Không được lợi dụng uy tín của Đảng

Một số bị cáo khi ra tòa đã luôn đem Đảng ra để “giãi bày” tâm tư, kiểu như bản thân đã có bao nhiêu năm tuổi Đảng, đã có cống hiến cho Đảng ra sao… để hòng vớt vát, giảm nhẹ hình phạt. Nhưng đây là điều không thể chấp nhận được.
Bị cáo Nguyễn Thanh Hóa (hàng đứng, thứ 4 từ trái qua) nghe tuyên án tại phiên tòa sơ thẩm
Bị cáo Nguyễn Thanh Hóa (hàng đứng, thứ 4 từ trái qua) nghe tuyên án tại phiên tòa sơ thẩm

Có nhiều năm tuổi Đảng càng phải xử nặng

Mới nhất, bị cáo Nguyễn Thanh Hóa (cựu Thiếu tướng, cựu Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao - Bộ Công an, đã bị khai trừ Đảng, tước quân tịch do bảo kê đánh bạc) nói trước tòa rằng cuộc đời ông đã mất tất cả, “chỉ còn một trái tim mang dòng máu của người cộng sản mà ông cha đã truyền lại”. Trước đó, bị cáo Nguyễn Khắc Thủy (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) ra tòa vì bị truy tố về tội dâm ô trẻ em cũng nói rằng mình là người có tri thức, có 51 năm tuổi Đảng… Còn rất nhiều ông, bà khác từng là đảng viên phạm tội và bị truy tố ra tòa cũng đem Đảng ra để “giãi bày” hòng để được xem xét cho giảm nhẹ hình phạt.

Bất kỳ ai, trước khi đứng vào hàng ngũ của Đảng thì phải đứng dưới cờ Đảng đọc những lời thề danh dự, nguyện tuyệt đối trung thành với mục đích lý tưởng cách mạng của Đảng, chấp hành đầy đủ cương lĩnh chính trị, điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Đồng thời phải trau dồi phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, có lối sống lành mạnh; đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, cục bộ, quan liêu, tham nhũng… Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam cũng ghi rõ, trách nhiệm của đảng viên là phải suốt đời phấn đấu cho mục đích, lý tưởng của Đảng, đặt lợi ích của Tổ quốc, của giai cấp công nhân và nhân dân lao động lên trên lợi ích cá nhân. Đảng viên cũng phải có đạo đức và lối sống lành mạnh; gắn bó mật thiết với nhân dân; phục tùng tổ chức, kỷ luật của Đảng, giữ gìn đoàn kết thống nhất trong Đảng.

Trong Khóa Hư Lục của Trần Thái Tông có câu chuyện: Một vị sư đi qua ao sen, thấy hương thơm ngào ngạt nên đứng lại ngửi. Chợt Thổ địa hiện lên hỏi sao nhà sư hít trộm hương sen. Đáp lại, nhà sư nói hương sen bay ngào ngạt, ai đi qua cũng hít chứ không chỉ mình ông ta. Lúc này, Thổ địa bảo nhà sư nói sai rồi, ai ngửi sen cũng là ngửi trộm cả, nhưng họ là người không hiểu biết, còn nhà sư, đã đi tu tức người hiểu biết, nên mới đáng trách.

Như vậy, những người có chức vụ càng cao càng đòi hỏi phải am hiểu pháp luật. Đồng thời, đã giữ chức vụ cao, đã am hiểu pháp luật thì càng phải gương mẫu. Đặc biệt, các đảng viên đã có những lời thề thiêng liêng trước khi vào Đảng mà còn phạm lỗi, thì với cùng lỗi vi phạm như nhau, người giữ chức vụ càng cao, càng có nhiều năm tuổi Đảng thì càng phải xử theo khung hình phạt cao nhất. Đó mới là công bằng.

Không được đem Đảng làm bình phong

Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng của những người cùng chung lý tưởng. Trong suốt chiều dài lịch sử của Đảng đã có rất nhiều đảng viên trung kiên chấp nhận vào tù, chấp nhận hy sinh để phấn đấu vì lý tưởng cao đẹp mà bản thân theo đuổi. Ông Phan Thế Phương, Giám đốc Sở Thủy sản tỉnh Bình Trị Thiên (nay là tỉnh Thừa Thiên - Huế), đã được ngư dân tôn làm thành hoàng và lập miếu thờ. Nhà cách mạng Nguyễn Tạo, tổng cục trưởng đầu tiên của Tổng cục Lâm nghiệp, được người dân suy tôn làm Đức Bổn cảnh Thành hoàng làng. Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, một vị tướng công lao như núi, nhưng đã đề đạt nguyện vọng sau khi qua đời đưa ông về Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn để nằm cùng tất cả đồng đội đã hy sinh và nguyện vọng đã được chấp thuận… Đó chỉ là vài trong không biết bao nhiêu người cán bộ, đảng viên trung kiên đóng góp, hy sinh vì dân, vì nước.

Có người nói pháp luật vô tình nhưng thực tế thì không. Pháp luật vốn nghiêm minh nhưng người xưa xử án vẫn có quy định về “Bát nghị” (tám trường hợp phạm tội mà được giảm tội, tùy theo địa vị của người bị tội). Các quy định này đã được cụ thể hóa trong các bộ luật thời xưa như Luật Hồng Đức, Hoàng Việt luật lệ (Luật Gia Long). Trong Bộ luật Hình sự Việt Nam qua các thời kỳ cũng quy định những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự (như người phạm tội đã ngăn chặn hoặc làm giảm bớt tác hại của tội phạm; tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả; phạm tội nhưng đã tự thú, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; lập công chuộc tội; có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác; có công với cách mạng hoặc là cha, mẹ, vợ, chồng, con của liệt sĩ…). Ngược lại cũng có quy định các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, như phạm tội có tổ chức; lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội; cố tình thực hiện tội phạm đến cùng; phạm tội 2 lần trở lên; tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm; có hành động xảo quyệt hoặc hung hãn nhằm trốn tránh hoặc che giấu tội phạm.

Như vậy, luật pháp không vô tình. Song, pháp luật cũng không có quy định nào giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho những người “có nhiều năm tuổi Đảng” hay “có trái tim cộng sản nóng hổi”. Lẽ ra, khi đã sai phạm trầm trọng như vậy thì họ phải nên xấu hổ về điều mình đã làm trái với lời thề và trách nhiệm thiêng liêng của người đảng viên và không nên “khoe” tuổi Đảng. Trường hợp, tuổi Đảng vẫn được đem ra “khoe” trong những tình huống tương tự thì đến lúc cần có quy định, nghiêm cấm các bị cáo khi đứng trước tòa nói về Đảng, đem Đảng ra để làm bình phong.

Tin cùng chuyên mục