Khốn đốn vì ô nhiễm nước đầu nguồn

Khoảng 2 năm trở lại đây, hiện tượng cá bè nuôi chết hàng loạt đã liên tiếp xảy ra tại làng cá bè trên sông La Ngà, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai khiến nhiều ngư dân nơi đây lâm vào cảnh khốn đốn. 
Cá lồng bè nuôi quá dày trên sông La Ngà, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai cũng là nguyên nhân gây ô nhiễm
Cá lồng bè nuôi quá dày trên sông La Ngà, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai cũng là nguyên nhân gây ô nhiễm

Ngư dân nợ nần chồng chất

Sau 4 ngày cá chết trắng trên sông La Ngà, sáng ngày 20-5, ngư dân vẫn đang vận chuyển các bao tải cá chết, bốc mùi hôi thối từ ghe lên xe tải để đi bán cho những người dân trong vùng làm phân bón.

Anh Huỳnh Văn Sang (47 tuổi), một ngư dân gần 30 năm nuôi cá bè tại đây, buồn rầu nói: “Thế là năm nay gia đình chúng tôi lại trắng tay. Cá chết không còn một con, không những vậy, phần lớn vèo nuôi cá cũng bị gãy và chìm. Toàn bộ vốn liếng hàng trăm triệu đồng bỏ vào đây gia đình tôi đều vay mượn đã tiêu tan theo cơn mưa đầu mùa”.

Toàn bộ 6 vèo cá điêu hồng và một bè cá lăng 4 tháng tuổi của gia đình anh Sang đều bị chết hết, thiệt hại khoảng 32 tấn. Cạnh đó, anh Nguyễn Văn Trí (người dân nuôi cá gần 20 năm trên sông La Ngà) cũng ủ rũ: “Tình trạng cá chết liên tục đã khiến người dân chúng tôi mất trắng tay, nợ nần chồng chất…”. 

Theo ông Ngô Tấn Tài, Phó Chủ tịch UBND huyện Định Quán: Những năm gần đây, tình trạng cá bè nuôi thường xuyên xảy ra vào dịp giao mùa, khi kết thúc mùa khô chuyển sang mùa mưa, thời điểm này nước sông xuống cạn, khi xảy ra mưa lớn, nước từ đất liền chảy xuống, trong khi số lượng bè nuôi dày làm lượng ôxy trong nước tụt giảm dẫn đến cá chết. Vào cùng kỳ tháng 5-2018, trên địa bàn huyện Định Quán cũng xảy ra mưa to gây ra tình trạng cá chết hàng loạt. 132 hộ dân với 552 vèo bị thiệt hại, tổng lượng cá chết theo kê khai là khoảng 2.000 tấn. Vào đầu mùa mưa năm nay, UBND huyện Định Quán đã tuyên truyền vận động các hộ nuôi cá giảm đàn, giảm mật độ nuôi, khẩn trương bán các loại cá khi đến kỳ thu hoạch nên số lượng cá chết đã giảm, tuy nhiên nhiều hộ nuôi chưa kịp bán nên còn thiệt hại”.

Hiện UBND huyện Định Quán đã chỉ đạo UBND 2 xã La Ngà và Phú Ngọc khẩn trương bán cá khi đến kỳ thu hoạch, di dời các bè, lồng bè, vèo nuôi cá xuống vùng nước sâu hơn, tránh nơi nước đổ trực tiếp từ các dòng suối để giảm ô nhiễm và không được thả các loại cá giống trong thời gian giao mùa nhằm giảm thiểu tổn thất. 

Do xả thải

Theo các hộ nuôi cá trên sông La Ngà, việc dòng nước đột nhiên trở nên ô nhiễm bất thường là do hoạt động xả thải của một số cơ sở sản xuất ở địa phương. Cụ thể, đó là các công ty chế biến xoài đã xả thải trực tiếp ra suối Tam Bung. Tình trạng cá chết 2 năm nay ở sông La Ngà chỉ xảy ra đối với các hộ nuôi từ khúc suối Tam Bung xuống hạ nguồn sông, còn các hộ nuôi cá từ suối Tam Bung lên thượng nguồn thì không hề ảnh hưởng.

11 giờ trưa ngày 20-5, phóng viên Báo SGGP đã có mặt tại cầu Tam Bung bắc qua suối Tam Bung, nối xã Suối Nho và Phú Túc (Định Quán). Tại thời điểm này, nước suối Tam Bung có màu đen kịt, đặc quánh, nhiều chỗ sủi bọt màu trắng và bốc mùi hôi thối nồng nặc. Men theo bờ suối cách bờ cầu Tam Bung khoảng 1km về phía thượng nguồn, đoạn gần một cơ sở sản xuất nông sản thì nước càng đen và càng nặng mùi.

Khốn đốn vì ô nhiễm nước đầu nguồn ảnh 1 Cá chết trắng lồng bè trên sông La Ngà
Suối Tam Bung có độ dài khoảng 5km chảy qua địa phận của 3 huyện Xuân Lộc, Thống Nhất và Định Quán, trước khi đổ vào sông La Ngà. Trước đây, con suối là nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho người dân địa phương, nhưng mấy năm gần đây, một số cơ sở sản xuất xả thải ra khu vực này khiến nguồn nước ô nhiễm nặng. Vào mùa nắng, nước của suối Tam Bung bốc mùi hôi thối, còn đến mùa mưa, nhất là sau những trận mưa lớn, nước suối đen ngòm theo dòng chảy đổ ra sông La Ngà.

“Mới 2 năm nay tình trạng nước Tam Bung mới kinh khủng thế này, chứ mọi năm thì dù mưa có lớn cỡ nào cũng chỉ chết vài tấn cá là cùng”, một ngư dân bức xúc nói.

Bên cạnh nguồn thải của các cơ sở sản xuất, chính làng cá bè La Ngà cũng là một tác nhân trực tiếp đe dọa đến nguồn nước của sông La Ngà nói riêng và hồ Trị An nói chung. Vì để làm ra các bè, vèo nuôi cá, người dân dùng các thùng phuy sắt, nhựa làm phao nổi kết nối. Các thùng phuy này vốn là thùng chứa các loại phụ gia trong sản xuất công nghiệp, chưa qua xử lý. Người dân ở hàng trăm bè cá thoải mái tắm rửa, vệ sinh, giặt giũ rồi xả thẳng chất thải xuống sông. Bên cạnh đó, còn phải kể đến sự tồn đọng thức ăn thừa của cá, dư lượng thuốc kháng sinh, dầu mỡ thải ra từ các phương tiện ghe, thuyền… Những điều này đang đe dọa đến hàng chục triệu người dân sử dụng nước ở cuối nguồn, trong đó có TPHCM.

Liên quan đến vụ cá chết bất thường ngày 16-5-2019, Bộ TN-MT đã có văn bản đề nghị tỉnh Đồng Nai khẩn trương lấy mẫu nước mặt sông La Ngà để đánh giá mức độ ô nhiễm, rà soát các nguồn thải chính ra sông, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật nếu có vi phạm. Đồng thời, lực lượng Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC05) Công an tỉnh Đồng Nai cũng đã vào cuộc, phối hợp Sở TN-MT lấy mẫu nước, mẫu cá để phân tích, điều tra làm rõ nguyên nhân. 

Tin cùng chuyên mục