Không để vi phạm nối tiếp vi phạm

Ngày 13-10, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Củ Chi, Ban Thường vụ Huyện ủy Hóc Môn về tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2017. 
Không để vi phạm nối tiếp vi phạm ảnh 1  Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân phát biểu trong buổi làm việc với huyện Củ Chi. Ảnh: Việt Dũng 

Hóc Môn cầu cứu TP hỗ trợ “giải quyết hậu quả”

Mở đầu buổi làm việc tại huyện Hóc Môn vào chiều 13-10, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân nhắc lại câu chuyện năm 2005, Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn lúc đó là ông Nguyễn Văn Khỏe (Tám Khỏe) có sai phạm trong quản lý đất đai, phải vô vòng lao lý.

“Trường hợp này đã đủ để huyện rút kinh nghiệm chưa? Tại sao cán bộ biết sai nhưng vẫn cố tình làm? Và mới đây, lại lặp lại vi phạm” - Bí thư Thành ủy TPHCM đặt vấn đề.


Câu hỏi của người đứng đầu Đảng bộ TPHCM như chìa khóa gợi ý mở tung nỗi lòng của cán bộ, lãnh đạo Hóc Môn. Ông Nguyễn Cư, Bí thư Huyện ủy Hóc Môn chia sẻ, vấn đề nổi cộm của huyện Hóc Môn vẫn là đất đai. Bí thư Huyện ủy Hóc Môn đánh giá, trường hợp ông Nguyễn Văn Khỏe xử lý rất nghiêm minh nhưng không đủ sức răn đe và 10 năm sau, vào năm 2016, tiếp tục có Chủ tịch UBND huyện lặp lại sai phạm, cũng liên quan đến đất đai. Ông Nguyễn Cư trần tình, đây là bài học và hiện Huyện ủy Hóc Môn vẫn gặp khó khăn trong kiện toàn bộ máy, giải quyết các hậu quả. 

Cụ thể, ông Huỳnh Văn Hồng Ngọc, Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn kiến nghị TP chỉ đạo các sở, ngành thành lập một tổ công tác hỗ trợ huyện trong quá trình khắc phục, “giải quyết hậu quả” đối với 135 phương án (28ha) phê duyệt tổng thể mặt bằng, thiết kế hạ tầng kỹ thuật thực hiện tách thửa theo Quyết định số 19/2009 và Quyết định số 33/2014 sai quy định. Khó khăn khắc phục 135 phương án này là hạ tầng. Nhiều khu vực chủ đầu tư làm ẩu tả, giờ đã xuống cấp, mưa xuống là ngập. Trong khi 28ha trên chưa được xử lý xong, gần đây, UBND huyện Hóc Môn phát hiện thêm 160ha nữa có tính chất tương tự, vô cùng nan giải. Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn cho biết, người dân đã mua đất và bây giờ muốn xây cất. Nếu không tiếp tục cấp giấy phép xây dựng thì cán bộ sai, người dân sẽ kiện. Còn nếu cấp thì cán bộ sai tiếp, sai chồng sai. Vì thế, áp lực rất lớn. Hiện nay, huyện vẫn đề nghị cán bộ thuyết phục người dân chờ đợi để huyện xin ý kiến TP. 

Liên quan quá trình thực hiện khắc phục các hạn chế theo Thông báo kết luận số 44 của Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TPHCM về kết luận kiểm tra dấu hiệu vi phạm của Ban Thường vụ Huyện ủy Hóc Môn, huyện Hóc Môn đã thống kê các khu đất có diện tích lớn (từ 500m² trở lên). Qua đó ghi nhận, có 1.392 hồ sơ (từ năm 2015 đến giữa năm 2016) đã được huyện Hóc Môn ký quyết định cho chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp thành đất ở và đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở với nhiều thửa đất có diện tích từ 500m² đến 6.658m². Tổng diện tích đã cho chuyển mục đích sử dụng sang đất ở là 159,8ha (tức hơn 1,5 triệu m²). Vì hiện trạng các thửa đất là đất trống, nên nguy cơ sẽ xảy ra phân lô, bán nền, xây dựng tự phát, biến tướng thành nhà kho, xưởng, phá vỡ quy hoạch của huyện. Đánh giá đây là vi phạm nghiêm trọng, có dấu hiệu cố ý làm trái, thanh tra huyện không đủ sức làm, Bí thư Huyện ủy Hóc Môn kiến nghị giao Thanh tra TP làm rõ vấn đề nêu trên. Và người ký quyết định cho chuyển mục đích này phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước Đảng, trước nhân dân.  

Trước những sai phạm đất đai kéo dài, có quy mô lớn, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân đề nghị Huyện ủy Hóc Môn cần có sinh hoạt chuyên đề về nội dung này. Trọng tâm là đảng viên, công chức gương mẫu tôn trọng luật pháp, thực hiện tốt pháp luật về đất đai, đô thị; nếu vi phạm luật pháp thì sẽ không có đường thoát, sẽ bị xử lý. “10 năm trước đã xử lý, 10 năm sau lại tiếp tục vi phạm nữa. Không thể để một bầu không khí chấp nhận sai phạm công khai như thế” - đồng chí Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ. Bí thư Thành ủy TPHCM cũng yêu cầu Ban Cán sự Đảng ủy UBND TPHCM chỉ đạo các sở lập tổ công tác phối hợp, hỗ trợ huyện Hóc Môn giải quyết 135 phương án đã nói ở trên trong vòng 60 ngày. Liên quan đến 1.392 hồ sơ, Bí thư Thành ủy TPHCM yêu cầu huyện chọn ra vài chục trường hợp tiêu biểu rồi đề nghị Thanh tra TP vào cuộc, kết luận bản chất và tính chất sai phạm. Sau đó, huyện làm tiếp, mở rộng quy mô. 

Nơi dân ở thì quy hoạch làm cây xanh và ngược lại

Một trong các trăn trở của người đứng đầu Đảng bộ TPHCM là “lý do gì triển khai quy hoạch Khu đô thị Tây Bắc Củ Chi chưa được”? Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu cần chỉ rõ trách nhiệm của huyện đến đâu và trách nhiệm của TP, còn hạn chế gì?

Trước sự thẳng thắn của Bí thư Thành ủy TPHCM, ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc TPHCM lý giải, huyện Củ Chi và Khu đô thị Tây Bắc chưa phát triển được là do hạn chế giao thông. Chỉ có 1 tuyến Quốc lộ 22 kết nối từ trung tâm TPHCM tới Củ Chi. Về nguyên tắc, khu vực nào chỉ có độc đạo thì rất khó phát triển.

Ông Nguyễn Thanh Nhã đánh giá, Củ Chi vừa rơi vào thế giằng co - một mặt chịu áp lực đô thị hóa, một mặt cần giữ gìn, phát triển nông nghiệp; vừa hạn chế giao thông nên chưa phát triển.

Riêng với Khu đô thị Tây Bắc, Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc giải thích, tinh thần quy hoạch trước đây là khu đô thị hoàn chỉnh, có “ý tưởng lớn” giống như Khu đô thị Phú Mỹ Hưng (quận 7), nhưng quá trình thực hiện còn thiếu nguồn lực. Việc quản lý lại thiếu chặt chẽ nên người dân đến ở ngày càng tập trung. Do đó, quy hoạch khu đô thị bị ảnh hưởng.

Trước tình hình này, thành phố đã từng chỉ đạo và Sở Quy hoạch - Kiến trúc đang khoanh lại ranh quy hoạch, lưu ý khu dân cư hiện hữu. Dự kiến sau khi khoanh, quy hoạch khu đô thị 9.000ha giảm hơn 1.000ha nơi có khu dân cư hiện hữu và chuyển khu dân cư hiện hữu sang thành khu vực chỉnh trang để tháo gỡ khó khăn, bức xúc của người dân. Hiện việc xác định ranh khu quy hoạch đang được hoàn chỉnh.

Trình chiếu bản đồ Khu đô thị Tây Bắc, Bí thư Huyện ủy Củ Chi Trương Văn Thống quay về hướng Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc và Trưởng Ban Qản lý Khu đô thị Tây Bắc hỏi: “Các đồng chí nhìn ranh điều chỉnh này có đẹp không?”.

Bí thư Huyện ủy Củ Chi nhận xét: “Y như cài răng lược! Không ra làm sao”.

Ông Trương Văn Thống chỉ rõ, khu đô thị Phú Mỹ Hưng (quận 7) trước đây hoàn toàn là đất trống, quy hoạch chỗ nào đô thị, chỗ nào cây xanh cũng được. Nhưng Khu đô thị Tây Bắc hiện nay, nơi đang có 12.000 hộ dân, trong đó 5.000 hộ gia đình chính sách, lại quy hoạch thành nơi trồng cây xanh. Còn khu vực đất trống bên cạnh lại quy hoạch thành… đô thị.

“Tại sao nguyên phần đất trống lại là quy hoạch đô thị, còn đất người dân ở mấy trăm năm nay lại quy hoạch là cây xanh? Hôm rồi, khi xuống ấp, xuống khu phố, dân hỏi, cán bộ sở trả lời không được. Sở không trả lời được thì tụi tôi, cấp huyện, làm sao trả lời được!” – Bí thư huyện ủy Củ Chi hỏi.

Trong khi trao đổi, ông Trương Văn Thống cảm ơn Sở có lắng nghe, có điều chỉnh quy hoạch. Chỉ có điều, điều chỉnh rồi thì người dân lại thắc mắc nhiều hơn.

Nhận xét việc quy hoạch nơi dân ở dày đặc lại giải tỏa hết để làm cây xanh, còn chỗ cây xanh lại bốc người sang ở là có sự “ngược ngược”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu, Sở Quy hoạch Kiến trúc TPHCM và Ban Quản lý Khu đô thị Tây Bắc TPHCM cần nhìn lại một cách nghiêm túc cách làm hiện nay. Nếu bất hợp lý thì làm lại quy hoạch, có thêm phương án, trên tinh thần tôn trọng khu hiện hữu, không để người dân bị ảnh hưởng, xáo trộn quá nhiều.

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cũng yêu cầu cuối tháng 11-2017, 2 đơn vị này phải có báo cáo chi tiết phương án gửi về Thành ủy TPHCM.

Không để vi phạm nối tiếp vi phạm ảnh 2 Bí thư Thành uỷ TPHCM Nguyễn Thiện Nhân phát biểu trong buổi làm việc. Ảnh:Việt Dũng
Mệt mỏi vì cứ phải hứa với dân

Thông tin chậm trễ giữa các sở, ngành với quận, huyện khiến cán bộ địa phương rơi vào cảnh phải hứa hoài và người dân phải chờ đợi cũng là vấn đề “nóng” trong buổi làm việc.

Bí thư Huyện ủy Củ Chi phản ánh, kinh phí bồi thường cho 276 hộ và 2 tổ chức bị ảnh hưởng do xây dựng hệ thống thủy lợi bờ hữu sông Sài Gòn (đoạn từ rạch Sơn đến rạch cầu Đen và đoạn từ sông Lu đến rạch Láng The) với tổng số tiền bồi thường, hỗ trợ là hơn 210 tỷ đồng đến nay chưa có đủ. UBND huyện mới chi trả cho 135 hộ và 1 tổ chức với số tiền gần 40 tỷ đồng. Còn lại, huyện chưa nhận được tiền để gửi tới người dân.

“Người dân đồng tình di dời giải tỏa hết rồi mà không có tiền chi cho người ta. Huyện đã có nhiều văn bản gửi các sở. Nếu chưa có tiền trả cho dân thì sở cũng cần trả lời lại để khi huyện tiếp xúc với dân còn trả lời cho dân biết. Tuy nhiên, cũng không thấy phản hồi.” - Bí thư Huyện ủy huyện Củ Chi chia sẻ.

Ông Trương Văn Thống đề nghị “các sở trả lời luôn, xem vấn đề ra làm sao. Chứ mỗi lần tiếp xúc cử tri, chúng tôi mệt mỏi lắm, cứ phải hứa hoài”.

Tương tự, trong việc xây dựng nhà ở công vụ trên địa bàn huyện Củ Chi, Bí thư Huyện ủy Củ Chi cho biết, Chủ tịch UBND huyện ở nơi xa đến Củ Chi làm việc, phải thuê nhà trọ ở. Các ngành dọc cũng đưa nhiều cán bộ từ xa về Củ Chi công tác và cán bộ hoặc phải thuê trọ, hoặc hàng ngày phải đi về cả trăm km từ nhà tới Củ Chi và ngược lại. Huyện có văn bản, gửi Sở Tài Chính, Sở Xây dựng từ lâu song không thấy trả lời.

Về bức xúc của địa phương trong việc 170 tỷ đồng chưa rót để đền bù cho dân, trước câu hỏi từ Bí thư Thành ủy TPHCM, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch – Đầu tư TPHCM Lê Thị Huỳnh Mai cam kết, cuối năm 2017 sẽ giải ngân hết.

Liên quan đến phản ánh về sự trậm chễ trong trao đổi công tác, đồng chí Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND TPHCM yêu cầu các sở, ngành cần phải cầu thị, lắng nghe, phối hợp chặt chẽ với địa phương hơn nữa. Mục tiêu chung nhất làm sao tập trung phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.

Tránh tình trạng các sở ngành, quận huyện “nói với nhau khó quá, không có điều kiện đối thoại với nhau”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân chỉ đạo, UBND TPHCM phải rà soát lại, xem có quy chế, quy trình xử lý thông tin các sở ngành, quận huyện gửi về chưa, nếu chưa có thì cần bổ sung. Quy chế này nhằm có cơ sở xác định các sở, ngành trong thời gian bao lâu phải phản hồi cho địa phương; sau thời hạn đó thì quận, huyện được tự ý làm hay cần báo lần hai.

Tin cùng chuyên mục