Khôi phục, phát triển rừng Tây Nguyên

Ngày 24-5, tại TP Đà Lạt (Lâm Đồng), Bộ NN-PTNT tổ chức hội nghị triển khai “Đề án bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng bền vững vùng Tây Nguyên giai đoạn 2016 - 2030” (Đề án) vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đề án nhằm ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng mất rừng, từng bước khôi phục, phát triển rừng tại Tây Nguyên.

Điểm nóng phá rừng

Theo Bộ NN-PTNT, tình trạng phá rừng, khai thác, mua bán, vận chuyển, cất giữ, chế biến, kinh doanh lâm sản trái phép tại Tây Nguyên vẫn diễn ra thường xuyên ở nhiều nơi với các thủ đoạn ngày càng tinh vi. Diện tích rừng tự nhiên của khu vực Tây Nguyên tiếp tục bị suy giảm; tỷ lệ che phủ rừng năm 2018 của các tỉnh Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông bị giảm so với năm 2017. Trong 4 tháng đầu năm 2019, toàn vùng Tây Nguyên đã phát hiện 1.185 vụ vi phạm, diện tích rừng bị thiệt hại 255,27ha, tăng 46,59ha so với cùng kỳ năm 2018.

Ông Cao Chí Công, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, cho biết hiện nay diện tích rừng do các công ty lâm nghiệp bị giải thể chưa được quản lý, bảo vệ phù hợp. Mặc dù một số địa phương, UBND tỉnh đã có quyết định giao đất nhưng các địa phương (cấp xã) chưa nhận hiện trạng rừng, vì vậy phương án quản lý bảo vệ rừng khó khăn. Việc sắp xếp các công ty lâm nghiệp chậm, việc đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động chưa có hiệu quả. Phần lớn các công ty đã thực hiện xong việc rà soát, đo đạc, cắm mốc, tuy nhiên hầu hết chưa hoàn thiện được thủ tục giao đất, cho thuê đất, cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; chưa được phê duyệt phương án sử dụng đất .

“Đề án bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng bền vững vùng Tây Nguyên giai đoạn 2016 - 2030” được phê duyệt với tổng số vốn 28.554 tỷ đồng, mục tiêu đến năm 2030, diện tích rừng đạt khoảng 2,72 triệu ha, nâng tỷ lệ che phủ rừng lên 49,2%; quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học, cung cấp các dịch vụ môi trường rừng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội của khu vực Tây Nguyên. 

Cần giải pháp cụ thể

Ông Nguyễn Tấn Liêm, Quyền Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Kon Tum, cho rằng sức ép nhu cầu về gỗ và đất sản xuất hiện nay trong nhân dân rất cao nên tình trạng xâm lấn đất rừng, phá rừng vẫn còn diễn biến phức tạp. Bên cạnh các giải pháp quản lý cũ trước đây như đi tuần tra, kiểm soát địa bàn quản lý bằng phương tiện cơ giới thì các đơn vị chủ rừng, lực lượng bảo vệ rừng cần được trang bị thiết bị giám sát từ xa như camera, thiết bị bay điều khiển từ xa. “Tại các lối mòn, đường vào rừng lắp đặt những thiết bị giám sát, lãnh đạo hay người quản lý cấp cao sẽ biết được hoạt động của các trạm quản lý rừng, ai đi ra, đi vào bằng phương tiện gì cũng đều được giám sát. Qua đó sẽ siết chặt hoạt động bảo vệ rừng”, ông Liêm nhấn mạnh.

Theo ông Nguyễn Nhĩ, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Gia Lai, giao rừng cho người dân hiện nay là rất tốt nhưng mức hỗ trợ lại rất thấp khiến người dân không còn tha thiết nhận rừng, nguy cơ bị mất đất lớn. “Tỉnh Gia Lai đang xây dựng đề án giao 160.000ha rừng cho cộng đồng. Tuy nhiên, khả năng nhận rừng ở vùng sâu vùng xa rất khó triển khai hiệu quả. Nếu như mức hỗ trợ người dân đảm bảo được ít nhất 50% nhu cầu sống của người dân thì mới có khả năng nhận”, ông Nhĩ phân tích.

Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc Bình, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên (Đắk Nông) cho rằng, các doanh nghiệp (đã nhận rừng) cần thành lập quỹ đặc thù từ nguồn dịch vụ môi trường rừng và tiền sau khai thác rừng trồng để phục vụ công tác trồng rừng (từ 20%-30% thu được từ dịch vụ môi trường rừng). “Lâu nay cứ nghĩ đã kinh doanh lâm nghiệp thì các cây lâm nghiệp cứ phải là thông, keo, sao, dầu… Những cây này mang lại hiệu quả kinh tế rất thấp, trong khi đó đất đai vùng Tây Nguyên màu mỡ, phù hợp với nhiều loài cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, hay các cây trồng đa mục đích như bơ, điều, cao su, sầu riêng… cũng góp phần tăng độ che phủ rừng”, ông Nguyễn Ngọc Bình nêu.

Còn theo ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, Tây Nguyên vẫn là trọng điểm phá rừng, điểm nóng nhất trong bảo vệ rừng của cả nước. Ngoài việc triển khai hiệu quả các dự án bảo vệ và phát triển rừng trong kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016 - 2020, về lâu dài, các địa phương cần rà soát, bố trí vốn thực hiện các dự án bảo vệ và phát triển rừng; có kế hoạch, kịch bản, giải pháp cụ thể để hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm vụ về bảo vệ rừng, phát triển rừng, chi trả dịch vụ môi trường rừng, sắp xếp đổi mới công ty lâm nghiệp trên địa bàn; chỉ đạo các chủ rừng hoàn thành việc xây dựng phương án quản lý rừng bền vững...

Tin cùng chuyên mục