Khởi nghiệp từ rau sạch: Tạo “đất tốt” để phát triển

Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC), trong đó trồng rau sạch đang có sức hút lớn đối với các nhà đầu tư, hứa hẹn tạo bước đột phá cho ngành nông nghiệp. Nhưng để rau sạch thực sự có “đất sống” bền vững, nhà đầu tư cần thêm nhiều cơ chế và sự tiếp sức thiết thực hơn nữa từ cơ quan chức năng.
Khởi nghiệp từ rau sạch: Tạo “đất tốt” để phát triển

Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC), trong đó trồng rau sạch đang có sức hút lớn đối với các nhà đầu tư, hứa hẹn tạo bước đột phá cho ngành nông nghiệp. Nhưng để rau sạch thực sự có “đất sống” bền vững, nhà đầu tư cần thêm nhiều cơ chế và sự tiếp sức thiết thực hơn nữa từ cơ quan chức năng.

Gỡ khó thủ tục vay vốn

Để làm ra sản phẩm rau chất lượng cao, điều kiện trước hết là nguồn vốn đầu tư công nghệ, thiết bị hiện đại và đồng bộ. Hiện mức đầu tư mỗi hécta sản xuất rau sạch tại TP Đà Lạt khoảng 3 - 4 tỷ đồng; riêng đầu tư trồng rau thủy canh khoảng 6 - 8 tỷ đồng. Đây là số tiền không nhỏ và đang là thách thức lớn đối với nhiều doanh nghiệp, cá nhân có ý định khởi nghiệp trên lĩnh vực này.

Theo ông Lê Văn Cường, Giám đốc Công ty Dalat G.A.P, thiếu vốn đang là yếu tố kìm hãm sự phát triển của nông nghiệp ứng dụng CNC. Nông dân nhận thức rất rõ về hiệu quả của việc làm nhà kính bằng khung sắt bởi độ bền, tính linh hoạt trong sản xuất vì có thể đưa máy móc vào cày xới, lên luống dễ dàng do ít vướng trụ đỡ. Nhưng phần lớn người dân vẫn phải dựng nhà kính bằng tre. Lý do là vốn đầu tư trên cùng một diện tích của nhà kính khung sắt thường cao hơn gấp 3 lần nhà kính bằng tre, nên bà con không đủ vốn. “Ở một số nước như Malaysia, Thái Lan, Hà Lan... phía sau nền nông nghiệp luôn có sự tham gia hỗ trợ về vốn của các ngân hàng. Ở nước ta cũng có những quy định về tài sản ở trên đất, nhưng đối với nhà kính, dù được đầu tư cả tỷ đồng/ha nhưng vẫn không được coi là tài sản thế chấp để vay vốn mở rộng sản xuất”, ông Cường nói.

Theo đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - chi nhánh tỉnh Lâm Đồng, Chính phủ đã có chính sách tín dụng khuyến khích sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC (theo Nghị định 55), nhưng chính sách này không áp dụng đối với hộ gia đình, cá nhân, mà chỉ áp dụng đối với doanh nghiệp đáp ứng tiêu chí “doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng CNC”; vì vậy, đối tượng được chính sách tín dụng này hỗ trợ không nhiều. Hiện ở Lâm Đồng chỉ có 8 doanh nghiệp được Bộ NN-PTNT công nhận “doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng CNC” và 2 trong số đó được vay vốn tín dụng. Trong tương lai, dự báo việc mở rộng chương trình tín dụng này sẽ khó vì số doanh nghiệp đạt tiêu chí rất ít do mất thời gian gửi hồ sơ xin giấy chứng nhận của Bộ NN-PTNT. Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp, ngành chức năng cần kiến nghị Chính phủ giao UBND các tỉnh thẩm quyền cấp giấy chứng nhận “doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng CNC” trên địa bàn.

Trang trại trồng rau ở Đà Lạt giới thiệu sản phẩm rau xà lách thủy canh, có thể đưa thẳng từ trang trại đến bàn ăn

Bên cạnh đó, các bộ ngành liên quan nghiên cứu bổ sung tiêu chuẩn, quy định để nhà kính được cấp giấy sở hữu công trình trên đất, nhằm tháo gỡ khó khăn về tài sản thế chấp khi vay vốn ngân hàng. Vì thực tế hiện nay, nhà kính là tài sản có giá trị rất lớn, nhưng rất ít ngân hàng thương mại chấp nhận là tài sản thế chấp để cho vay vốn.

Cần thêm chính sách hỗ trợ khác

Thuế nhập khẩu vật tư, thiết bị để đầu tư sản xuất nông nghiệp CNC cũng là gánh nặng cho doanh nghiệp. Theo đại diện Công ty CP Công nghệ sinh học Rừng hoa Đà Lạt: “Trong quá trình sản xuất, công ty cũng như các doanh nghiệp khác trên địa bàn phải nhập khẩu nhiều thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp CNC như nhà kính, vật tư nông nghiệp, phải chịu từ 15% - 25% thuế nhập nhẩu và 10% thuế VAT. Như vậy, khi công ty mở rộng thị trường xuất khẩu phải tự tìm nguồn vốn tài trợ từ ngân hàng, lại phải mất thêm 1/3 nguồn vốn để đóng thuế nhập khẩu, thuế VAT, chưa kể lãi suất hàng năm của ngân hàng. Vì vậy, để khuyến khích nông dân và các công ty nhập khẩu thiết bị hiện đại phục vụ sản xuất, công ty kiến nghị xóa bỏ thuế nhập khẩu, thuế VAT đối với thiết bị, vật tư nông nghiệp CNC nhập khẩu”.

Còn theo ông Lê Văn Cường, Giám đốc Công ty Dalat G.A.P, ngay cả các đơn vị đã được Bộ NN-PTNT cấp chứng nhận “doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng CNC”, được hưởng ưu đãi về thuế nhập khẩu vật tư nông nghiệp, phân bón nhưng thực tế vẫn phải chịu mức thuế tương đương với các đơn vị khác. “Chúng tôi đưa giấy chứng nhận làm tờ khai hải quan để được miễn giảm thuế nhưng không được chấp nhận, điều này cũng khiến chúng tôi phải chịu thêm nhiều gánh nặng về vốn để tái đầu tư sản xuất, mở rộng”, ông Cường cho biết.

Việc hỗ trợ xúc tiến thương mại, tìm cơ hội mở rộng thị trường tiêu thụ rau sạch cũng là vấn đề mà doanh nghiệp quan tâm. Mặc dù hiện nay sản phẩm rau sạch của các doanh nghiệp tại Đà Lạt có đầu ra khá ổn định (do sản xuất theo hợp đồng), nhưng tỷ lệ rau sạch trên tổng sản lượng không lớn vì doanh nghiệp, nông dân đang gặp khó trong việc mở rộng thị trường. Ông Trần Đức Quang, Giám đốc HTX Xuân Hương, cho rằng ngoài việc làm ra sản phẩm rau sạch, các doanh nghiệp, HTX, nhất là các đơn vị quy mô nhỏ và mới khởi nghiệp cần được tiếp sức, tạo điều kiện tham gia các chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài nước để tìm kiếm cơ hội đầu ra cho sản phẩm. Còn bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết, Phó Giám đốc HTX Anh Đào, đề nghị: “Dù là rau sạch nhưng khi đưa ra thị trường bị bán “nhập nhằng” với các sản phẩm kém chất lượng, hoặc bị nông sản từ nước ngoài giả danh rau Đà Lạt… thì giá bán của rau sạch sẽ khó có thể cạnh tranh được. Vì vậy, ngoài việc hỗ trợ quảng bá thương hiệu, Nhà nước cũng cần mạnh tay hơn nữa trong việc kiểm soát, phân định rõ ràng sản phẩm rau củ trên thị trường”.

Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Lạt, nhà đầu tư tham gia đầu tư tại Đà Lạt được miễn thuế nhập khẩu vật tư, trang thiết bị để xây dựng nhà kính, nhà lưới sản xuất rau, hoa ứng dụng CNC mà trong nước chưa sản xuất được trong thời gian 5 năm đầu thực hiện quyết định (từ tháng 9-2015).

NAM VIÊN - ĐOÀN KIÊN

Tin cùng chuyên mục