Khoe bối cảnh đẹp mê hồn của Việt Nam trong liên hoan phim quốc tế

Cục Điện ảnh cho biết sẽ phối hợp với Viện phim Việt Nam tổ chức triển lãm Bối cảnh quay phim đặc sắc tại Việt Nam tại Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội lần thứ V từ ngày 21 đến ngày 31-10- 2018. Dự kiến có khoảng 40 bức ảnh đẹp trong các bộ phim của điện ảnh Việt và Quốc tế được giới thiệu tại cuộc triển lãm này.

Nhiều địa danh nổi tiếng, những miền đất xinh đẹp của Việt Nam đã được các nhà làm phim Việt chọn làm bối cảnh, tạo nên những thước phim gây ấn tượng với khán giả. Từ miền Bắc tới miền Trung và miền Nam, nơi nào cũng đều có những nét đẹp độc đáo riêng để các nhà làm điện ảnh khai thác.
Với miền Bắc có thể kể đến Vịnh Hạ Long, Ninh Bình, cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang), làng quê Bắc Bộ… được khai thác trong khuôn hình của các bộ phim Đông Dương, Chuyện của Pao, Thiên mệnh anh hùng, Kong-Đảo đầu lâu, Bến không chồng
Khoe bối cảnh đẹp mê hồn của Việt Nam trong liên hoan phim quốc tế ảnh 1 Ninh Bình trong một cảnh quay phim Kong-Đảo đầu lâu
Trong Chuyện của Pao (đạo diễn Ngô Quang Hải) khán giả đắm chìm trong sắc vàng hoa cải cheo leo nơi sườn núi Tây Bắc. Không gian thiên nhiên, văn hóa vùng cao đất nước Việt Nam khi được thể hiện qua góc nhìn máy quay của một nghệ sĩ nước ngoài bỗng trở nên đẹp đến ngỡ ngàng.
Khoe bối cảnh đẹp mê hồn của Việt Nam trong liên hoan phim quốc tế ảnh 2 Sắc vàng của hoa cải trong Chuyện của Pao
Hay khán giả choáng ngợp trước núi non hùng vĩ tại quần thể Tràng An (Ninh Bình), cảnh cò trắng ngợp trời, cánh đồng lúa vàng óng cùng dòng sông uốn lượn quanh co đã giúp cho Thiên mệnh anh hùng (đạo diễn Victor Vũ) có những cảnh quay xuất sắc, ghi dấu ấn mạnh mẽ trong tâm trí người xem.
Kong-Đảo đầu lâu đã chọn Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) – một trong những địa danh được UNESSCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới để làm phim trường cho những cảnh quay trên biển.

Nhà sản xuất Alex Garcia đã chia sẻ: “Được quay phim tại đất nước Việt Nam với những cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp là một đặc ân lớn lao đối với đoàn làm phim”.

Trước đó, Hạ Long còn được xuất hiện trong phim bom tấn Hollywood Pan, phim Đông Dương (Indochina) của đạo diễn Régis Wargnier…

Đến với mảnh đất miền Trung đầy nắng và gió, một trong những hình ảnh đẹp của Hang Én tại Quảng Bình đã được xuất hiện trong phim Hollywood Pan. Dưới ống kính, hang động trở nên ma mị và huyền ảo tựa như một phần của xứ sở thần tiên thực thụ.

Tiếp đến là một Ninh Thuận với khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, hoang sơ, những sa mạc, cồn cát trải dài, kết hợp những góc máy ấn tượng từ giám đốc hình ảnh (DOP) người Mỹ- Joel Spezeski, Lạc Giới đã có những thước phim hoành tráng, mãn nhãn khán giả.

Hay những bãi biển tuyệt đẹp, xanh mướt được bờ cát trắng ôm trọn, vây quanh là những dãy núi đá vôi chạy dài hùng vĩ và thơ mộng tại Cam Ranh- Khánh Hòa được dùng khi quay các phân cảnh trên biển trong Mỹ nhân kế, Những nụ hôn rực rỡ.

Đặc biệt, khán giả đã phải choáng ngợp trước cảnh sắc tuyệt đẹp của tỉnh Phú Yên trên những thước phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (đạo diễn Victor Vũ). Bộ phim đã khiến khán giả sửng sốt bởi những khung hình nên thơ và hùng vĩ mô tả cảnh sắc làng quê Phú Yên với những đồng lúa rì rào hoa vàng đong đưa trong gió, màu xanh ngọc bích của nước biển với con tàu lặng lẽ trôi, những con lạch, con suối có trâu bò lội qua hay những ghềnh đá ven biển…

Khoe bối cảnh đẹp mê hồn của Việt Nam trong liên hoan phim quốc tế ảnh 3 Phú Yên tươi đẹp trong phim "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh"
Chất Nam bộ cũng được khai thác trong rất nhiều bộ phim điện ảnh.
Cánh đồng bất tận (đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình)- một trong những phim Việt Nam được đánh giá cao không chỉ trong nước mà còn ở quốc tế. Bộ phim lấy bối cảnh chính ở miền sông nước Tây Nam Bộ với chợ nổi Cái Răng và những cánh đồng lúa bạt ngàn thẳng cánh cò bay ngập sắc vàng.
Với bộ phim Người tình của đạo diễn người Pháp Jean Jacques Annauth gợi nhớ về những vang bóng một thời của vùng Cửu Long thuộc địa. Đạo diễn Annaud đưa lên màn ảnh rộng hàng loạt khuôn hình giàu chi tiết, quyến rũ, lột tả chân thực cảnh sắc miền Tây Nam Bộ, đặc biệt là Sài Gòn, Sa Đéc, Đồng Tháp Mười và Hà Tiên. Một trong những bối cảnh của phim, ngôi nhà cổ của ông Huỳnh Thủy Lê (nguyên mẫu nhân vật nam chính trong tiểu thuyết Người tình) hiện đã trở thành một điểm du lịch văn hóa được nhiều du khách tìm đến và được Du lịch Đồng Tháp xây dựng, giới thiệu là một trong những điểm đến chính của du lịch địa phương.

Một Sài Gòn những năm 50 của thế kỷ trước, với vẻ đẹp trầm mặc hiện lên qua những ánh đèn lồng tại các quán trà, những chiếc xích lô cũ, những phố xá thênh thang... trong Người Mỹ trầm lặng.

Ấn tượng, chân thực và nhiều cảm xúc là hình ảnh hàng trăm con trâu giữa cánh đồng nước nổi của mảnh đất An Giang trong Mùa len trâu của đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh…

40 bức ảnh về các điểm đến nổi tiếng được giới thiệu tại triển lãm, Ban Tổ chức LHPQT Hà Nội lần thứ V hy vọng, với khả năng truyền tải kỳ diệu qua hình ảnh của điện ảnh sẽ là con đường nhanh nhất, góp phần quan trọng trong việc quảng bá du lịch, văn hóa, đưa hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến gần hơn với đông đảo người xem trong nước và quốc tế.

Tin cùng chuyên mục