Sở hữu trí tuệ

Một số quy định liên quan đến nhãn hiệu trong Luật Thương mại

Theo Luật Thương mại, trong hoạt động mua bán hàng hóa, bên bán không được bán hàng hóa vi phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) và phải chịu trách nhiệm trong trường hợp có tranh chấp liên quan đến quyền SHTT đối với hàng hóa đã bán (theo Điều 46).

Tuy nhiên, bên mua sẽ bị mất quyền viện dẫn quy định trên nếu sau khi đã biết hoặc phải biết về khiếu nại của một bên thứ ba, lại không thông báo ngay cho bên bán về khiếu nại có liên quan đến quyền SHTT đó, trừ trường hợp bên bán cũng biết hoặc phải biết về khiếu nại này (theo Điều 47).

Tương tự, đối với hoạt động gia công trong thương mại, bên đặt gia công có nghĩa vụ chịu trách nhiệm đối với tính hợp pháp về quyền SHTT của hàng hóa gia công, nguyên liệu, vật liệu, máy móc, thiết bị dùng để gia công chuyển cho bên nhận gia công (theo Khoản 5 Điều 181).

Thương nhân có quyền đăng ký bảo hộ quyền SHTT đối với sản phẩm quảng cáo thương mại theo quy định của pháp luật (theo Điều 108) nhưng bị cấm trưng bày, giới thiệu hàng hóa của thương nhân khác để so sánh với hàng hóa của mình, trừ trường hợp hàng hóa đem so sánh là hàng giả, hàng vi phạm quyền SHTT (theo Khoản 4 Điều 123) .

Tương tự, thương nhân cũng không được phép trưng bày, giới thiệu tại các triển lãm, hội chợ các loại hàng  giả, hàng vi phạm quyền SHTT, trừ trường hợp trưng bày, giới thiệu để so sánh với hàng thật (theo Điểm c, Khoản 1 Điều 134).

Luật Thương mại cũng điều chỉnh hoạt động “nhượng quyền thương mại” (franchising) theo đó bên nhượng quyền cho phép bên nhận quyền tiến hành việc mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ theo cách thức tổ chức kinh doanh do bên nhượng quyền quy định, gắn với nhãn hiệu, tên thương mại, bí quyết kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh ... của bên nhượng quyền và bên nhượng quyền có quyền kiểm soát, trợ giúp bên nhận quyền trong việc điều hành hoạt động kinh doanh (theo Điều 284).

Thương nhân nhượng quyền có nghĩa vụ bảo đảm quyền SHTT đối với đối tượng được ghi trong hợp đồng nhượng quyền (theo Khoản 4 Điều 287). Thương nhân nhận quyền có  nghĩa vụ bảo mật bí quyết kinh doanh đã được nhượng quyền (nếu có), và ngừng sử dụng bí quyết kinh doanh, nhãn hiệu, tên thương mại, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh và các quyền SHTT khác (nếu có) sau khi hợp đồng nhượng quyền thương mại kết thúc hoặc chấm dứt (theo Khoản 4 và 5 Điều 289).

Luật Thương mại cũng xác định rằng trong các hành vi vi phạm pháp luật về thương mại, có hành vi vi phạm các quy định về quyền SHTT đối với các hàng hóa, dịch vụ kinh doanh trong nước và xuất khẩu, nhập khẩu (theo Điểm k Khoản 1 Điều 320).

ĐÀO MINH ĐỨC

Tin cùng chuyên mục