Khoảng lặng của thể thao thành phố

Hôm nay sẽ là ngày diễn ra chặng đua đầu tiên của giải đua xe đạp Cúp Truyền hình TPHCM (HTV) lần thứ 31. Từ chỗ chỉ là một cuộc đua mang tính địa phương, giờ đây sự kiện này đã là thương hiệu hàng đầu của xe đạp Việt Nam. Đối với các cua-rơ Việt thì Cúp Truyền hình danh giá không kém gì Tour de France nổi tiếng.

Không chỉ có Cúp Truyền hình, TPHCM còn 2 sự kiện lâu đời về truyền thống, đẳng cấp về chuyên môn, đó là giải thưởng Quả bóng vàng Việt Nam do Báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức từ năm 1995 đến nay, cũng như giải bóng bàn quốc tế Cây vợt vàng đã trải qua 32 năm “tuổi đời”. Những sự kiện này đều có một điểm chung, đó là ra đời ở giai đoạn cực thịnh của thể thao thành phố, do các đơn vị truyền thông thực hiện, đánh dấu những thành công đầu tiên của phong trào xã hội hóa thể thao. Cũng từ nguồn gốc xã hội hóa nên các sự kiện nói trên duy trì được sự tồn tại và phát triển đến ngày nay, bởi có một thực tế là bản thân ngành thể thao TPHCM không còn giữ được vị thế của mình về thành tích cũng như năng lực tổ chức.

Khi đứng ra tổ chức các sự kiện như Cúp Truyền hình hay Quả bóng vàng Việt Nam, thì Đài Truyền hình TPHCM hay Báo SGGP ban đầu cũng vừa làm công tác xã hội, vừa để phục vụ hoạt động tuyên truyền, đáp ứng yêu cầu của khán giả, độc giả. Mục đích khi đó, chủ yếu là để phát triển thể thao thành phố, vốn đang rất phát triển. Tiêu biểu như 3 danh hiệu Quả bóng vàng Việt Nam đầu tiên đều là cầu thủ của TPHCM. Thế nhưng, từ năm 2002 đến nay, không còn bất kỳ một đại diện đến từ bóng đá Sài Gòn trong danh sách tốp 3 danh hiệu. Công việc “vác tù và hàng tổng” của những nhà tổ chức Quả bóng vàng Việt Nam đôi khi cũng cảm thấy chạnh lòng.

Nhìn từ những sự kiện có truyền thống nói trên, mới thấy thực trạng hiện nay của thể thao TPHCM rất đáng báo động. Nếu xét về số lượng VĐV đóng góp cho quốc gia thì TPHCM vẫn trong tốp đầu nhưng nếu tính trên số dân thì thực ra con số này không có mấy ý nghĩa. Trong khi đó, từ chỗ là trung tâm về tổ chức thi đấu, tiên phong về xã hội hóa, thành công trong nhiều hoạt động thử nghiệm về chuyên nghiệp hóa… thì hiện nay, những yếu tố mang tính đột phá nói trên không còn là thế mạnh. Đó chắc chắn là một nghịch lý rất lớn.

Ai cũng biết, những sự kiện thể thao lớn thường diễn ra ở các thành phố trung tâm. Đầu tiên, nó giải quyết bài toán về hiệu quả đầu tư cơ sở vật chất cũng như đào tạo VĐV. Kế đến, đó là món ăn tinh thần cho người dân, có tính chất quảng bá khuyến khích cư dân đô thị quan tâm đến thể thao và sức khỏe cá nhân. Cuối cùng, tổ chức những sự kiện thể thao hàng đầu cũng là một hoạt động thương mại, là “trách nhiệm” của những địa phương có tiềm lực kinh tế và trình độ tổ chức. Như vậy, một đại đô thị như TPHCM mà mỗi năm các sự kiện mang tính chất quốc gia, quốc tế chỉ đếm trên đầu ngón tay thì phản ảnh một bức tranh khá ảm đạm.

Đây cũng là lý do mà SEA Games 2021 đã không được TPHCM đăng cai. Kỳ vọng về một khu liên hợp đẳng cấp quốc tế tại Rạch Chiếc hiện chỉ mới nhìn thấy ở khía cạnh bất động sản, dịch vụ. Ngay như Nhà thi đấu Phan Đình Phùng nằm ngay trung tâm thành phố hiện cũng chưa biết khi nào được xây dựng lại, các cơ sở vật chất khác ở tình trạng cho thuê kinh doanh để duy trì hạ tầng.

Thành ra, không biết các nhà quản lý thể thao TPHCM nghĩ sao khi Cúp xe đạp truyền hình hay Quả bóng vàng Việt Nam do các đơn vị trực thuộc thành phố nỗ lực duy trì tổ chức lại phải “Vàng ta đãi khách”, trong khi ngành thể thao thành phố hiện chưa thể có thêm các sự kiện mang tầm vóc quốc tế để quảng bá cho du lịch cũng như tạo cơ sở vận động đầu tư trong lĩnh vực thể thao.

Tin cùng chuyên mục