Làm sạch nước bằng công nghệ lõi Z

Làm sạch nước bằng công nghệ lõi Z

Không chỉ nước thải từ các nhà máy, bệnh viện, các khu công nghiệp với mức ô nhiễm cao làm đau đầu những nhà quản lý Việt Nam mà ngay cả những nguồn nước thô cung cấp cho các nhà máy nước để dùng cho sinh hoạt cũng đang có dấu hiệu nhiễm bẩn. Vì vậy, việc Công ty Liên doanh Môi trường Việt Nhật vừa thử nghiệm xử lý nguồn nước thô sông Sài Gòn tại Nhà máy nước Tân Hiệp, TPHCM bằng công nghệ lõi Z cho kết quả khả quan đã mở ra nhiều triển vọng trong việc xử lý và làm sạch nguồn nước sinh hoạt.

Triệt tiêu các tạp chất ô nhiễm

Làm sạch nước bằng công nghệ lõi Z ảnh 1

Mỗi ngày Nhà máy nước Tân Hiệp cung cấp khoảng 300.000 m3 nước sinh hoạt cho người dân bằng nguồn nước sông Sài Gòn. Nhưng những kết quả quan trắc thời điểm gần đây cho kết quả thật đáng lo ngại: độ đục, lượng NH3, ô nhiễm Colifom, hàm lượng mangan, sắt đều vượt nhiều lần tiêu chuẩn cho phép của nguồn nước cấp loại A.

Nhà máy nước Tân Hiệp đã phải chạy quá công suất cũng là khó khăn cho việc xử lý nước để cung cấp đủ cho người dân vì nguồn nước thô có quá nhiều tạp chất ở mức cao. Từ thực tế đáng ngại này, tháng 11-2007, Công ty Liên doanh Môi trường Việt Nhật đã phối hợp với Nhà máy nước Tân Hiệp cùng thử nghiệm xử lý nguồn nước thô đầu vào của nhà máy. Sau xử lý, các chỉ tiêu ô nhiễm đều dưới mức cho phép nhiều lần.

Chẳng hạn, độ đục của nguồn nước thô đã giảm đi nhiều lần so với trước khi xử lý, thậm chí còn ở dưới mức tiêu chuẩn Việt Nam về độ đục trong nước sinh hoạt. Tương tự như vậy là hàm lượng các chất khác như sắt, mangan… đều dưới khoảng 10 lần tiêu chuẩn cho phép. Mặc dầu NH3 là tạp chất “thất thường”, xuất hiện liên tục trong nguồn nước thô của Nhà máy nước Tân Hiệp, gây mùi khó chịu cho nước nhưng sau khi xử lý và kiểm nghiệm lại, hàm lượng NH3 đã không còn thấy xuất hiện.

Nói về tính năng của công nghệ này, ông Châu Phước Minh, Giám đốc Công nghệ Công ty Liên doanh Môi trường Việt Nhật cho biết với công nghệ mà công ty áp dụng thời gian xử lý nhanh, đáp ứng được yêu cầu cấp nước, chi phí lắp đặt không tốn kém và việc vận hành tương đối đơn giản. Ông còn cho biết thêm, nước sau khi xử lý nhiễm bẩn không cần qua khâu xử lý nào nữa cũng có thể dùng để uống.

Chia tách phân tử nước để lọc nước

Công nghệ xử lý nước ô nhiễm của Công ty Liên doanh Môi trường Việt Nhật được cho là mới mẻ không chỉ với Việt Nam mà còn mới với nhiều nơi trên thế giới. Việc xử lý này không hề sử dụng hóa chất hay vi sinh. Nước được làm sạch bằng các tia hồng ngoại phát ra bởi các hạt ceramic vijeco. Vì thế, công nghệ này được gọi với cái tên khá đặc biệt: công nghệ lõi Z- Vijico.

Lõi Z dùng để lọc nước này được cấu tạo tương tự như một bình nước hình ống với các tầng gồm: nguồn nước đầu vào, máy bơm, hạt ceramic, bồn chứa nước và nước sạch. Hoạt động theo cơ chế ngược, lõi Z làm việc liên tục 24/24 mà không làm thất thoát nước.

Ông Châu Phước Minh giải thích: “Lõi Z sẽ phát ra các tia hồng ngoại có bước sóng dài 4-14 µm, sau đó chia tách chùm phân tử nước có kích thước lớn thành những chùm phân tử nhỏ và cho chúng tương tác cộng hưởng để phá vỡ cấu trúc chùm phân tử chứa tạp chất, làm mềm nước và xử lý. Đối với việc khử mùi, lõi Z sẽ tạo ra ion âm làm giảm khuẩn và khử mùi. Đó là lý do vì sao công nghệ lõi Z không dùng đến hóa chất hay vi sinh và thân thiện với môi trường, ông Minh cho biết.

Công nghệ nói trên đã được triển khai tại nhiều nhà máy sản xuất, cơ sở y tế của Nhật và một số nước vùng khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ưu điểm của công nghệ này theo các chuyên gia là chiếm rất ít diện tích, ít tốn điện năng và cũng không tốn phí đầu tư xây dựng nhiều. Khảo nghiệm về công nghệ này, ông Lê Long, một chuyên gia về nước của TPHCM nhận định đây là một “lời giải” hợp lý cho việc xử lý nước thải ở Việt Nam, phải thân thiện với môi trường. Hiện nay, công nghệ lõi Z đã được sản xuất tại Việt Nam.

NGUYỄN NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục