Khởi động Chuông vàng vọng cổ 2018: Nỗ lực duy trì cuộc thi truyền thống

Qua 13 năm tổ chức, sân chơi thi tài ca hát đờn ca tài tử, cải lương này đã góp phần không nhỏ trong việc tôn vinh một loại hình nghệ thuật truyền thống độc đáo của dân tộc.
Hai trong số các thí sinh nổi bật tại vòng thi ở Cần Thơ
Hai trong số các thí sinh nổi bật tại vòng thi ở Cần Thơ

Trong hai ngày 29 và 30-6, tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Cần Thơ, Đài Truyền hình TPHCM đã tổ chức vòng thi sơ tuyển cuộc thi Chuông vàng vọng cổ lần thứ 13 - năm 2018, khu vực miền Tây Nam bộ. Hơn 100 thí sinh đã lần lượt thi tài ca 2 câu vọng cổ tự chọn. Nhiều nhân tố mới, trẻ, có chất giọng tốt tạo được dấu ấn với ban giám khảo cuộc thi.

Nhiều gương mặt quen thuộc

Nhiều năm qua, khu vực miền Tây Nam bộ vẫn luôn là mảnh đất tiềm ẩn nhiều giọng ca thiên phú. Điều này được minh chứng qua cuộc thi Chuông vàng vọng cổ (CVVC) những năm trước và qua 4 buổi thi vòng sơ tuyển cuộc thi năm 2018 vừa diễn ra tại Cần Thơ. Năm nay, cuộc thi tập trung tổ chức chỉ tại một địa điểm, trong khi năm trước thực hiện sơ tuyển tại 4 cụm xa xôi, mất khá nhiều thời gian.

Tại vòng sơ tuyển, ban giám khảo và khán giả rất thích thú khi được nghe và xem các thí sinh thể hiện vẹn tròn, truyền cảm các câu vọng cổ quen thuộc: Tần Quỳnh khóc bạn, Dệt chặng đường xuân, Chiều sông Lô, Đôi chiếu Long Cang, Lời người dưới mộ, Mùa hoa đào... Hầu hết thí sinh đều có sự chuẩn bị nghiêm túc khi đến với vòng thi tuyển đầu tiên. Đặc biệt, trong đó có một số thí sinh từng tham gia cuộc thi CVVC những năm trước. Sau khi thi diễn, các thí sinh được ban giám khảo nhận xét có chất giọng, làn hơi và cảm xúc tốt trong thể hiện, như: Lê Thái Nhựt, Trần Chí Hòa (Bạc Liêu); Trần Chí Tâm, Trần Đông Hùng (Hậu Giang); Nguyễn Văn Chất (Kiên Giang); Huỳnh Văn Tánh (Long An); Biện Thị Kim Thuy (Bạc Liêu); Châu Thoại Mỹ (Sóc Trăng)...

Tuy nhiên, có một vài thí sinh tiềm năng nhưng thiếu sự tự tin, thiếu kinh nghiệm sân khấu nên phần dự thi diễn ra chưa được như ý, có nhiều trục trặc trong cách xử lý bài thi. Thí sinh Lê Kiều Diễm (Sóc Trăng) bộc bạch: “Đây là lần đầu tiên tham gia cuộc thi CVVC nên tôi rất run. Đến đây rồi thì sống chết gì cũng phải hát. Dù 2 năm nay tôi là cộng tác viên của Trung tâm Văn hóa thông tin huyện Mỹ Xuyên, cũng thường đi hát nhưng áp lực cuộc thi khá lớn nên tôi chọn bài thi sao cho an toàn nhất”.

Để giúp cuộc thi chọn được những gương mặt mới, trẻ, những thí sinh có tố chất, “những viên ngọc thô” cần được mài dũa để tỏa sáng, ban giám khảo đã tạo điều kiện để một số thí sinh ca diễn chưa đạt có thể hát thêm một câu vọng cổ ưng ý nhất, có thể phát huy được năng khiếu cá nhân.

Mỗi năm một khó 

Cuộc thi CVVC là một trong những hoạt động nghệ thuật truyền thống được Đài Truyền hình TPHCM khởi xướng và tổ chức từ năm 2006 đến nay. Qua 13 năm tổ chức, sân chơi thi tài ca hát đờn ca tài tử, cải lương này đã góp phần không nhỏ trong việc tôn vinh một loại hình nghệ thuật truyền thống độc đáo của dân tộc.

Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận mỗi năm hành trình tìm kiếm những tài năng mới ngày càng gặp nhiều khó khăn hơn. Đạo diễn Trần Hiền Phương chia sẻ: “Mỗi năm cuộc thi càng gặp khó khăn nhiều hơn vì thế hệ kế thừa nghệ thuật đờn ca tài tử, cải lương không có nhiều. Lực lượng chơi đờn ca tài tử làm nòng cốt ở các địa phương lớn tuổi dần. Sự khó khăn về nguồn nhân lực kế thừa nghệ thuật truyền thống dân tộc còn thấy rất rõ ở các đoàn cải lương - thiếu hụt nguồn diễn viên trẻ tài năng. Đội ngũ người trẻ hôm nay theo đuổi loại hình nghệ thuật đờn ca tài tử, cải lương ngày càng ít đi cũng vì các bạn không nhìn thấy được con đường tươi sáng khi theo đuổi một ngành nghề đã và đang gặp rất nhiều khó khăn, từ công tác tổ chức biểu diễn, cơ hội làm nghề đến sự thiếu hụt trầm trọng trong đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, định hướng phát triển trong tương lai gần và xa”.   

Đến theo dõi trực tiếp cuộc thi, em Lê Thị Lụa (Chợ Lách, Bến Tre) - sinh viên năm 3 Trường Đại học Y Cần Thơ - một bạn trẻ từng theo đuổi nghệ thuật ca tài tử từ những năm 8, 9 tuổi, cho biết: “Được xem và nghe các anh chị thi hát, em rất thích. Nhiều anh chị có chất giọng rất tốt. Lúc nhỏ, em có đi thi giải Bông lúa vàng của Đài Tiếng nói nhân dân TPHCM, đi hát nhiều nơi, giờ thì tất bật lo học nên không có nhiều thời gian gắn bó với đờn ca tài tử nữa. Những sân chơi như thế này được tổ chức ở miền Tây Nam bộ là niềm vui của người dân nơi đây”.

Năm nay, có hơn 200 thí sinh tham gia cuộc thi. Để tạo sự tươi mới, hấp dẫn cho cuộc thi, ban tổ chức đã có những thay đổi nhỏ: thành phần giám khảo chuyên môn có NSƯT Minh Vương, NSƯT Thanh Tuấn và NSƯT - đạo diễn Hoa Hạ; Ban huấn luyện là NSƯT Hữu Quốc, NSƯT Phượng Loan và NSƯT Quế Trân; NSƯT Kim Tử Long đảm nhận vai trò nghệ sĩ khách mời; chương trình còn có thêm hoạt náo viên là nghệ sĩ Tấn Beo làm nhịp cầu nối giữa thí sinh và ban giám khảo.

Sau điểm thi khu vực miền Tây Nam bộ ở Cần Thơ, vào ngày 3-7, cuộc thi sẽ tiếp tục vòng sơ tuyển tại Bình Dương dành cho các thí sinh khu vực miền Đông Nam bộ. Với khu vực TPHCM, cuộc thi sơ tuyển được tổ chức tại Nhà hát Đài Truyền hình TPHCM vào ngày 6, 7 và 8-7.

Khép lại vòng thi đầu tiên, ban giám khảo sẽ chọn 36 thí sinh (gồm cả các thí sinh đặc cách) vào vòng thi tuyển chọn, được ghi hình và phát vào các ngày 5, 12, 19 và 26-8. Sau đó, sẽ có 9 thí sinh xuất sắc nhất cuộc thi, hội đủ tiêu chí về giọng ca, sắc vóc, khả năng trình diễn sân khấu, cùng thi tài trong vòng chung kết xếp hạng diễn ra trong các tối 9, 16, 23, 30-9.

Để phát huy và quảng bá thêm cho loại hình nghệ thuật đờn ca tài tử, sau cuộc thi CVVC, HTV tiếp tục đầu tư xây dựng một gameshow mới “đo ni đóng giày”, tạo điều kiện, cơ hội ca diễn cho các nghệ sĩ sân khấu chuyên nghiệp. Gameshow này ghi hình vào các tháng 10, 11 và 12-2018, phát sóng vào đầu năm 2019.

Cũng năm nay, HTV đang tất bật chuẩn bị chương trình Vầng trăng cổ nhạc lần thứ 200 thật hoành tráng. 200 - một con số mang tính kỷ lục về chương trình tổ chức biểu diễn nghệ thuật truyền thống dân tộc được dàn dựng và phát sóng liên tục suốt 18 năm qua.

Tin cùng chuyên mục