Giáo sư - Tiến sĩ Đặng Lương Mô: Về nhà, “xây” chíp, gieo khát vọng

Ở tuổi hơn 80, GS-TS Đặng Lương Mô vẫn minh mẫn và nhanh nhẹn. Trong con người ấy luôn có nỗi khát khao “tạo ra của cải vật chất nhiều hơn để đất nước giàu mạnh”, khiến bất kỳ ai gần ông cũng phải nể phục.
Giáo sư - Tiến sĩ Đặng Lương Mô: Về nhà, “xây” chíp, gieo khát vọng

Ở tuổi hơn 80, GS-TS Đặng Lương Mô vẫn minh mẫn và nhanh nhẹn. Trong con người ấy luôn có nỗi khát khao “tạo ra của cải vật chất nhiều hơn để đất nước giàu mạnh”, khiến bất kỳ ai gần ông cũng phải nể phục.

Rời Nhật Bản năm 66 tuổi (năm 2002), GS-TS Đặng Lương Mô về quê hương bằng hành trang kỳ vọng: “Những gì tôi đã làm, đã thấy trong hơn 40 năm sống ở Nhật Bản, đặc biệt là sự quật khởi sau chiến tranh thế giới thứ 2 để quốc gia này trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là điều chúng ta đáng học hỏi, học tập để phát triển…”. Ông đã chứng kiến sự thay đổi thần kỳ của Nhật Bản và mong muốn Việt Nam có sự phát triển vượt bậc khi đất nước mở cửa.

GS-TS Đặng Lương Mô cùng bức tranh Cổng đỏ AKAMON kỷ niệm 100 năm Đại học Tokyo, vật kỷ niệm từ người thầy khi ông ở Nhật. Ảnh: TẤN BA

Trước khi về hẳn Việt Nam, GS-TS Đặng Lương Mô đã “chuyển hành lý” của mình về trước. Hành lý của ông “cồng kềnh” kể không hết, trong đó phải nói đến chuyện vận động các trường đại học, các quỹ ở Nhật Bản tài trợ, giúp các giảng viên, những người yêu thích ngành vi mạch sang Nhật Bản tu nghiệp, nhất là Hiệp định hợp tác song phương giữa Đại học Hosei, tức là nơi GS-TS Đặng Lương Mô làm giáo sư và Trưởng khoa trong 20 năm, với Đại học Bách khoa TPHCM, từ năm 1999 đến nay. Đại học Hosei, do GS-TS Đặng Lương Mô vận động, đã đưa ra khung tài trợ 100% kinh phí ăn, ở, học và nghiên cứu cho phía Việt Nam cử đi và được áp dụng theo công thức 12 tháng/người. Điều này tùy mục tiêu và nhu cầu người được đi học, nếu 3 người thì học trong vòng 4 tháng, 2 người thì học trong vòng 6 tháng… Đến nay đã có hơn 50 người tham gia chương trình này, trong số đó không ít người đang cùng gắn kết phát triển ngành công nghiệp vi mạch trong nước…

Với GS-TS Đặng Lương Mô, vi mạch như là “bát cơm, chén nước” không thể thiếu, nên mỗi cơ hội phát triển ngành trên đất mẹ luôn khiến ông đau đáu không nguôi: “Chúng ta mất nhiều cơ hội lắm, chẳng hạn có một dự án chuyển giao công nghệ chế tạo và sản xuất chíp miễn phí từ Nhật Bản đã “vuột” sang Malaysia. Đó là 14 năm trước, đã có một đề án lớn về phát triển công nghệ chế tạo vi mạch với Nhật Bản nhưng không thông qua được vì khi ấy chúng ta chưa đánh giá đầy đủ tầm quan trọng của nó để đặt nó lên mức độ ưu tiên…”. Ông hoàn toàn có lý khi cho rằng, ngành vi mạch đã giúp Nhật Bản thay đổi thần kỳ và nay đã chuyển sang Hàn Quốc, Đài Loan… khiến những nơi đây giàu mạnh. Vi mạch làm cho đất nước giàu mạnh, đó là điều chúng ta đang cần và chúng ta vẫn còn nhiều cơ hội. Ông bày tỏ vui mừng vì nay TPHCM đã có Chương trình phát triển công nghiệp vi mạch. “Chúng ta có đội ngũ nòng cốt đang ngày càng dày lên, và quan trọng là lãnh đạo thành phố đã xác định vi mạch là một ngành quan trọng phát triển kinh tế - xã hội thì cơ hội vẫn còn đó”, GS-TS Đặng Lương Mô bày tỏ.

Từ năm 1969 đến năm 1971, GS-TS Đặng Lương Mô là chuyên viên nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Trung ương Toshiba Nhật Bản. Đến năm 1973, ông là Viện trưởng Học viện quốc gia kỹ thuật. Từ năm 1983 đến năm 2002, ông được mời làm giảng viên với cương vị Giáo sư tại Trường Đại học Hosei, Tokyo, Nhật Bản… Tại Nhật, ông đã có hơn 300 công trình nghiên cứu và hơn 10 bằng phát minh, sáng chế. Nhiều công trình nghiên cứu của ông đã được trích đăng hoặc trích dẫn trong các sách nghiên cứu xuất bản tại Mỹ, nhất là sách giáo khoa sử dụng tại các đại học.

BÁ TÂN

Tin cùng chuyên mục