Khởi nghiệp ở làng Thanh niên lập nghiệp

Gần 10 năm thành lập, đến nay làng Thanh niên lập nghiệp ở xã Ia Lốp, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều khởi sắc. Nhờ cần cù lao động, nhiều hộ dân nơi đây đã có cuộc sống khá giả, thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Nhờ cần cù, siêng năng đến nay vợ chồng anh Diện đã có 6ha mía, đàn bò hơn 50 con, thu nhập bình quân từ 500 - 700 triệu đồng/năm
Nhờ cần cù, siêng năng đến nay vợ chồng anh Diện đã có 6ha mía, đàn bò hơn 50 con, thu nhập bình quân từ 500 - 700 triệu đồng/năm

Hừng sáng vùng biên giới

Làng Thanh niên lập nghiệp xã Ia Lốp, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk là một trong những dự án của Trung ương Đoàn được triển khai thực hiện từ năm 2006. Dự án nhằm mục đích phát huy vai trò xung kích của thanh niên gắn với phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng khu vực biên giới. Bên cạnh đó, dự án cũng giải quyết việc làm, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho thanh niên và nhân dân trong vùng. 

Dự án làng Thanh niên lập nghiệp được đầu tư các hạng mục gồm: đường giao thông; đường điện trung thế, hạ thế; 70 giếng khoan, bể chứa nước; trường mẫu giáo, tiểu học… với tổng kinh phí 24,9 tỷ đồng. Năm 2010, khi dự án hoàn thành, Trung ương Đoàn đã bàn giao lại cho Tỉnh đoàn Đắk Lắk tiếp quản và triển khai thu hút thanh niên đến lập nghiệp. Với nhiều ưu đãi được cấp 1 sào đất ở và 1,5ha đất sản xuất, cùng nhiều chính sách hỗ trợ khác như vay vốn, hỗ trợ giống, kỹ thuật chăn nuôi trồng trọt... nên có hơn 120 cặp vợ chồng thanh niên đến sinh sống. Đến nay, làng Thanh niên lập nghiệp đã có nhiều khởi sắc, đời sống kinh tế của người dân nhiều thay đổi.

Rảo bước một vòng quanh làng, thấy nhiều căn nhà mới xây khang trang, vọng từ phía trường mầm non tiếng học sinh ê a đánh vần rôm rã, chúng tôi cảm nhận được cuộc sống nơi đây dần khá lên. Anh Nguyễn Văn Quý (35 tuổi) cho biết, trước đây gia đình anh ở huyện Ea Kar (tỉnh Đắk Lắk), do không có nghề nghiệp ổn định, không ruộng nương nên đời sống vô cùng khó khăn. Năm 2010, được sự mời gọi của Tỉnh đoàn Đắk Lắk, anh đã viết đơn xung phong vào làng Thanh niên lập nghiệp để khởi nghiệp.

“Ngày bước chân về làng, vợ chồng tôi chỉ còn đúng 7.000 đồng trong túi. Ngày đó, tôi chỉ mơ ước có đất sản xuất, cố gắng làm đủ ăn, đủ mặc là hạnh phúc rồi. Nhờ được chính quyền địa phương tạo điều kiện, thêm anh em trong làng giúp đỡ nên đến nay vợ chồng tôi mới có của ăn của để, đời sống kinh tế thoải mái hơn”, anh Quý phấn khởi nói. Hiện nay, ngoài 3ha mía, anh Quý còn sắm được xe máy cày để đi cày thuê và mở cửa hàng tạp hóa cho vợ bán, hàng năm gia đình anh thu nhập hàng trăm triệu đồng.

Cũng như anh Quý, năm 2010, vợ chồng anh Nguyễn Văn Diện cũng viết đơn tình nguyện vào làng Thanh niên lập nghiệp. Nhờ cần cù, chịu thương chịu khó, sau nhiều năm lập nghiệp trên mảnh đất vùng biên giới, vợ chồng anh Diện trở thành một trong những hộ có kinh tế khá giả của vùng. Theo anh Diện, ngày đầu về làng, vợ chồng anh gom góp tài sản mua được 2ha đất để trồng cây nông nghiệp và đầu tư chăn nuôi. Nhận thấy khí hậu nơi vùng biên giới khắc nghiệt, anh đã đầu tư trồng mía và chăn nuôi bò. Đến nay, gia đình anh Diện đã có hơn 6ha mía và đàn bò hơn 50 con. Trong năm vừa qua, trừ hết chi phí, gia đình anh Diện thu về hơn 700 triệu đồng.

Ông Lý Văn Sài, Trưởng làng (nay gọi là thôn) Thanh niên lập nghiệp, cho biết thôn có 135 hộ dân với 519 nhân khẩu, mặc dù đất đai không màu mỡ, khí hậu khắc nghiệt nhưng nhờ thanh niên chịu khó nên đa phần kinh tế đã ổn định. Thôn được đầu tư cơ sở hạ tầng, phủ lưới điện, sóng điện thoại, sóng 3G nên người dân không lạc hậu so với các nơi khác, trẻ em được học hành đầy đủ, không có tình trạng mù chữ. 

Chưa hết khó khăn

Tuy nhiên, Trưởng thôn Lý Văn Sài cũng cho hay, hiện nay trong thôn vẫn còn một số bất cập như đường giao thông đã xuống cấp, trẻ em mỗi năm mỗi tăng nên các phòng học đã chật chội, không đảm bảo cho học sinh và giáo viên giảng dạy. Bên cạnh đó, vấn đề cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chưa hoàn tất nên người dân ở làng vẫn chưa có tài sản thế chấp để vay vốn ngân hàng, phục vụ sản xuất. “Chúng tôi mong muốn chính quyền các cấp tạo điều kiện phát triển thêm cở sở hạ tầng để hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, ổn định đời sống”, ông Sài bày tỏ.

Ông Hà Văn Thanh, Chủ tịch UBND xã Ia Lốp, nhận xét: “Do ở vùng biên giới nên địa phương có khí hậu khắc nghiệt, đất đai cằn cỗi, do đó đời sống người dân toàn xã chậm phát triển, thu nhập bình quân đầu người chỉ 1 triệu đồng/tháng. So với mặt bằng chung của xã, thôn Thanh niên lập nghiệp giờ đây đã có nhiều chuyển biến đáng kể. Mặc dù địa hình, địa chất bất lợi, thời tiết khắc nghiệt nhưng nhờ sự siêng năng, nhiều hộ dân trong thôn đã thành công trong các mô hình chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp nên có thu nhập khá và đời sống kinh tế ổn định. Đây cũng là điều đáng mừng của địa phương và chính quyền xã đề nghị các ngành chức năng quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa để người dân phát triển sản xuất, đảm bảo đời sống”.

Cũng theo ông Hà Văn Thanh, hiện UBND tỉnh Đắk Lắk đã phê duyệt dự án thủy lợi, dẫn nước về vùng sản xuất của xã. Khi có công trình thủy lợi, người dân sẽ chủ động trong sản xuất, đa dạng được cây trồng, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển hơn.  

Còn theo ông Y Nhuân Byă, Bí thư Tỉnh đoàn Đắk Lắk, những năm qua, dù dự án làng Thanh niên lập nghiệp đã hoàn thành, bàn giao cho địa phương nhưng UBND tỉnh Đắk Lắk, Tỉnh đoàn vẫn thường xuyên cử cán bộ vào theo dõi, hỗ trợ bà con trong việc phát triển kinh tế, tháo gỡ những khó khăn.

“Hiện nay làng Thanh niên lập nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn như giao thông, thủy lợi... nhưng người dân vẫn bám làng và từng bước phát triển kinh tế. Tỉnh đoàn Đắk Lắk sẽ tiếp tục tạo mọi điều kiện, hỗ trợ bà con tăng gia sản xuất, ổn định cuộc sống”, ông Y Nhuân Byă cho biết thêm.

Tin cùng chuyên mục