Khơi thông nguồn tài nguyên dự báo

Tầm nhìn, mục tiêu, định hướng cũng như kế hoạch xây dựng đô thị thông minh đều nhắc đến công tác phân tích, dự báo xu hướng phát triển ở mọi lĩnh vực. 
Người dân tra cứu thông tin dịch vụ công tại UBND quận Bình Tân, TPHCM
Người dân tra cứu thông tin dịch vụ công tại UBND quận Bình Tân, TPHCM
Chính quyền TPHCM đang nỗ lực triển khai giải pháp tích tụ, khơi thông nguồn tài nguyên dự báo.Bỏ ngỏ công tác dự báo Thời gian qua, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0) bùng nổ mạnh mẽ, tạo nên xu hướng phát triển đô thị thông minh. Xu hướng này đang và sẽ tăng tốc rất nhanh và TPHCM cũng không nằm ngoài guồng quay trên. Mới đây, Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) đã đánh giá TPHCM là đô thị năng động hàng đầu ở khu vực và trên thế giới. Tuy nhiên, hiện TP chưa thể thu hẹp khoảng cách với nhiều đô thị lớn trong khu vực. Thời gian qua, TPHCM đầu tư mạnh mẽ ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong mọi lĩnh vực và gặt hái những thành quả nhất định. Trong đó, nổi bật là lĩnh vực xây dựng chính quyền điện tử; ứng dụng CNTT trong giao thông vận tải, y tế hay quản lý nguồn nhân lực. Dù vậy, công tác ứng dụng CNTT vẫn chưa mang tính tổng thể, chưa đạt độ kết nối cao giữa mọi lĩnh vực. Vì thế, chính quyền TP chưa phát huy tối đa hiệu quả sử dụng nguồn lực trong điều hành, phục vụ người dân. Đặc biệt, việc áp dụng CNTT chưa đáp ứng nhu cầu dự báo phát triển cho TP. Trong nhiều báo cáo, hầu như sở - ban - ngành, địa phương đều đưa ra dự báo diễn biến tình hình trong thời gian kế tiếp. Nhưng nội dung dự báo khá chung chung, chưa làm rõ những tình huống có khả năng xuất hiện, biến tướng hay phát sinh. Hơn nữa, những giải pháp chi tiết nhằm khắc phục, xử trí biến cố ít khi xuất hiện tại cuộc họp hay trong báo cáo. Ví dụ: Nhiều cơ quan dự báo trong thời gian tới, tình hình sẽ diễn biến “phức tạp, khó lường”. Song, ít đơn vị, cá nhân giải thích rõ về mức độ, tính chất, diễn tiến của vụ việc... nên các ý kiến tham mưu, đề xuất chưa sâu sắc, nảy sinh ra vấn đề. 
Nguyên tắc định hướng xây dựng đô thị thông minh của TPHCM:
Tầm nhìn chính xác, xuyên suốt và nhận sự đồng thuận cao.
Luôn lắng nghe, nắm bắt và phục vụ kịp thời nguyện vọng, nhu cầu của người dân. 
Công nghệ là công cụ hỗ trợ phát triển. 
Huy động mọi nguồn lực.
Hầu hết thách thức TPHCM đã và đang đối mặt đều quy về 2 bài toán nan giải, đó là khả năng dự báo quy hoạch chính xác trong nhiều năm, qua nhiều giai đoạn và khả năng vận hành một cách tổng thể. Đáp án bài toán chính là nền tảng quan trọng giúp TP loại bỏ khó khăn. Kết quả dự báo là một trong những kênh tham mưu hữu hiệu, giúp lãnh đạo TP đưa ra chiến lược, chính sách hợp lý để giải quyết tận gốc mọi vướng mắc.Người dân - tài nguyên dự báo Trước diễn biến trên, chính quyền TPHCM ưu tiên hàng đầu cho những giải pháp nâng cao tính hiệu quả và độ chính xác trong công tác dự báo xu hướng phát triển. Chủ trương này phù hợp với xu hướng quản trị đô thị trên thế giới.  Trong đề án “Xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025”, chính quyền TP đề ra 4 nguyên tắc định hướng. Trong đó, nguyên tắc tầm nhìn chính xác, xuyên suốt và nhận sự đồng thuận cao có yêu cầu bao hàm khả năng dự báo phát triển. Thêm nữa, việc tận dụng tối đa cơ hội để phát triển không gian mạng, số hóa, kết nối và tích hợp hệ thống, quy trình, dịch vụ phục vụ dự báo và điều hành tổng thể cũng quy định rõ trong nguyên tắc công nghệ là công cụ hỗ trợ phát triển.  Bên cạnh đó, UBND TPHCM đề ra mục tiêu đảm bảo tốc độ phát triển kinh tế, hướng đến nền kinh tế tri thức. Để hoàn thành mục tiêu trên, TP cần khả năng dự báo chính xác hơn nữa xu hướng phát triển dựa trên tương quan giữa các thống kê, thông tin từ cơ quan, đơn vị. Kết quả dự báo chính xác giúp lãnh đạo TP có những quyết sách chính xác, phù hợp. Trong mục tiêu quản trị đô thị trên cơ sở dự báo, UBND TPHCM nêu rõ việc quản trị đô thị dần chuyển từ trạng thái “bị động” sang “chủ động”. Theo đó, thay vì phản ứng khi có sự cố xảy ra thì chính quyền hoàn toàn có khả năng sử dụng công cụ thu thập dữ liệu kết hợp với công cụ phân tích để chiết xuất thông tin. Trên cơ sở đó, cơ quan dự báo tiên lượng những vấn đề có thể xảy ra ảnh hưởng đến kết cấu hạ tầng, kinh tế, xã hội. Nhờ đó, chính quyền các cấp có cơ hội tối ưu hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực; xây dựng chiến lược phát triển và kịch bản ứng phó phù hợp với tình huống mới. Đặc biệt, thông tin do người dân cung cấp, phản ánh trong quá trình tham gia giám sát, quản lý là nguồn tài nguyên dự báo hữu hiệu nhất. Thông qua nhiều kênh kết nối và việc cung cấp rộng rãi dữ liệu mở, người dân có điều kiện nêu ý kiến, phản ánh bức xúc, phát huy giám sát, phản biện. Thông tin do người dân cung cấp luôn chứa hàm lượng thực tiễn và có mức độ chính xác nhất định. Do đó, đây là kho dữ liệu phong phú để phục vụ công tác phân tích, dự báo xu hướng vận động trong mọi lĩnh vực.  Từ nay đến năm 2025, TPHCM xây dựng Trung tâm Nghiên cứu mô phỏng dự báo xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, kho dữ liệu dùng chung và phát triển hệ sinh thái dự liệu mở. Trong đó, tích hợp kho dữ liệu từ các sở ngành, địa phương, làm cơ sở phục vụ công tác dự báo. Hệ thống dữ liệu mở giúp chính quyền và người dân chia sẻ, trao đổi thông tin. Từ đó, nhà chức trách có thêm nguồn tài nguyên phục vụ công tác phân tích, dự báo xu hướng phát triển.

Kinh nghiệm kiến tạo từ Singapore

Đảo quốc Singapore từ lâu là một trong những đô thị đáng sống. Quy hoạch sáng tạo, thiết kế thông minh và phát triển bền vững là thông điệp Singapore gửi ra thế giới. Singapore đúc kết 10 nguyên lý cơ bản trong xây dựng và phát triển đô thị:
- Quy hoạch dài hạn và đổi mới: Nhà quy hoạch tính toán kỹ lưỡng, sử dụng hiệu quả quỹ đất. Chính sách đất đai phù hợp, có sự kiểm soát cùng thiết kế thông minh đã giúp Singapore phát huy tối ưu tính năng đô thị hóa mà vẫn đảm bảo tính thẩm mỹ và bảo tồn.
- Khuyến khích phát triển đa dạng, toàn diện: Đây là yếu tố làm nên “cá tính” đô thị, giúp người dân sống gần gũi và có tương tác. 
- Đưa thiên nhiên gần gũi với con người: Singapore hiện có mật độ che phủ cây xanh cao bậc nhất thế giới.
- Tạo nên cộng đồng dân cư có mức giá cả phải chăng: Khu dân cư mới tại Singapore luôn kết hợp phát triển công cộng và tư nhân, với đầy đủ cơ sở vật chất có giá cả ưu đãi.
- Tối ưu hóa không gian công cộng: Singapore phát huy triệt để tiềm năng không gian công cộng bằng cách kết hợp giữa các hoạt động thương mại và giải trí, giúp người dân hài lòng.
- Ứng dụng giao thông xanh và kiến trúc xanh: Singapore ứng dụng chiến lược năng lượng thấp trong các tòa nhà; đồng thời phát triển hệ thống giao thông công cộng. Đây chính là chiến lược tổng thể hướng tới mục đích giảm tiêu thụ năng lượng và đảm bảo phát triển bền vững.
- Tạo cảm giác bớt đông đúc: Trong thiết kế hạ tầng, Singapore có sự kết hợp giữa những tòa nhà cao tầng với các tòa nhà thấp tầng, tạo cảm giác bớt đông đúc trong không gian chật hẹp.
- Tạo cảm giác an toàn: Singapore ứng dụng thiết kế đô thị tiện lợi, dễ dàng tiếp cận và an ninh đô thị để người dân có cảm giác bình an.
- Ứng dụng giải pháp, công nghệ sáng tạo: Là đô thị đông dân và mật độ xây dựng dày đặc, Singapore luôn phải đối mặt với khó khăn về tài nguyên. Vì thế, nhà quản lý phải ứng dụng nhiều giải pháp và công nghệ sáng tạo để đảm bảo môi trường sống tốt nhất cho người dân, như ứng dụng giải pháp cấp nước sạch mang tên NEWater…
- Kết hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa các đối tác, cộng đồng:  Tất cả các bên liên quan cần hợp lực tìm ra giải pháp ngăn ngừa tình trạng chất lượng cuộc sống suy giảm. 
Nền tảng vững vàng trên tạo điều kiện thuận lợi giúp Singapore kiến tạo đô thị thông minh. Hiện Singapore là một trong những quốc gia tiêu biểu, có tốc độ triển khai xây dựng đô thị thông minh nhanh và mạnh nhất trên thế giới.
MẠNH QUYÊN (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục