Khoảng 2 triệu lao động ở TPHCM đã nhận sổ BHXH

TPHCM đang hoàn tất việc trả sổ bảo hiểm xã hội (BHXH) cho hơn 2,2 triệu lao động trên địa bàn TP. Vì sao người lao động lại giữ sổ BHXH và khi nhận sổ, nếu có các sai sót phát sinh thì làm thế nào?

Phóng viên Báo SGGP có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Thu, Phó Giám đốc BHXH TPHCM.

* Phóng viên: Thưa bà, vì sao lại giao sổ BHXH cho người lao động tự giữ? 

-  Bà NGUYỄN THỊ THU: TPHCM có hơn 2,2 triệu người lao động tham gia BHXH, đến nay 99% người lao động đã nhận được sổ. Còn 1% chưa nhận sổ là người lao động ở các doanh nghiệp mới, doanh nghiệp tránh né thực hiện việc trả sổ BHXH… Thậm chí, nhiều đơn vị như Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Bưu điện TPHCM, Hải quan TPHCM… còn trên 1.000 sổ BHXH/đơn vị chưa mang sổ tới BHXH để rà soát, cập nhật thông tin, phối hợp bàn giao tới người lao động. 

Trước đây, sổ BHXH do doanh nghiệp, đơn vị bảo quản và từng xảy ra hư hại, mất mát. Khi có phát sinh tranh chấp lao động, vì mâu thuẫn, doanh nghiệp lại “giam” sổ BHXH, không trả cho người lao động, dù họ muốn nghỉ việc. Đặc biệt, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp nợ đọng, trốn đóng BHXH. Trên thực tế, doanh nghiệp vẫn trừ tiền đóng BHXH hàng tháng của người lao động nhưng lại không nộp tới cơ quan BHXH. Khoản tiền này bị doanh nghiệp chiếm dụng dùng cho mục đích khác; còn quyền lợi, các chế độ của người lao động bị ảnh hưởng. Nhiều công nhân, người lao động chỉ đến khi nghỉ việc mới hay sự tình. Giờ đây, theo quy định, người lao động được trả sổ và tự giữ sổ BHXH của mình. Có sổ trong tay, người lao động dễ dàng kiểm soát được quá trình đóng BHXH, bảo vệ quyền lợi của mình, kịp thời phát hiện trường hợp doanh nghiệp nợ đọng, trốn đóng BHXH.

* Nhiều người lao động phản ánh, sổ BHXH họ nhận được bị ghi sai thông tin. Vậy việc khắc phục các sai sót như thế nào?

- Nếu có sai sót gì về nhân thân, chức danh, người lao động cứ cập nhật và gửi lại sổ cho chủ sử dụng lao động; sau đó, các đơn vị quay trở lại BHXH để điều chỉnh thông tin. Riêng thông tin về tiền lương, nếu có gì chưa khớp thì người lao động phản ánh và đơn vị phải truy đóng, chứ người lao động không tự ghi vào phần điều chỉnh. Trong các thông tin về nhân thân, thông tin về họ tên, ngày tháng năm sinh, ngày tham gia BHXH… là rất quan trọng, chúng tôi sẽ điều chỉnh, thay sổ cho người lao động; các thông tin về chứng minh nhân dân/căn cước công dân, địa chỉ… chúng tôi sẽ cập nhật trên hệ thống và không thay sổ cho người lao động (vì có thể sau đó người lao động lại thay đổi). 

* Nếu mất sổ BHXH, người lao động cần làm gì?

- Việc giữ sổ BHXH cũng giống như cất giữ sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân hay các giấy tờ quan trọng khác. Người lao động phải bảo quản cẩn thận, lúc nào cần giải quyết chế độ liên quan thì lấy sổ BHXH ra.  

Khi người lao động giữ sổ BHXH rồi, định kỳ hàng năm, cơ quan BHXH sẽ tiếp tục cập nhật quá trình đóng BHXH và phát tờ rời xác nhận gửi tới người lao động. Như vậy, người lao động dễ dàng nắm được quá trình đóng BHXH của mình. Đồng thời, hàng tháng, chúng tôi đều cung cấp kết quả đóng BHXH của người lao động trên website https://baohiemxahoi.gov.vn/tracuu/Pages/tra-cuu-dong-bao-hiem.aspx; người lao động có thể tự tra cứu để biết quá trình đóng và mức tiền lương tham gia BHXH của mình. Nếu phát hiện doanh nghiệp chưa đóng BHXH cho mình, người lao động có thể báo cho công đoàn cơ sở để can thiệp, bảo vệ quyền lợi. 

Nếu bị mất sổ BHXH, người lao động đến cơ quan BHXH để cấp lại. Việc giữ sổ và làm lại sổ không còn thuộc trách nhiệm của chủ sử dụng lao động.

* TPHCM có phát hiện trường hợp nào cầm sổ BHXH để vay tiền ngân hàng?

- Hiện chúng tôi chưa nhận được thông tin người lao động ở TPHCM cầm sổ BHXH đi vay tiền ngân hàng. Nếu ngân hàng thực hiện giao dịch này thì đó là rủi ro với ngân hàng. Bởi sổ BHXH thể hiện thời gian làm việc và đóng BHXH, số năm đóng BHXH có thể quy đổi ra tiền thông qua giải quyết chế độ cho người đóng, chứ bản thân sổ BHXH không phải là tài sản có giá trị như tiền. Nếu người lao động báo mất sổ, về nguyên tắc, cơ quan BHXH sẽ cấp lại sổ và trên hệ thống sẽ ghi là sổ cấp lần 2, cuốn sổ cấp lần 1 mặc nhiên mất giá trị. Ngân hàng cũng không thể mang sổ BHXH của người lao động đến cơ quan BHXH lấy tiền được.

Bạn đọc gửi câu hỏi theo địa chỉ: Ban Chính trị - Xã hội, Báo SGGP, 
số 432 Nguyễn Thị Minh Khai, phường 5, quận 3, TPHCM; hoặc điện thoại 0914 446618, email: duongloan@sggp.org.vn  

Tin cùng chuyên mục