Không để người giàu thì giàu quá, nghèo thì nghèo quá

Thủ tướng cũng yêu cầu ngành lao động xã hội phải tổ chức và quan tâm tới người dân, nhất là người nghèo, cô đơn không nơi nương tựa, người yếu thế, gặp khó khăn trong dịp Tết Mậu Tuất năm nay. Chăm lo, hỗ trợ để mọi gia đình đều có tết. 
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: VGP
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: VGP

Ngày 17-1 tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới dự và chỉ đạo hội nghị tổng kết công tác năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Cùng dự có các Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng: Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai; Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và lãnh đạo một số bộ, ngành và lãnh đạo 63 tỉnh, thành phố.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung cho biết, mặc dù năm 2017 diễn ra trong bối cảnh kinh tế xã hội trong nước đối mặt với nhiều khó khăn thách thức bởi diễn biến phức tạp của thời tiết, ảnh hưởng lớn tới sản xuất và đời sống nhân dân. Điều đó có tác động không nhỏ tới tất cả các lĩnh vực phát triển của đất nước nói chung và ngành lao động xã hội nói riêng. Trong bối cảnh khó khăn chung như vậy nhưng với sự nỗ lực từ trung ương tới địa phương, ngành LĐ-TB-XH vẫn đạt được 100% tất cả các chỉ tiêu kế hoạch năm 2017.

Báo cáo chi tiết kết quả đạt được, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho biết: Đến nay, cả nước đã có 1.974 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, gồm: 388 trường cao đẳng, 551 trường trung cấp và 1.035 trung tâm giáo dục nghề nghiệp. Năm 2017 cả nước tuyển sinh các cấp trình độ khoảng 2,2 triệu người, đạt 100,2% kế hoạch.

Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 56%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ là 22,5%. Tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,35% so với cuối năm 2016. 

Ước cả năm, cả nước đã tạo việc làm cho trên 1,63 triệu người, đạt 102,48% kế hoạch. Trong đó, tạo việc làm trong nước trên 1,5 triệu người, đạt 100,7% kế hoạch.

Tỷ lệ lao động làm công hưởng lương trên tổng số người có việc làm ước đạt trên 43%. Đặc biệt, lần đầu tiên đưa xuất khẩu lao động “cán mốc” 134.000 lao động, đạt 127,6% kế hoạch.

Về chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội: Đã trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định mức lương tối thiểu vùng năm 2018. Thu nhập bình quân tháng từ việc làm chính của lao động làm công hưởng lương quý III-2017 là 5,36 triệu đồng, tăng 434.000 đồng (tăng 8,8%) so với cùng kỳ năm 2016.

Cuối năm 2017 có trên 13,8 triệu người tham gia BHXH, đạt 25,2% lực lượng lao động (trong đó tham gia BHXH bắt buộc là 13,52 triệu người); có trên 11,4 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Trong năm đã giải quyết chế độ BHXH cho trên 9 triệu lượt người, bảo hiểm thất nghiệp cho trên 660 nghìn lượt người lao động. Cùng với đó, đã trình Chính phủ điều chỉnh mức đóng BHXH bắt buộc vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp...

Thủ tướng phát biểu chỉ đạo
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng và biểu dương những thành tích mà ngành lao động xã hội cũng như toàn xã hội đã đạt được trong năm 2017.
Thủ tướng đánh giá cao ba chỉ tiêu mà ngành lao động xã hội đạt được là giảm nghèo, giảm tỷ lệ thất nghiệp và tăng tỷ lệ lao động đã qua đào tạo. Đặc biệt là thành tích về xuất khẩu lao động. Trong năm 2017, Bộ LĐ-TB-XH cũng đã kịp thời ban hành và xây dựng nhiều đề án, chính sách lớn về đối tượng chính sách, giải quyết chế độ cho người có công một cách linh hoạt, quyết liệu đấu tranh chống tiêu cực trong lĩnh vực này. 

Thủ tướng cũng đánh giá cao các hoạt động và kết quả về đảm bảo an sinh xã hội. Mặc dù trong năm 2017 đã xảy ra tới 16 cơn bão lớn, Chính phủ đã xuất cấp tổng cộng 130.000 tấn gạo để chăm lo cho đời sống người dân, không để ai phải màn trời chiếu đất, đói cơm đứt bữa...  Điều này thể hiện sự quan tâm rất đặc biệt của nhà nước và toàn xã hội đến người yếu thế, người nghèo, người dân ở vùng thiên tai. 

Thủ tướng nhấn mạnh, trong năm 2017, chương trình giảm nghèo đã vượt chỉ tiêu mà Quốc hội giao. Tuy nhiên Thủ tướng yêu cầu các địa phương cần phải sâu sát hơn nữa, phải nắm được tình hình đời sống của người dân, xử lý có hiệu quả, giảm khoảng cách giàu nghèo. Không để tình trạng người giàu thì giàu quá, người nghèo thì nghèo quá.

Thủ tướng nhấn mạnh: Cần phải có biện pháp quyết liệt, cụ thể để giảm khoảng cách giàu nghèo. 

Tuy nhiên Thủ tướng cũng chỉ ra những bất cập còn tồn tại cần phải nghiên cứu giải quyết như tình trạng còn nhiều sinh viên ra trường không có việc làm, giáo dục nghề nghiệp chưa có chuyển biến mạnh mẽ và chưa đáp ứng đúng yêu cầu của doanh nghiệp, HTX và người dân. Tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội vẫn chưa đạt được mục tiêu đề ra. 

Không để người giàu thì giàu quá, nghèo thì nghèo quá ảnh 2 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến dự Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2017 và triển khai nhiệm vụ 2018 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Ảnh: VGP
 Đề cập nhiệm vụ trong năm 2018, Thủ tướng yêu cầu rà soát chính sách an sinh xã hội, nâng cao chất lượng đào tạo nghề, giải quyết việc làm. Thu hút và khuyến khích xã hội hoá trong công tác chăm lo đối tượng chính sách, thực hiện đầy đủ chính sách với người có công.
Xuất khẩu lao động cần đảm bảo uy tín khi đưa người Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài, thu hút doanh nghiệp có chất lượng tham gia; Có mức lương tối thiểu vùng đảm mức sống tối thiểu cho người lao động; Nâng dần tỷ lệ bao phủ bảo hiểm xã hội, phát triển bảo hiểm tự nguyện; Xử lý nghiêm các hành vi xâm hại, bạo hành đối với trẻ em. 

Thủ tướng cũng yêu cầu ngành lao động xã hội phải tổ chức và quan tâm tới người dân, nhất là người nghèo, cô đơn không nơi nương tựa, người yếu thế, gặp khó khăn trong dịp Tết Mậu Tuất năm nay. Chăm lo, hỗ trợ để mọi gia đình đều có tết. 

Tin cùng chuyên mục