Nắm bắt cơ hội khởi nghiệp lĩnh vực ICT

Bất chấp những khó khăn, Việt Nam vẫn nằm trong tốp 3 thị trường khởi nghiệp phát triển mạnh tại khu vực Đông Nam Á. Trong đó, lĩnh vực công nghệ thông tin và viễn thông (ICT) đang được Chính phủ tạo điều kiện phát triển. Tuy nhiên, tính kết nối yếu, thiếu kinh nghiệm và nguồn lực là thách thức đặt ra cho các bạn trẻ muốn tìm kiếm cơ hội thử sức khởi nghiệp trong lĩnh vực này.
Nắm bắt cơ hội khởi nghiệp lĩnh vực ICT

Bất chấp những khó khăn, Việt Nam vẫn nằm trong tốp 3 thị trường khởi nghiệp phát triển mạnh tại khu vực Đông Nam Á. Trong đó, lĩnh vực công nghệ thông tin và viễn thông (ICT) đang được Chính phủ tạo điều kiện phát triển. Tuy nhiên, tính kết nối yếu, thiếu kinh nghiệm và nguồn lực là thách thức đặt ra cho các bạn trẻ muốn tìm kiếm cơ hội thử sức khởi nghiệp trong lĩnh vực này.

Xu hướng kết nối vạn vật

Thị trường khởi nghiệp Việt Nam đang diễn biến đầy sức sống và tiềm năng, chứng kiến sự trỗi dậy của một thế hệ doanh nhân ngày càng trẻ, thành công sớm, nhanh và hướng đến sự bền vững, hòa nhập với xu hướng khởi nghiệp khu vực và thế giới. Cùng với đó, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 hay còn gọi là công nghiệp 4.0 sẽ là một xu thế lớn có tác động đến phát triển kinh tế - xã hội mỗi quốc gia, từng khu vực và toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Đây là xu hướng kết hợp giữa các hệ thống ảo và thực thể, vạn vật kết nối internet (IoT) và các hệ thống kết nối internet (IoS).

Các bạn trẻ khởi nghiệp với ứng dụng eDoctor tại Công ty cổ phần eDoctor. Ảnh: KIM THANH

Theo Tổng giám đốc Microsoft Việt Nam Vũ Minh Trí, cách mạng công nghiệp 4.0 là cơ hội để doanh nghiệp (DN) ICT mở rộng kết nối, hình thành nên hệ sinh thái rộng lớn. Theo gợi ý của ông Vũ Minh Trí, có 3 xu hướng và 4 nhóm sản phẩm, dịch vụ có tiềm năng trong tương lai. 3 xu hướng là: Các sáng chế, sáng tạo tương lai sẽ tập trung vào việc giúp con người hoạt động hiệu quả hơn; con người phải làm việc nhóm nhiều gấp nhiều lần của 5 năm trước, hình thành các công cụ tương tác, mà mạng xã hội là công cụ điển hình để tạo ra thêm những sáng tạo mới; con người ngày càng di chuyển nhiều hơn, phát sinh khối lượng dữ liệu khổng lồ, đòi hỏi giải pháp lưu trữ, nhất là lưu trữ đám mây. Cùng với đó là 4 nhóm sản phẩm, dịch vụ để hỗ trợ DN mở rộng khách hàng, thay đổi hệ thống sản xuất, tối ưu hóa công việc và giúp nhân viên của DN làm việc mọi lúc mọi nơi.

“Thống kê vào thời điểm giữa năm 2016, GDP của Việt Nam vào khoảng 168 tỷ USD, trong đó doanh thu công nghệ thông tin (CNTT) gồm phần cứng, phần mềm, dịch vụ lưu trữ đám mây chỉ chiếm 33 tỷ USD, tức khoảng 20%. Nhưng công nghiệp 4.0 với IoT sẽ tạo ra cơ hội để DN ICT nâng tỷ lệ đóng góp có thể lên tới 60%”, ông Vũ Minh Trí nhận định

Nắm bắt cách nào

Các chuyên gia công nghệ đánh giá, đây là giai đoạn mà mọi ngành đều có thể ứng dụng CNTT để phát triển sản phẩm, dịch vụ của mình. Tuy nhiên, sự phát triển của các doanh nghiệp ICT tại TPHCM chưa tương xứng với tiềm năng, vị thế của TP. Ông Vũ Anh Tuấn, Tổng Thư ký Hội Tin học TPHCM, Giám đốc Vườn ươm DN công nghệ phần mềm Quang Trung, cho biết trong năm 2015, TP ước đạt khoảng 2.000 DN. Song các DN trong lĩnh vực này chủ yếu là DN nhỏ, doanh thu trung bình mỗi năm dưới 20 tỷ đồng. Số DN này chỉ đóng góp 7% vào tổng GDP của TPHCM.

Theo Giám đốc không gian đổi mới sáng tạo TPHCM (SIHUB) Huỳnh Kim Tước, TP đang đẩy mạnh phát triển 4 hệ sinh thái khởi nghiệp, bao gồm: Cơ khí - tự động hóa; hóa - hóa dược - nhựa - cao su; điện tử - CNTT; chế biến tinh lương thực thực phẩm và công nghệ sinh học… TP dành 1.000 tỷ đồng cho khởi nghiệp. Ngoài ra, trong giai đoạn 2016-2020, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng dành ra 100 triệu USD cho năm 2018 để hỗ trợ môi trường kinh doanh thuận lợi cho các DN nhỏ và vừa khởi nghiệp. Đây là chính là những cơ hội để các bạn trẻ khởi nghiệp tận dụng và hiện thực hóa giấc mơ kinh doanh của mình, từ đó nâng cao vai trò của CNTT trong phát triển kinh tế - xã hội của TPHCM.

Góp thêm ý kiến, PGS-TS Nguyễn Anh Thi, Giám đốc Khu Công nghệ phần mềm thuộc Đại học Quốc gia TPHCM, nêu rõ các trường đại học là nơi cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo ra những ý tưởng đột phá trong hệ sinh thái khởi nghiệp ICT. Hiện các trường vẫn đang thiếu những người “làm vườn” có khả năng tạo ra những hạt giống là các ý tưởng sáng tạo của sinh viên. Nhà nước cùng các trường đại học cần tạo thêm không gian, kiến thức, kỹ năng để sinh viên khởi nghiệp trong lĩnh vực ICT.

Tuy nhiên, các chuyên gia cùng nhìn nhận, cốt lõi vẫn là các nhà khởi nghiệp trẻ. Họ phải mạnh dạn mở rộng kết nối, tìm kiếm nguồn lực hỗ trợ phù hợp với ý tưởng của mình. Mỗi sự hỗ trợ chỉ như vật liệu thô, từng nhà khởi nghiệp phải sáng tạo trên các vật liệu thô đó để khởi nghiệp thành công.

 Đại diện các doanh nghiệp CNTT, trường đại học, quỹ đầu tư, vườn ươm… tại TPHCM vừa ra mắt Ban điều hành trù bị hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp lĩnh vực ICT. Theo đó, trong năm 2017 sẽ hỗ trợ khoảng 100 - 200 dự án khởi nghiệp, thông qua việc kết hợp với các tổ chức trong và ngoài nước triển khai các hoạt động đào tạo, nâng cao năng lực cho DN khởi nghiệp, vườn ươm; tổ chức cuộc thi theo mô hình Hackathon về ứng dụng trên nền tảng ICT cho các startup…

GIA QUẢNG

Tin cùng chuyên mục