Không dùng túi ni lông khó phân hủy

Các sản phẩm từ nhựa, túi ni lông ra đời mang lại rất nhiều tiện ích và đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Với giá rẻ, tiện sử dụng, túi ni lông dễ được người tiêu dùng lựa chọn phục vụ nhu cầu thiết yếu hàng ngày.

Tuy nhiên, với đặc tính bền, khó phân hủy, túi ni lông đã và đang gây ô nhiễm môi trường, để lại những hậu quả khôn lường đối với sức khỏe con người và các loài động, thực vật trên trái đất. 

Không dùng túi ni lông khó phân hủy ảnh 1 Người dân tìm hiểu về các sản phẩm túi thân thiện với môi trường

Quận huyện nỗ lực 

Theo UBND quận 1, TPHCM, thực hiện kế hoạch chung tay giảm thiểu ô nhiễm môi trường giai đoạn 2016-2020 của UBND TP,  UBND quận cũng đã triển khai nhiều biện pháp để kêu gọi người dân, tiểu thương thực hiện việc giảm sử dụng túi ni lông khó phân hủy trên địa bàn.

Theo đó, quận đã phát hàng ngàn cẩm nang tuyên truyền về tác hại túi ni lông cho tiểu thương ở các chợ Bến Thành, Tân Định, Thái Bình; tổ chức lớp tập huấn giảm sử dụng túi ni lông khó phân hủy;  thực hiện tặng mẫu túi ni lông thân thiện cho các tiểu thương; tuyên truyền tác hại túi ni lông khó phân hủy tại chợ Đa Kao, Dân Sinh…

Tương tự, UBND quận Tân Bình cũng đã phát tài liệu tuyên truyền giảm sử dụng túi ni lông đến UBND các phường; tổ chức xe loa phát thanh và phát tài liệu đến người dân trên địa bàn phường; tuyên truyền cho người dân qua các cuộc họp khu phố, tổ dân phố.

Hội Liên hiệp Phụ nữ quận cũng tổ chức “Ngày hội nữ tu” với các hoạt động tuyên truyền giảm sử dụng túi ni lông khó phân hủy  cho hơn 200 nữ tu các dòng tôn giáo và hội viên phụ nữ của 15 phường; vận động hạn chế sử dụng túi ni lông khó phân hủy tại các điểm kinh doanh, các chợ trên địa bàn quận. 

Trong khi đó, huyện Cần Giờ cũng tăng cường tổ chức tập huấn học viên là ban quản lý chợ, tổ trưởng ngành hàng, tiểu thương tiêu biểu tại các chợ về tác hại túi ni lông và thải bỏ túi ni lông đúng quy định.

Hội Phụ nữ huyện tiếp tục duy trì mô hình hoạt động hạn chế sử dụng túi ni lông trong sinh hoạt mua sắm; tổ chức xếp và trao tặng trên 10.000 túi giấy cho tiểu thương, hướng dẫn tiểu thương xếp túi giấy đựng tiêu ớt bán cho khách hàng; vận động tiểu thương sử dụng túi ni lông tự phân hủy trong kinh doanh mua bán, thực hiện phong trào “Hạn chế sử dụng túi ni lông”. 

UBND quận Gò Vấp cũng đã tổ chức hội nghị tuyên truyền giảm sử dụng túi ni lông khó phân hủy, xây dựng lực lượng tuyên truyền viên nòng cốt cho các chợ truyền thống, siêu thị, trung tâm thương mại, nhà sách, cửa hàng tiện ích, ban điều hành 186 khu phố, cán bộ ngành giáo dục, giáo viên, hội liên hiệp phụ nữ, UBND 16 phường. 

Nhiều chuyển biến tích cực 

Theo đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, các quận huyện đã chủ động ban hành kế hoạch tuyên truyền chương trình giảm sử dụng túi ni lông khó phân hủy đến người dân.

Một số quận huyện tuy không ban hành kế hoạch triển khai nhưng cũng đã chủ động lồng ghép chương trình tuyên truyền giảm sử dụng túi ni lông khó phân hủy vào chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; các chương trình giáo dục, phổ biến pháp luật liên quan đến lĩnh vực môi trường hoặc chương trình ngày hội phụ nữ vì môi trường…

Điều này khẳng định rằng, nhận thức của lãnh đạo địa phương, cũng như người dân đã được nâng cao. Trải qua nhiều năm thực hiện, chương trình đã có những tác động tích cực đến nhận thức, thái độ và hành vi sử dụng túi ni lông khó phân hủy của cộng đồng.

Tại các hệ thống siêu thị, việc thực hiện giảm túi ni lông chuyển sang dùng các loại túi thân thiện với môi trường đạt hiệu quả đáng chú ý, với mức giảm gần 80% (lượng túi ni lông khó phân hủy giảm từ 371 tấn/năm năm 2010 xuống còn 80 tấn/năm hiện nay); 100% siêu thị trên địa bàn TP đã chuyển sang dùng túi ni lông thân thiện với môi trường. 

Bà Đỗ Thị Diệu Thúy, Phó Trưởng phòng Quản lý chất thải rắn (Sở TN-MT TPHCM), cho biết các hoạt động tuyên truyền giảm sử dụng túi ni lông đã được TP khởi xướng từ năm 2010, với sự hưởng ứng của nhiều hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại lớn trên địa bàn.

Trải qua nhiều năm thực hiện, chương trình đã có những tác động tích cực đến nhận thức, thái độ và hành vi sử dụng túi ni lông khó phân hủy của cộng đồng. Tại các hệ thống siêu thị, việc thực hiện giảm túi ni lông chuyển sang dùng các loại túi thân thiện với môi trường đạt hiệu quả đáng chú ý.

Đây là một chương trình dài hơi, vì thế cần phải quyết tâm và kiên trì mới thực hiện có hiệu quả. Thời gian tới Sở TN-MT sẽ tiếp tục phối hợp UBND các quận huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các tiểu thương ở chợ truyền thống và người dân đi mua sắm.

Tin cùng chuyên mục