Không còn phương án nào khác mới được phép nhận chìm xuống biển

Theo Kế hoạch công tác pháp chế năm 2019 của Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường), hoạt động xây dựng văn bản pháp luật phục vụ công tác quản lý biển, hải đảo sẽ được đẩy mạnh, đặc biệt chú trọng các quy định về hoạt động nhận chìm ở biển.
Siêu dự án nhà máy thép Hòa Phát Dung Quất - Quảng Ngãi cũng phát sinh lượng vật chất rất lớn phải nhận chìm. Ảnh: Báo Quảng Ngãi
Siêu dự án nhà máy thép Hòa Phát Dung Quất - Quảng Ngãi cũng phát sinh lượng vật chất rất lớn phải nhận chìm. Ảnh: Báo Quảng Ngãi

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Vụ trưởng Vụ Chính sách pháp chế Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cho biết, khung khổ pháp lý về bàn giao khu vực biển, nhận chìm ở biển hiện còn chưa được hoàn thiện. Bên cạnh đó, còn khá nhiều quy định chồng chéo liên quan đến lĩnh vực này. Bên cạnh đó, một số đạo luật mới được ban hành như Luật Quy hoạch, Luật Thủy sản… cũng đặt ra yêu cầu phải tiếp tục sửa đổi, bổ sung các quy định về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo.

Cụ thể, Vụ Chính sách và Pháp chế, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đang gấp rút nghiên cứu tham mưu cho các cấp có thẩm quyền sửa đổi bổ sung ban hành mới các quy định kỹ thuật, tài liệu hướng dẫn liên quan đến đánh giá tác động môi trường trong nhận chìm; quy chuẩn, quy định kĩ thuật đánh giá vật, chất nhận chìm; lựa chọn vị trí nhận chìm; ban hành các tài liệu hướng dẫn về giám sát trong quá trình và sau quá trình thực hiện.

Văn bản cũng nhấn mạnh yêu cầu đặt ra các phương án xử lý khác nhau, khi không còn phương án nào khác mới được phép nhận chìm xuống biển; đánh giá chi tiết về các khu vực biển được cấp phép để nhận chìm nhằm đảm bảo môi trường, hệ sinh thái biển, nguồn lợi thủy sản cũng như đảm bảo phát triển bền vững kinh tế - xã hội.

Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam xác định thời gian tới sẽ tiếp tục tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường biển và hải đảo, đặc biệt là vùng biển ven bờ; kiểm tra, giám sát chặt chẽ nguồn thải từ đất liền ra biển.

Đồng thời, thực hiện việc điều tra, đánh giá sức chịu tải môi trường của các khu vực biển, hải đảo ở vùng rủi ro ô nhiễm cao hoặc rất cao. Công bố các khu vực biển, hải đảo không còn khả năng tiêp nhận chất thải; đánh giá, kiểm kê các nguồn thải từ đất liền và trên biển. Xây dựng và triển khai Đề án tổng thể bảo vệ môi trường biển đến năm 2030, trong đó tập trung quản lý các nguồn thải khu vực biển ven bờ, từ đất liền, từ các hoạt động giao thông vận tải, nuôi trồng thủy sản.  

Tin cùng chuyên mục