Không để trục lợi từ xử lý nợ xấu

Sáng 7-6, Quốc hội đã tiến hành thảo luận về dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD) và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các TCTD. 
ĐB Phạm Phú Quốc (TPHCM) phát biểu về xử lý nợ xấu Ảnh: LÃ ANH
ĐB Phạm Phú Quốc (TPHCM) phát biểu về xử lý nợ xấu Ảnh: LÃ ANH
Đa số ý kiến ĐBQH đều đồng ý với sự cần thiết ban hành nghị quyết về xử lý nợ xấu, nhưng yêu cầu làm rõ thêm một số vấn đề như nguyên nhân gây ra nợ xấu, xử lý trách nhiệm đối với nợ xấu…
Không dùng ngân sách xử lý nợ xấu
Theo ĐB Nguyễn Sơn (Hà Tĩnh), nợ xấu hiện không chỉ là vấn đề của riêng hệ thống ngân hàng mà là của cả nền kinh tế, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Chính vì thế, việc Quốc hội ra nghị quyết về xử lý nợ xấu ở thời điểm này là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, cần làm rõ nguyên tắc không sử dụng ngân sách để xử lý nợ xấu. Đồng thời với đó, Chính phủ cần tiếp tục làm rõ và xử lý nghiêm, cụ thể trách nhiệm của cá nhân, tổ chức gây ra nợ xấu. ĐB Phạm Phú Quốc (TPHCM) cũng bày tỏ sự thống nhất cao với nghị quyết xử lý nợ xấu và đề nghị bên cạnh các ngân hàng, TCTD cần bổ sung quỹ đầu tư phát triển địa phương, vì các quỹ này cũng hoạt động như TCTD và có nợ xấu. 
Tham gia thảo luận với cái nhìn của người trong ngành, ĐB Nguyễn Văn Thắng (Hà Nội), Chủ tịch HĐQT VietinBank cho rằng, trong hoạt động kinh doanh ngân hàng, nợ xấu phát sinh là tất yếu, còn cho vay còn nợ xấu. Thời gian qua, các ngân hàng đã xử lý nhưng nợ xấu nội bảng, nợ xấu tiềm ẩn... xấp xỉ 600.000 tỷ đồng, chiếm 10,8% tổng dư nợ. “Việt Nam là quốc gia duy nhất có nợ xấu vượt 10% tổng dư nợ mà không có TCTD nào đổ vỡ, đó là sự cố gắng rất lớn”, ĐB Nguyễn Văn Thắng nói và đặc biệt lưu ý, trong 600.000 tỷ đồng có tới 90% tiền của dân, 10% của ngân hàng. “Cho nên việc cấp bách xử lý, ban hành cơ chế đặc thù để bảo vệ cho người dân, người gửi tiền trong hệ thống. Làm sao chúng ta phải vận hành đưa 600.000 tỷ đồng quay trở lại kinh tế, số tiền này đủ xây dựng được… 3 sân bay Long Thành”, ĐB Nguyễn Văn Thắng ví von.
Liên quan đến thời hạn thi hành nghị quyết, ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho rằng, ban hành nghị quyết để xử lý những vấn đề cấp bách nhưng chỉ là giải pháp tạm thời. Thời hạn hiệu lực của nghị quyết nếu chỉ trong 5 năm là không hợp lý. Nếu chưa có luật thì vẫn phải dùng nghị quyết để điều chỉnh, vì nợ xấu có thể vẫn phát sinh. ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) cũng nhận định, đây là nghị quyết mang tính chất nhất thời và cá biệt, không mang tính chất văn bản pháp quy. “Vậy có nên kéo dài đến 5 năm, hay chúng ta quy định sau khi Luật các TCTD được sửa chữa chúng ta áp dụng theo luật?”, ĐB Trương Trọng Nghĩa gợi ý. Ông cũng nhấn mạnh, đây là nghị quyết xử lý nợ xấu, không phải nghị quyết xử lý trách nhiệm về nợ xấu. Nghị quyết này cung cấp những giải pháp về pháp lý và kỹ thuật để xử lý nợ xấu, còn trách nhiệm dân sự và hình sự của các tổ chức, cá nhân về các khoản nợ đó giải quyết và xử lý theo pháp luật hiện hành. 
Quy trình tín dụng chưa chặt chẽ
Phát biểu giải trình, làm rõ thêm với ĐBQH về nguyên nhân của nợ xấu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng cho biết, thời gian qua sự bất ổn chính trị và kinh tế thế giới tác động rất mạnh và gây tiềm ẩn, rủi ro rất lớn trong hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước. Trong khi đó, kinh tế trong nước cũng còn khó khăn. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong giai đoạn 2011-2015, bình quân mỗi năm có trên 63.000 doanh nghiệp giải thể và phá sản, các yếu tố này làm gia tăng nợ xấu. Về nguyên nhân chủ quan, Thống đốc Lê Minh Hưng thừa nhận, quy trình tín dụng của một số TCTD chưa đầy đủ, chưa chặt chẽ, tạo kẽ hở để cán bộ ngân hàng và khách hàng lợi dụng. Ở một số TCTD, năng lực quản trị rủi ro còn hạn chế. Công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ chưa tốt, các chuẩn mực đạo đức đối với cán bộ ngân hàng chưa được quan tâm, nên dẫn đến rủi ro trong việc cho vay… 
Về vấn đề xử lý trách nhiệm nợ xấu, người đứng đầu ngành ngân hàng cho biết, Chính phủ đã bàn kỹ, không có một quy định nào trong dự thảo nghị quyết có thể gây ra, tạo điều kiện cho các TCTD hay các tổ chức, cá nhân có liên quan có thể trục lợi. Theo Thống đốc, thời gian qua NHNN đã tiến hành xử lý rất nhiều vụ việc vi phạm, đồng thời chuyển hồ sơ những vụ có dấu hiệu vi phạm pháp luật sang cơ quan điều tra. Theo thống kê của Bộ Công an, giai đoạn 2011-2016, các cơ quan điều tra của Bộ Công an (không bao gồm công an các địa phương) đã khởi tố điều tra 95 vụ án trong lĩnh vực ngân hàng; khởi tố bị can gần 200 cán bộ ngân hàng. Chỉ tính riêng một số vụ án lớn gần đây, đã khởi tố điều tra, truy tố, xét xử 128 cán bộ ngân hàng, trong đó có nhiều đối tượng là chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc, phó tổng giám đốc ngân hàng với nhiều mức án rất nghiêm khắc như tử hình, chung thân, trên 20 năm tù… 
Về băn khoăn của ĐBQH liên quan đến việc thu giữ tài sản bảo đảm, Thống đốc cho rằng đây là quyền đương nhiên và chính đáng mà TCTD có được theo thỏa thuận về quyền và nghĩa vụ giữa TCTD và khách hàng khi xác lập giao dịch cấp tín dụng và giao dịch bảo đảm. Các thỏa thuận về quyền thu giữ các bên liên quan là phù hợp với Hiến pháp và quy định của pháp luật. Trường hợp các tổ chức, cá nhân tự nguyện đem tài sản của mình thế chấp, cầm cố để đảm bảo cho việc trả nợ là giao dịch dân sự sẽ làm phát sinh nghĩa vụ giao tài sản đảm bảo, hay nói cách khác là quyền thu giữ tài sản đảm bảo đã được đồng ý trên cơ sở tự nguyện của các bên.
Thủ tướng sẽ trả lời chất vấn trực tiếp trước Quốc hội
Theo chương trình chi tiết các phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội mới được quyết định, từ 16 giờ 5 đến 16 giờ 45 ngày 15-6, Thủ tướng sẽ phát biểu ý kiến và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội (nếu có). Đây là việc khác với thông lệ, bởi tại các kỳ họp Quốc hội giữa năm, Thủ tướng thường ủy quyền lần lượt cho một phó thủ tướng trả lời chất vấn và sẽ trả lời trực tiếp tại kỳ họp cuối năm. Tuy nhiên, tại phiên họp của UBTVQH ngay trước kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân 2015 đã quy định người phải trả lời chất vấn không được ủy quyền cho người khác. Sau khi phó thủ tướng đăng đàn, Thủ tướng vẫn sẽ xuất hiện để nói thêm về những vấn đề chưa rõ, được ĐBQH quan tâm. Theo phân công của người đứng đầu Chính phủ, tới đây Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình sẽ là người phát biểu và trực tiếp trả lời chất vấn của ĐBQH về những vấn đề liên quan thuộc trách nhiệm của Chính phủ trong các phiên chất vấn từ ngày 13 đến 15-6. Bên cạnh đó, các phó thủ tướng khác cũng sẽ đăng đàn. Sáng 13-6, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng sẽ thay mặt Thủ tướng trả lời những chất vấn thuộc trách nhiệm chung của Chính phủ trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ NN-PTNT. Trong phiên chất vấn tiếp theo với hai vị Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL và Bộ trưởng Bộ Y tế, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam sẽ thay mặt Thủ tướng trả lời những chất vấn thuộc trách nhiệm chung của Chính phủ. Sau khi Bộ trưởng Bộ KH-ĐT trả lời chất vấn, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng sẽ phát biểu và giải đáp các vấn đề được ĐBQH nêu.
ANH PHƯƠNG
                                   Làm rõ các quyền của chủ rừng
Chiều 7-6, các ĐBQH tiến hành thảo luận tại tổ về dự án Luật Bảo vệ và phát triển rừng sửa đổi (được Chính phủ đề xuất đổi tên thành Luật Lâm nghiệp), và dự án Luật Thủy sản (sửa đổi). 
Tại tổ ĐBQH TPHCM, thảo luận về dự án Luật Lâm nghiệp, một số ý kiến đề nghị Ban soạn thảo cần tiếp tục rà soát, chỉnh sửa về phạm vi điều chỉnh, phân công trách nhiệm giữa các bộ, ngành trong việc quản lý rừng để được rõ hơn, tránh chồng chéo, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và tương thích với điều ước quốc tế liên quan đến bảo vệ và phát triển rừng mà Việt Nam là thành viên. Đáng lưu ý, nhiều ý kiến bày tỏ quan tâm đến khái niệm “chủ rừng”, cũng như quyền sở hữu và một số quyền khác của chủ rừng. ĐB Trương Trọng Nghĩa nhận xét: “Nói chủ rừng sở hữu rừng thì chắc là nói đến cây cối trên đất rừng thôi, chứ không phải bao gồm cả đất, vậy phải có định nghĩa thế nào cho chính xác, việc khai thác cũng cần phải quy định cụ thể hơn. Sinh cảnh và các loài vật quý hiếm trên đó thì có thuộc sở hữu của chủ rừng không?”. ĐB Dương Ngọc Hải thì băn khoăn về quy định “kinh doanh” rừng và cho rằng ở đây, khái niệm này hàm ý “làm dịch vụ và khai thác, chứ đất rừng thì không thể đem bán được”. Cùng quan điểm bảo vệ tối đa diện tích đất rừng, ĐB Ngô Tuấn Nghĩa nhất trí với quan điểm không quy định “người Việt Nam định cư ở nước ngoài được Nhà nước giao rừng, cho thuê rừng, giao đất, cho thuê đất để phát triển rừng” là chủ rừng; đồng thời hạn chế các trường hợp chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng. 
Liên quan đến dự án Luật Thủy sản (sửa đổi), ĐB Phạm Khánh Phong Lan (TPHCM) nhấn mạnh, dường như dự luật đã “bỏ quên” vai trò của Bộ Y tế - cơ quan quản lý nhà nước đầu mối về an toàn thực phẩm. ĐB Phong Lan nói: “Từng đã có việc Bộ NN-PTNT cho phép sử dụng tới 50 loại kháng sinh trong chăn nuôi, chế biến thực phẩm, trong khi Bộ Y tế chỉ cho phép chưa tới 20 loại. Phải có sự thống nhất giữa hai bộ này mới đảm bảo được an toàn thực phẩm đối với thủy hải sản”. Cùng băn khoăn này, ĐB Ngô Đức Mạnh (Bình Thuận) nhận định: “Luật Thủy sản 2003 có nội dung quan trọng mà dự thảo không có, đó là vấn đề bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) thủy sản; quy định từ bảo quản sản phẩm cho đến chất lượng ra sao… Đây là quy định hết sức cần thiết và đề nghị Ban soạn thảo rà soát, giữ nguyên tinh thần luật hiện nay. Dự luật cũng không có điều cấm nào để bảo đảm VSATTP thủy sản như cấm sử dụng chất gây nguy hiểm cho sức khỏe con người”. Các đại biểu cũng cho rằng, nếu quy định về mùa cấm khai thác thủy sản cũng như cấm khai thác hải sản gần bờ thì phải có chính sách hỗ trợ ngư dân, mà trong điều kiện ngân sách hiện nay thì khó  khả thi...
BẢO VÂN - NGỌC QUANG 
- PHAN THẢO 

Tin cùng chuyên mục