Khốn đốn vì mía đường ế ẩm

Các tỉnh ĐBSCL đang vào cao điểm thu hoạch vụ mía năm 2017 - 2018, thế nhưng tình hình thu mua ở các cánh đồng mía vẫn diễn ra ì ạch khiến nông dân đứng ngồi không yên. Trong khi đó, các nhà đường cũng rối bời bởi sản lượng đường tồn kho ngày càng nhiều, dù giá bán rớt tệ hại. Ngành mía đường đang ở vào tình thế vô cùng khó khăn… 
Tiến độ thu hoạch mía ở Trà Vinh chậm khiến nông dân bị thiệt
Tiến độ thu hoạch mía ở Trà Vinh chậm khiến nông dân bị thiệt
Rớt giá, khó tiêu thụ
Nhiều khó khăn do diễn biến bất thường về khí hậu, thời tiết ở các tỉnh Bắc Trung bộ, miền Trung, Tây Nguyên và ĐBSCL… đã làm ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng và sản lượng mía. Bên cạnh đó, những biến động thị trường, giá cả: giá đường nội địa liên tục giảm những tháng gần đây, sức tiêu thụ chậm, lượng tồn kho lớn, tình trạng đường nhập lậu ào ạt tràn qua biên giới, hàng giả và gian lận thương mại mặt hàng đường cát vẫn phức tạp… đã tác động tiêu cực đến thị trường đường trong nước.
Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, tình hình sản xuất mía đường năm nay vô cùng khó. Tính đến tháng 1-2018, các nhà máy đường trong cả nước còn tồn kho khoảng 239.000 tấn đường. Giá bán buôn đường trắng trong tháng dao động khoảng 12.700 - 14.000 đồng/kg (giảm 200 - 300 đồng/kg so tháng trước). Điều đáng lo ngại là hiện nay đang vào giai đoạn cao điểm để các cơ sở sản xuất bánh ngọt, mứt, thức uống… phục vụ thị trường Tết Mậu Tuất 2018, vậy mà giá đường lại sụt giảm và khó tiêu thụ một cách bất thường. 
Do ảnh hưởng giá đường giảm, tình trạng thu mua mía nguyên liệu ở ĐBSCL cũng ì ạch và giá cũng giảm theo. Tại huyện Cù Lao Dung, vùng sản xuất mía chủ lực của tỉnh Sóc Trăng hiện đang vào vụ thu hoạch nhưng thương lái thu mua thưa thớt. Ông Phạm Hồng Văn, ở xã An Thạnh Nam, huyện Cù Lao Dung, chua chát: “Vụ này gia đình tôi canh tác 20 công mía. Nếu như các năm trước từ tháng 12 trở đi, các nhà máy và thương lái ào ạt mua mía với giá 900 - 1.000 đồng/kg; nhưng năm nay giá chỉ còn 500-600 đồng/kg. Nông dân muốn bán được mía cũng khó khăn. Ngoài ra, tình trạng thiếu nhân công đốn mía trầm trọng, dù phải thuê giá cao...”. 
Ở vùng mía Trà Vinh cũng tệ hại không kém. Ông Thạch Đâu, ngụ xã Lưu Nghiệp Anh, huyện Trà Cú, thở dài: “Gia đình tôi trồng 3,5 công mía, dù đã quá thời gian thu hoạch gần 2 tháng nhưng rất khó bán, khiến mía bị khô và giảm năng suất. Năn nỉ mãi thương lái mới chịu mua toàn bộ khoảng 20 triệu đồng, tính ra lỗ hơn 9 triệu đồng, chưa kể công lao động…”. 
Nguy cơ nông dân bỏ mía
Theo UBND xã Lưu Nghiệp Anh, huyện Trà Cú (Trà Vinh), thông thường cứ đến tháng 11 hoặc trễ lắm là tháng 12, địa phương vào cao điểm thu hoạch mía để cung ứng cho nhà máy đường Trà Vinh (đặt ở huyện Trà Cú). Vụ này mía đã quá lứa thu hoạch và bị khô héo trên đồng rất nhiều nhưng nhà máy thu mua rất chậm. Thống kê ban đầu ở xã có khoảng 150ha mía bị thiệt hại năng suất khoảng 40%, làm mất hàng tỷ đồng của bà con.
Ông Thạch Sô Phanh, Phó phòng NN-PTNT huyện Trà Cú, cho biết: “Khi thấy khoảng hơn 4.000ha mía ở huyện tới kỳ thu hoạch, chúng tôi đã hối thúc nhà máy thu mua cho dân. Tuy nhiên, nhà máy đường Trà Vinh cho rằng, từ tháng 6-2017 nhà máy sửa chữa, nâng công suất lên 4.000 tấn mía/ngày. Quá trình nâng cấp gặp khó khăn về kỹ thuật, thời tiết… nên chậm tiến độ hoạt động”.
Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, ông Trần Văn Hùng, Tổng Giám đốc Công ty CP Mía đường Cần Thơ (Casuco), cho biết: “Áp lực tồn kho đang đè nặng lên các nhà máy đường. Dù giá đường hiện thời bán ra không có lời, thậm chí lỗ, nhưng các nhà máy vẫn đang cố gắng tiêu thụ nhằm giải quyết tiền tết cho công nhân, trả tiền mía nguyên liệu cho bà con… Có thể nói, năm nay các nhà máy đường rất khó, nhưng quan điểm chung của Casuco là cố gắng “nuôi” nông dân để nông dân không bỏ mía”.
Mới đây, ông Trần Ngọc Hiền, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Mía đường Trà Vinh, có thông báo gửi chính quyền địa phương, nông dân trồng mía… là công ty bắt đầu tiếp nhận mua mía từ ngày 19-1 và đây cũng là thời điểm mà công ty chính thức ép mía. Nhiều ý kiến cho rằng, sở dĩ công ty chậm hoạt động là do giá đường cát trên thị trường quá thấp, nếu ép nhiều sẽ lỗ nhiều. Vì thế công ty “cứ từ từ” hoạt động, điều này khiến nông dân lao đao. Do thua lỗ và khó tiêu thụ, nên nhiều nông dân trồng mía ở Trà Vinh tính toán bỏ cây mía để trồng cây khác hoặc nuôi thủy sản sẽ có lợi hơn. 
Tại huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng), trước đây có hơn 8.100ha mía thì nay giảm còn khoảng 6.400ha. Nhiều khả năng sau vụ này nông dân sẽ tiếp tục bỏ mía, để chuyển sang nuôi tôm, trồng rau màu, cây ăn trái… Phòng NN-PTNT huyện Cù Lao Dung nhìn nhận, cây mía khó trở lại thời hưng thịnh như trước. Vì thế, huyện chỉ cố gắng giữ khoảng 5.000 - 5.500ha mía nhằm phục vụ cho nhà máy đường ở địa phương. 
Để cây mía phát triển ổn định, cần thay đổi cơ cấu giống theo hướng chất lượng, năng suất cao; tăng cường liên kết giữa nông dân với nhà máy để hình thành “cánh đồng lớn”; áp dụng cơ giới hóa, khoa học kỹ thuật nhằm giảm chi phí giá thành, tăng sức cạnh tranh. Các cơ quan chức năng tăng cường kiểm soát tình trạng đường nhập lậu vào nội địa bán giá thấp “đè” đường trong nước. Các nhà máy đường đẩy mạnh đầu tư mới công nghệ, mở rộng công suất hoạt động… đưa ngành mía đường từng bước hội nhập, đủ sức cạnh tranh với các nước.

Tin cùng chuyên mục