Khởi công tu sửa Phủ thờ Công chúa Ngọc Sơn

Sáng 23-5, UBND TP Huế tổ chức Lễ khởi công công trình tu bổ, chống xuống cấp nhà vườn Phủ thờ Công chúa Ngọc Sơn (31 Nguyễn Chí Thanh, TP Huế). 
Lễ khởi công công trình tu bổ, chống xuống cấp nhà vườn Phủ thờ Công chúa Ngọc Sơn
Lễ khởi công công trình tu bổ, chống xuống cấp nhà vườn Phủ thờ Công chúa Ngọc Sơn

Đây là công trình thứ 5 được khởi công trong 14 công trình được phê duyệt thuộc Đề án chính sách hỗ trợ bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn Huế đặc trưng của tỉnh Thừa Thiên – Huế.

Phủ thờ Công chúa Ngọc Sơn tọa lạc nơi vùng đất Gia Hội xưa, nằm về phía đông Kinh Thành Huế. Phủ thờ không thuộc về Hoàng gia triều Nguyễn, nhưng đây là một trong những ngôi nhà vườn danh tiếng và song hành khá mật thiết cùng lịch sử của vùng đất cố đô Huế.

Bà Nguyễn Thị Sương, người thờ tự hiện thời của ngôi Phủ thờ cho biết, nhà vườn này khi xưa là nơi sinh sống của gia đình Công chúa Ngọc Sơn (con gái của vua Đồng Khánh) và Trung quân Đô thống Nguyễn Hữu Tiễn, con trai của Đông Các đại học sĩ Nguyễn Hữu Thảng, đại thần triều Nguyễn. Được xây dựng năm 1921 với diện tích gần 2.400 m², Phủ thờ Công chúa Ngọc Sơn là một tổ hợp kiến trúc có sự kết hợp hài hòa giữa lối kiến trúc truyền thống của Huế - kiến trúc “trùng thiềm điệp ốc” - với những chi tiết trang trí và vật liệu kiểu Âu.

Hiện Phủ thờ này đã được tỉnh Thừa Thiên – Huế đưa vào danh mục nhà vườn Huế tiêu biểu về lịch sử, kiến trúc cần được giữ gìn và tu bổ.

Công trình nhà vườn Phủ thờ Công chúa Ngọc Sơn do Ban quản lý và Bảo vệ nhà vườn Huế làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư được phê duyệt hơn 750 triệu đồng từ nguồn kinh phí của Quỹ hỗ trợ bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn Huế đặc trưng của tỉnh.

Ông Trần Song, Phó Chủ tịch UBND TP Huế cho biết, từ nay đến cuối năm 2017, Ban quản lý và Bảo vệ nhà vườn Huế cùng với các chủ nhà vườn còn lại sớm hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục để tiếp tục tu bổ, chống xuống cấp thêm 3 ngôi nhà vườn nhằm đẩy nhanh tiến độ, tu bổ chống xuống cấp nhà vườn trong Đề án đã được phê duyệt. Qua đó, thu hút du khách trong và người nước đến tham quan, phát huy hiệu quả khai thác kinh tế của nhà vườn Huế, góp phần làm phong phú và đa dạng loại hình du lịch văn hóa lịch sử trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế.

Tin cùng chuyên mục