Khởi nghiệp từ vi mạch

Việc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo thiết kế vi mạch (ICDREC) tổ chức ra mắt Công ty cổ phần Phần mềm Hiệu Năng Cao Việt Nam (VHES) có ý nghĩa khá đặc biệt, vì đây là một công ty khởi nghiệp từ Chương trình Phát triển công nghiệp vi mạch TPHCM.

Việc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo thiết kế vi mạch (ICDREC) tổ chức ra mắt Công ty cổ phần Phần mềm Hiệu Năng Cao Việt Nam (VHES) có ý nghĩa khá đặc biệt, vì đây là một công ty khởi nghiệp từ Chương trình Phát triển công nghiệp vi mạch TPHCM.

Sản phẩm rõ ràng

Công ty VHES gồm những nhân sự trưởng thành từ việc tham gia đề tài của dự án thuộc Chương trình Phát triển công nghiệp vi mạch TPHCM. VHES nhận được chuyển giao công nghệ từ ICDREC để hình thành nên sản phẩm cốt lõi làm nền tảng khởi nghiệp.

Một góc khu làm việc của công ty khởi nghiệp VHES

Sản phẩm của công ty khởi nghiệp này là HES (Head End System) - Hệ thống trung gian giao tiếp hai chiều với MDMS (Meter Data Management System) và mạng lưới đầu cuối gồm Modem/DCU và điện kế điện tử. Hệ thống HES gồm cả phần cứng và phần mềm, thực hiện thu thập, lưu trữ dữ liệu từ các đầu cuối, quản lý các giao thức thông tin và cung cấp về cho MDMS. Đồng thời, MDMS sẽ thông qua HES để tương tác điều khiển trực tiếp các thiết bị đầu cuối từ xa như đóng cắt điện, đồng bộ thời gian trên toàn bộ hệ thống. Dữ liệu giao tiếp giữa HES và Modem/DCU hoặc điện kế cần được mã hóa để bảo mật. Dữ liệu này được trao đổi qua đường truyền cáp quang, GPRS/GSM hoặc PLC. Thông tin với HES tuân theo chuẩn IEC 61968 về quản lý phân phối và mô hình thông tin chung trong hệ thống lưới điện thông minh.

Ông Phan Minh Nghĩa, Giám đốc VHES, cho biết: Sản phẩm nói trên là một mắt xích quan trọng trong hệ thống lưới điện thông minh, hướng tới thành phố thông minh (Smart City), trong đó chip Việt cũng được ứng dụng trong quá trình tạo ra sản phẩm này. Trong đề tài khoa học của Sở Khoa học - Công nghệ TPHCM, ICDREC ứng dụng chip Việt để thực hiện đề tài, làm chủ công nghệ lưới điện thông minh tới mức vi mạch. Điều này cho phép các thành viên thực hiện đề tài HES dễ dàng thiết kế và sửa đổi phần mềm HES sao cho tương thích với mọi loại điện kế.

Hướng đến những giá trị cao hơn

Với sự khởi đầu này, VHES đặt kỳ vọng cao vào đầu ra cho sản phẩm, cũng như triển vọng cho các sản phẩm kế tiếp. Cả nước hiện có hơn 20 triệu điện kế và theo Nghị quyết 36a của Chính phủ thì đến năm 2020, toàn bộ 20 triệu điện kế phải được đo xa. Hệ thống HES là một mắt xích quan trọng trong lưới điện thông minh. Việc làm chủ công nghệ HES sẽ giúp ngành điện thống nhất một phần mềm dùng chung cho cả lưới điện, giảm hàng tồn kho rất lớn cho ngành điện lực (do mỗi hãng sản xuất điện kế điện tử thì lại cung cấp một HES độc lập, từ đó muốn ứng dụng hệ thống đo xa thì ngành điện phải mua dự phòng số lượng lớn điện kế của các hãng này để dự trữ), tiết kiệm hàng ngàn tỷ đồng.

Từ tháng 4-2013, Tổng Công ty Điện lực TPHCM đã hợp tác với ICDREC nghiên cứu, sản xuất mẫu các thiết bị ngành điện lực. Đến nay, trên lưới điện TPHCM có 3.000 công tơ sử dụng giải pháp thu thập dữ liệu từ xa của ICDREC. Được biết, trong giai đoạn 2017-2020, Tổng Công ty Điện lực TPHCM sẽ tiếp tục triển khai lộ trình thay thế công tơ điện tử kết hợp hệ thống thu thập dữ liệu từ xa cho hơn 2 triệu công tơ, nhằm xây dựng hệ thống điện thông minh trên địa bàn TPHCM.

Tại lễ ra mắt công ty khởi nghiệp VHES, ông Phan Minh Nghĩa cũng kỳ vọng: Không chỉ cho hệ thống lưới điện thông minh, HES có thể mở rộng cho hệ thống cấp nước thông minh, hệ thống giao thông thông minh, đáp ứng nhu cầu triển khai chương trình thành phố thông minh. Điều này đã như được Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến tiếp thêm động lực khi phát biểu: “Tôi kỳ vọng VHES sẽ có thêm những sản phẩm mới, như ứng dụng trong quản lý nguồn nước, chất lượng nước để đảm bảo an toàn, chống  thất thoát nước…, hướng đến xây dụng thành phố thông minh".

Theo ông Ngô Đức Hoàng, Giám đốc ICDREC, VHES phát triển sản phẩm dựa trên công nghệ lõi được tạo ra từ đề tài do Sở Khoa học - Công nghệ TPHCM cấp kinh phí, đơn vị thực hiện là ICDREC, đơn vị phối hợp là Tổng Công ty Điện lực TPHCM. Một số nhân sự chủ chốt của VHES cũng trưởng thành từ dự án thành phần đào tạo nguồn nhân lực của Chương trình Phát triển công nghệ vi mạch. ICDREC sẽ chuyển giao (chuyển giao không độc quyền) một phần của công nghệ - đề tài cho VHES. Dựa trên phần chuyển giao này, VHES tiếp tục phát triển để hình thành và hoàn thiện phần mềm HES, đồng thời tiếp tục phát triển các thành phần giao tiếp phù hợp với từng mạng lưới đầu cuối gồm Modem/DCU và điện kế điện tử đo xa của những hãng khác nhau.

BÁ TÂN

Tin cùng chuyên mục