Không để có thêm nạn nhân của người say xỉn lái xe

Dư luận đang quan tâm sự việc một phụ nữ sau khi uống nhiều bia đã lái xe BMW gây ra tai nạn giao thông tại ngã tư Hàng Xanh (quận Bình Thạnh, TPHCM) vào tối 21-10, làm 1 người chết và nhiều người bị thương.

Sự việc này làm dư luận lo ngại về tình trạng có rất nhiều người vẫn lái xe sau khi đã uống nhiều rượu bia. Bạn đọc Báo SGGP đã bức xúc đề nghị nhiều biện pháp xử lý vấn nạn này.

* NGUYỄN VIỆT HÀ  (quận 9, TPHCM): Tước giấy phép lái xe tài xế có nồng độ cồn

Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, khoảng 40% số vụ tai nạn giao thông và 11% số người chết do tai nạn giao thông có liên quan rượu bia. Con số này đang có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây.

Khi đã quá say xỉn, không còn tỉnh táo mà vẫn ngồi vào lái xe thì quá nguy hiểm cho bản thân và những người khác lưu thông trên đường. Trong thời gian qua đã có rất nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng do lái xe đã uống rượu bia. Khi uống rượu bia quá nhiều dẫn tới say xỉn, người điều khiển phương tiện không thể làm chủ được bản thân, lái xe lạng lách, đánh võng, chạy tốc độ cao, tránh, vượt sai quy định, đi sai làn đường, khả năng phán đoán tình huống kém hơn rất nhiều so với lúc còn tỉnh táo, do vậy rất dễ gây ra tai nạn giao thông hậu quả rất nghiêm trọng, cả về tính chất lẫn mức độ thiệt hại. 

Để giảm tối đa số vụ tai nạn giao thông do người lái xe sử dụng rượu bia gây ra, ngay từ khi thi lấy giấy phép lái xe, cần chú ý nội dung sát hạch về kiến thức pháp luật và ý thức trách nhiệm của người tham gia giao thông trong việc tuân thủ, chấp hành luật. Các cơ quan chức năng cũng phải tăng cường biện pháp kiểm tra, cưỡng chế, xử lý những trường hợp vi phạm. Cảnh sát giao thông phải kiểm tra nồng độ cồn của người lái xe, tập trung ở những nơi có thể xảy ra nhiều tai nạn giao thông. Trang bị phương tiện đo nồng độ cồn bảo đảm đạt tiêu chuẩn. Tăng chế tài xử phạt vi phạm hành chính, cũng như truy tố trước pháp luật nếu gây ra tai nạn giao thông hậu quả nghiêm trọng. Có thể tham khảo kinh nghiệm ở một số nước phát triển, như tước giấy phép lái xe vĩnh viễn đối với những trường hợp gây tai nạn giao thông khi nồng độ cồn trong máu hoặc trong hơi thở vượt quá mức cho phép.                                                                                                                

* NGUYỄN ĐƯỚC (quận 5, TPHCM): Tăng nặng hình phạt 

Người tham gia giao thông đã uống rượu bia thì chắc chắn không đủ tỉnh táo, minh mẫn để có thể điều khiển tay lái của mình khi tham gia giao thông. Hậu quả của những vụ tai nạn giao thông do người tham gia giao thông có sử dụng rượu bia gây ra thường để lại những nỗi ám ảnh, nỗi đau dai dẳng trong đời sống xã hội. Bình quân mỗi ngày trong cả nước có gần 30 người sáng dắt xe ra khỏi nhà nhưng họ mãi mãi sẽ không thể quay trở về nhà vì tử vong do tai nạn giao thông. Đằng sau những con số thống kê, đằng sau những thiệt hại của các vụ tai nạn giao thông xảy ra mỗi giờ, mỗi ngày, là sự mất mát lớn của từng gia đình và cũng là sự mất mát chung của toàn xã hội.

Hiện nay luật pháp của nhiều nước trên thế giới quy định hình phạt xử lý rất nghiêm đối với các hành vi người tham gia giao thông điều khiển xe trong tình trạng say xỉn gây ra tai nạn giao thông. Nếu bị phát hiện nồng độ cồn trong máu vượt quá mức cho phép khi tham gia giao thông trên đường, mặc dù chưa gây ra tai nạn giao thông, người điều khiển xe cũng bị treo giấy phép lái xe, phải thi lấy giấy phép lái xe lại. Nếu say xỉn gây tai nạn giao thông thì bị cấm lái xe vĩnh viễn và bị ra tòa xử lý hình sự, đồng thời không được bảo hiểm tai nạn và phải chi bồi thường cho nạn nhân. Việc điều khiển xe khi có nồng độ cồn trong máu vượt quá mức quy định rồi gây ra tai nạn giao thông thảm khốc không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng mà còn là hành vi tội ác, hành vi của việc xem thường tính mạng của người khác, phải bị lên án và trừng phạt thích đáng. Thiết nghĩ, đã đến lúc Bộ luật Hình sự nước ta cần sửa đổi, bổ sung, tăng nặng mức hình phạt với tội danh lái xe khi đã uống rượu bia gây ra tai nạn giao thông. Cũng cần có hình phạt bổ sung như treo hoặc tước giấy phép lái xe vĩnh viễn để mang tính răn đe và phòng ngừa, giảm thiểu tai nạn giao thông xảy ra do sử dụng rượu bia.

Tin cùng chuyên mục