Không có chuyện từ năm 2018 dừng thực hiện chế độ BHXH 1 lần

Từ năm 2018, mức tiền lương đóng BHXH là mức tiền lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác ghi trong hợp đồng lao động (không phải là tổng thu nhập) 
Ngày 26-5, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam chi nhánh TPHCM, Sở LĐTB-XH TPHCM và Bảo hiểm xã hội (BHXH) TPHCM đối thoại với hơn 100 doanh nghiệp (DN) về an toàn vệ sinh lao động, lao động việc làm, dạy nghề, BHXH… 
Trả lời câu hỏi của DN, có mặc nhiên kết thúc hợp đồng lao động khi người lao động nữ đến 55 tuổi, nam đến 60 tuổi hay không, ông Nguyễn Tất Năm, Trưởng Phòng Lao động - Tiền công - Tiền lương, Sở LĐTB-XH TPHCM cho biết, hợp đồng đương nhiên chấm dứt khi người lao động thỏa mãn về tuổi và đóng đủ 20 năm BHXH trở lên. Khi đó, người lao động sẽ nghỉ hưu.
Không có chuyện từ năm 2018 dừng thực hiện chế độ BHXH 1 lần ảnh 1 Đại diện doanh nghiệp nộp Bảo hiểm xã hội cho người lao động tại Bảo hiểm xã hội TPHCM. Ảnh: H.V
Trong trường hợp người lao động thỏa mãn về tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đủ 20 năm đóng BHXH thì DN không thể đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.
Lúc này, nếu người lao động đang làm việc theo hợp đồng không xác định thời hạn thì đương nhiên tiếp tục làm việc theo hợp đồng đó cho đến khi nào đủ 20 năm đóng BHXH; nếu làm việc theo hợp đồng có thời hạn thì làm việc đến khi hợp đồng hết hạn, hoặc hai bên (người lao động và người sử dụng lao động) có thể giao kết mới.
Trong trường hợp chấm dứt hợp đồng, người sử dụng lao động phải thỏa thuận với người lao động, dù muốn cũng không được tự ý đơn phương chấm dứt hợp đồng.
Theo ông Nguyễn Tất Năm, quy định này có tính nhân văn, nhưng khi đi vào thực tiễn, nhiều DN đã bức xúc về vấn đề này. Vì, người lao động cao tuổi, trừ kinh nghiệm, thì năng suất, sức sáng tạo không thể bằng lao động trẻ hơn. Quy định trên dẫn tới tình trạng, nếu người lao động mới tham gia BHXH 5-10 năm, DN phải “ôm” người lao động cao tuổi cả chục năm, đây có thể là một gánh nặng với DN. 
Liên quan đến vấn đề có được quy đổi ngày nghỉ phép năm (hàng năm, cộng dồn tối đa 3 năm) không xài hết thành tiền lương trả cho người lao động không, đại diện Sở LĐTB-XH TPHCM phân tích, bản chất ngày phép là để người lao động nghỉ ngơi, để DN “bảo dưỡng” người lao động.
Trong việc nghỉ phép, dựa trên đặc thù kế hoạch sản xuất kinh doanh của DN, người sử dụng lao động được quyền thiết kế, ban hành lịch nghỉ phép cho người lao động, tất nhiên có báo trước. Khi DN ra lịch nghỉ phép thì người lao động phải tuân thủ, không có câu chuyện thông báo nghỉ rồi mà người lao động vẫn đến làm việc, hay có tình trạng dư phép rồi tính sang lương.
Trước đông đảo DN, bà Nguyễn Thị Thu, Phó Giám đốc BHXH TPHCM khẳng định, năm 2018, vẫn cho hưởng BHXH một lần, không có chuyện từ năm 2018 dừng thực hiện chế độ này như tin đồn. Riêng thực hiện đóng BHXH đối với người lao động nước ngoài, do sự phức tạp về đối tượng, mức đóng, mức hưởng… nên các bộ, ngành vẫn đang trao đổi và chờ Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn.
Từ năm 2018, mức tiền lương đóng BHXH là mức tiền lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác ghi trong hợp đồng lao động (không phải là tổng thu nhập) và các chế độ và phúc lợi như tiền thưởng sáng kiến, tiền ăn giữa ca, xăng xe, điện thoại, giữ trẻ, nuôi con, ma chay, cưới hỏi… không phải trích nộp BHXH. 

Tin cùng chuyên mục