Hồ sinh thái

Giải pháp chống ngập mới

Giải pháp chống ngập mới

Chỉ một cơn mưa nhỏ cũng đủ biến những đô thị lớn của Việt Nam như TPHCM, Hà Nội thành… sông. Ngập không chỉ gây khó khăn về giao thông mà còn gây ra hàng loạt những hệ quả khác như sụt lún, ô nhiễm môi trường, bệnh tật. Nhưng cho đến nay, các cơ quan chức năng vẫn chưa có giải pháp nào căn cơ để giải quyết tình hình trên. PGS-TS Đoàn Cảnh, Viện Sinh học Nhiệt đới TPHCM vừa đưa ra một mô hình chống ngập hoàn toàn mới, được đánh giá là khá phù hợp với điều kiện Việt Nam.

Mô hình chống ngập của PGS-TS Đoàn Cảnh là sử dụng kỹ thuật sinh thái để xây dựng hệ thống tiêu thoát nước đô thị bền vững. Theo đó nước sẽ được giữ lại mỗi nơi một ít, không tập trung hết vào các cống thoát nước. Sau đó, tận dụng nguồn nước này để xây dựng hồ sinh thái, tạo cảnh quan mới cho đô thị, làm giảm nhiệt độ cho môi trường.

Phương pháp quay về... tự nhiên

Giải pháp chống ngập mới ảnh 1

Bố trí không gian một hệ thống thoát nước mưa sinh học

Qua tìm hiểu, nghiên cứu, PGS-TS Đoàn Cảnh đã cắt nghĩa được nguyên nhân chính gây ngập tại TPHCM là do quá trình đô thị hóa (đường bê tông, đường nhựa, vỉa hè gạch...) đã làm mất đi các trũng chứa nước tự nhiên mà hệ thống thoát nước lại không đủ để tải.

 “Quan điểm thoát nước của chúng ta là tìm cách cho mưa xuống thoát đi càng nhanh càng tốt. Nhưng trong điều kiện phát triển đô thị nhanh chóng như hiện nay giải pháp chống ngập này đã tỏ ra không hợp lý”. Khi đấu nối hệ thống thoát nước cũ và mới vào với nhau sẽ tạo ra sự chênh lệch. Mưa xuống, triều lên, nước có thể chảy ngược vào, càng gây ngập nặng.

Mặt khác, trước hiện tượng “bê tông hóa” tất cả các con đường, nhà cửa, vỉa hè ở TPHCM, nước chỉ còn mỗi một cách duy nhất để “thoát” đó là cống. Nước lúc này bị dồn lại thành dòng chảy lớn nên chẳng còn cách nào khác là sẽ dâng lên. Với cách đặt vấn đề “cũng lượng mưa đó, lượng triều đó, trước đây không hề có chuyện ngập”, PGS-TS Đoàn Cảnh đã manh nha được giải pháp mới “ tận dụng tối đa việc thoát nước tự nhiên, cho nước thấm vào đất”. Đây là phương pháp hoàn toàn… tự nhiên. Trước đây, khi chưa có hệ thống cống thoát, chuyện ngập úng hầu như rất hiếm xảy ra.

Gom nước lại, tạo... hồ

Giải pháp chống ngập mới ảnh 2

Nhưng giải pháp của PGS-TS Đoàn Cảnh không chỉ dừng lại đó. Theo ông, “nước mưa là tài sản quý. Chúng ta có thể tận dụng nước mưa để làm các cảnh quan như các hồ nhân tạo ở nước ngoài...”.

Để không ảnh hưởng đến tiến trình đô thị hóa mà vẫn giải quyết được ngập úng, giải pháp này đưa ra đề xuất sẽ cho nước thấm vào những nơi còn đất như công viên, vườn hoa, vỉa hè, các ruộng vườn..., sau đó gom nước lại vào trong các hồ để tạo cảnh quan. Nước trong hồ này sẽ được xử lý, vì thế sẽ không có mùi và tạo sức hấp dẫn cho người tham quan và có khả năng làm mát cho TP vào những ngày thời tiết nắng nóng.

Không dừng lại ở những nghiên cứu lý thuyết, PGS-TS Đoàn Cảnh đã đưa ra hệ thống giải pháp kỹ thuật sinh thái, đồng thời đạt được 4 mục tiêu: chống ngập úng, lún sụt cơ sở hạ tầng, bổ cập nguồn nước ngầm, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và xanh hóa đô thị.

Hiện nay, PGS-TS Đoàn Cảnh đang cùng với Sở Giao thông Công chính TPHCM và Cơ quan thoát nước đô thị TP bắt đầu ứng dụng vào chống ngập tại khu vực công viên Hoàng Văn Thụ.

Theo tính toán, chỉ riêng giải pháp hồ sinh thái trong công viên đã có thể xử lý toàn bộ nước mưa chảy tràn trên tiểu lưu vực có diện tích hơn 25ha để khắc phục tình trạng ngập ở điểm ngập Hoàng Văn Thụ và nhờ vậy mà có thể không nhất thiết phải đầu tư mở rộng và xây mới cụm cống thoát nước mưa như đã quy hoạch.

Hệ thống chống ngập bền vững triển khai tại khu vực Hoàng Văn Thụ sẽ có 3 giải pháp, gồm: chắn lọc sinh học, mương thấm lọc thực vật và hồ sinh thái. PGS-TS Đoàn Cảnh cho biết, để tạo nên hồ sinh thái, có thể làm địa điểm tham quan, hóng mát cho người dân và khách du lịch thì nước khi được gom về cần phải có quy trình xử lý tốt. Ông Cảnh cũng đã tiến hành thử nghiệm mô hình này ở phòng thí nghiệm .

DUNG MỸ

Tin cùng chuyên mục