nghiệp vi mạch TP.HCM đã đặt ra. Trước mắt ICDREC đang phối hơp với công ty cổ phần bóng đèn Điện Quang dùng chíp Việt Nam và công nghệ Việt Nam để tạo ra đèn đường thông minh và triển khai thực hiện sản xuất chíp dành cho lực lượng an ninh quốc phòng.

THÀNH SƠN

Tin cùng chuyên mục