Không sợ nợ, chỉ lo hiệu quả đầu tư công

Sáng nay, 16-11, Quốc hội đã tiến hành chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng. Kiểm tra chuyên ngành, nợ công, chuyển giá... là những vấn đề được nhiều ĐBQH quan tâm.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng. Ảnh: vtv.vn
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng. Ảnh: vtv.vn
Nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn
ĐB Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) băn khoăn về nợ công: "Nợ công hiện nay sát trần hơn 60% GDP, rủi ro lớn do điều kiện kinh tế xã hội còn gặp nhiều khó khăn như huy động thuế, phí trên GDP giảm, trong khi Chính phủ vẫn đàm phán ký kết các khoản vay mới. Điều này ảnh hưởng như thế nào trong kiểm soát chi tiêu nợ công thời gian tới?".

Cùng quan tâm đến vấn đề nợ công, ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM) băn khoăn: "Những năm gần đây, nợ gốc, lãi vay tăng nhanh. Năm 2010 là 100.000 tỷ đồng nhưng đến năm 2017 là 250.000 tỷ đồng. Bộ trưởng có giải pháp nào để đảm bảo an toàn nợ công nhưng vẫn đảm bảo vốn cho đầu tư phát triển?".

Trả lời về vấn đề nợ công, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng thừa nhận, nợ công tăng nhanh áp lực trả nợ lớn: Giai đoạn 2011-2015, tốc độ tăng trưởng nợ công tăng 18,4%/năm, nhưng năm 2016 còn tăng 15% và năm 2017 là tăng 9%.

Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, để quản lý nợ công, Bộ Tài chính đã trình và Bộ Chính trị đã thông qua Nghị quyết 07 về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công), trình Quốc hội ban hành Nghị quyết 25 về kế hoạch tài chính trung hạn 5 năm, sửa Luật Quản lý nợ công… Theo đó, giới hạn các chỉ tiêu an toàn nợ công (trần không quá 65%, nợ Chính phủ 54%, nợ nước ngoài không quá 50%).

"Thời gian vừa qua, đã triển khai quyết liệt nhiều giải pháp nhằm tăng cường quản lý nợ công. Trong đó, xác định rõ mức bội chi ngân sách và lộ trình cắt giảm bội chi: Năm 2017 là 3,5% GDP, năm 2018 là 3,7% GDP, năm 2019 còn 3,6% GDP và năm 2020 còn 3,5%. Bên cạnh đó, tiếp tục siết chặt bảo lãnh Chính phủ. Năm 2016-2017, Chính phủ không bảo lãnh thêm dự án nào, đặc biệt là dự án của doanh nghiệp", Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết.

Cũng theo Bộ trưởng, các giải pháp quản lý chặt chẽ và cơ cấu lại nợ có hiệu quả, kiểm soát được tốc độ gia tăng, kéo dài kỳ hạn trái phiếu Chính phủ: Năm 2011 là kỳ hạn 3,9 năm, năm 2016 là 5 năm và 10 tháng là hơn 12 năm. Về lãi suất, năm 2011 năm 12%/năm, năm 2016 là 6,46%/năm và 10 tháng đầu năm là 6,04%... Nhà đầu tư trên thị trường cũng có sự thay đổi, nếu như nợ trái phiếu Chính phủ 2015-2016, ngân hàng chiếm gần 79% thì nay còn 54%. Nhìn chung, còn tiếp tục kiểm soát chặt chẽ hơn nhưng bước đầu triển khai đúng; tăng kiểm soát, chi tiêu nợ công.

Về việc giải ngân vốn ODA vay ưu đãi, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết hiện cũng đang kiên quyết trong giới hạn Quốc hội thông qua. Dù có vấn đề phát sinh, nhưng đến năm 2017 và 2018 vẫn trong kế hoạch 300.000 tỷ đồng đúng theo con số Quốc hội đã thông qua, đảm bảo cân đối bố trí trả nơ đầy đủ đúng hạn, tăng kiểm tra tài chính công nhất là đầu tư công…

Tham gia tranh luận, ĐB Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội) cho rằng, giải pháp kìm hãm nợ công là quan trọng nhưng quan trọng hơn là hiệu quả đầu tư công.

"Nợ công không xấu nhưng đầu tư không hiệu quả là “vô cùng xấu” vì gây tác hại kép: Trả nợ gốc, lãi và bù lỗ cho doanh nghiệp đầu tư không hiệu quả như 12 dự án; anh hưởng xấu sức khỏe nền kinh tế. Đề nghị Bộ trưởng nói thêm đầu tư công hiệu quả ra sao?".

"Nợ công không xấu nhưng đầu tư không hiệu quả là “vô cùng xấu” vì gây tác hại kép" - ĐB Nguyễn Quang Tuấn

Phản hồi về vấn đề này, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, thừa nhận: Đúng là vấn đề quan trọng ở hiệu quả đầu tư công. Đây là trọng tâm và nằm trong tái cơ cấu đầu tư công. Việc đầu tư hiệu quả ra sao thuộc trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, ngành, địa phương sử dụng vốn. Còn Bộ Tài chính thì có giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay từ cấp phát chuyển sang cho vay lại, hạn chế bảo lãnh Chính phủ, kiểm soát chi tiêu, hoàn chỉnh hệ thống pháp luật về nợ công.

Chia lửa về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Nguyễn Chí Dũng, thừa nhận: Trước khi có Luật Đầu tư công thì các quyết định đầu tư công còn tùy tiện, vượt so với khả năng cân đối của ngân sách trung ương và địa phương.

Trong các giai đoạn 2005-2010, 2011-2015, mỗi giai đoạn có hơn 20.000 dự án không rõ nguồn vốn, có khả năng bao nhiêu nên dẫn đến dàn trải, giãn, hoãn. Chính phủ đã có chỉ thị 1792 về vấn đề này và luật hóa lên Luật Đầu tư công 2016-2020 còn hơn 1.000 dự án, bám vào khả năng cân đối ngân sách. Nợ đọng ứng của các giai đoạn trước tập trung 2016-2020 sẽ được xử lý dứt điểm.

Nguyên nhân của dự án đầu tư công chưa hiệu quả, theo Bộ trưởng Bộ KH-ĐT là do nhiều dự án xây dựng không sát thực tế, vượt lên nhiều tính toán và chưa có biện pháp kiểm soát; thời gian triển khai dự án mất nhiều thủ tục liên quan đến giải phóng mặt bằng, đấu thầu… làm cho nguồn vốn vượt lên và buộc phải điều chỉnh và không có nguồn nên phải giãn, hoãn.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, hiện Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng xây dựng định mức quyết định đầu tư để có tổng mức đầu tư hợp lý. Chính phủ đã ban hành kế hoạch tái cơ cấu đầu tư công và đã giao cho Bộ KH-ĐT rà soát, tổng hợp bất cập trình Chính phủ, Quốc hội sửa Luật Đầu tư công theo hướng đảm bảo chặt chẽ nhưng giải quyết được thủ tục thuận lợi nhanh gọn cho các đối tương áp dụng.

Trả lời với tư cách phụ trách lĩnh vực, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho biết: Giai đoạn 2016-2020 phải thực hiện nhiệm vụ kép là phát triển kinh tế nhanh, bền vững và giải quyết yếu kém bất cập nội tại của nền kinh tế nhiều năm khi dư địa chính sách tài khoán, tiền tệ chật hẹp. Nhiều ĐB, chuyên gia khuyến nghị Chính phủ trình Quốc hội nới trần nợ công khi chúng ta còn nghèo, nhu cầu đầu tư lớn… Tuy nhiên, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tính toán trần nợ công chỉ là một yếu tố, còn quan trọng là khả năng trả nợ. Tuy nhiên, việc trả nợ đã vượt quá 25% tổng thu ngân sách và Chính phủ “nói không với xin tăng trần nợ công”.

Trong giai đoạn 2016-2020, Chính phủ sẽ tạo môi trường động lực cho phát triển, thu ngân sách vững chắc, phối hợp nhịp nhàng chính sách tài chính – tiền tệ và đó là “giải pháp của mọi giải pháp”.

“Vay nợ không quan trọng lắm mà là hiệu quả vốn vay. Bền vững nợ công cũng là bền vững nền kinh tế” - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ

Cũng theo Phó Thủ tướng, để đảm bảo an toàn tài chính quốc gia thì sẽ hoàn thiện chính sách thu bằng mở rộng cơ sở thuế, chống thất thu, chống xói mòn cơ sở thuế… hơn là tăng thuế suất. Tuy nhiên, trong bối cảnh cắt giảm thuế quan thì điều chỉnh một số thu nội địa nhưng điều chỉnh thuế giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp là hết sức cẩn trọng. Chính phủ sẽ trình Quốc hội sửa Luật Quản lý nợ công với các chỉ tiêu giám sát nợ công; chuyển cấp phát sang vay…

Trả lời câu hỏi của ĐB Bùi Thanh Tùng (Hải Phòng) về giải pháp nào cho trần nợ công được đảm bảo, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng chia sẻ: Các mức trần nợ công 65%, nợ Chính phủ 54%, nợ nước ngoài 50%, nghĩa vụ trả nợ không quá 25% trên tổng thu ngân sách được xây dựng phù hợp với khuyến nghị của Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế và tương đồng với những nước như chúng ta. Giải pháp đảm bảo trần nợ là hoàn thiện thể chế, thực hiện nghiêm túc kế hoạch tài chính 5 năm và đầu tư công trung hạn.

“Việc quản lý nợ công sao cho tốc độ gia tăng nợ công thấp hơn tăng trưởng GDP và trượt giá”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói.

Vẫn 1 mặt hàng chịu nhiều thủ tục kiểm tra chuyên ngành

Theo ĐB Nguyễn Tạo (Lâm Đồng), qua các cuộc họp đối thoại giữa cơ quan Nhà nước có thẩm quyền với cộng đồng doanh nghiệp cho thấy, công tác kiểm tra chuyên ngành đang là trở ngại lớn, kéo dài thời gian làm tăng chi phí, gây phiền hà cho doanh nghiệp. "Bộ trưởng có những giải pháp gì để góp phần nâng cao hiệu quả việc kiểm tra chuyên ngành?",  ĐB Nguyễn Tạo chất vấn. 

Trả lời câu hỏi của ĐB Nguyễn Tạo, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, ngay từ năm 2014 Bộ Tài chính đã xây dựng đề án giao 13 bộ, ngành xây dựng sửa đổi các văn bản pháp luật theo hướng giảm thiểu số lượng kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu, chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm.

Kết quả, hiện các bộ ngành đã sửa 66/87 văn bản pháp luật liên quan tới kiểm tra chuyên ngành thông quan hàng hoá, đạt 76%. Hiện cũng có khoảng 200 danh mục hàng hoá thuộc diện kiểm tra chuyên ngành, trong đó danh mục hàng hoá với hàng trăm mặt hàng, như danh mục thuốc thú ý với hơn 400 mặt hàng...

Tuy nhiên, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng cho biết: "28% thời gian thông quan là trách nhiệm hải quan, còn lại 72% trách nhiệm của các bộ, ngành".

Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng đây là khâu quan trọng phải tháo, nếu không sẽ không có động lực thúc đẩy giao lưu hàng hoá thương mại qua biên giới. Có những mặt hàng chịu nhiều thủ tục kiểm tra chuyên ngành của nhiều bộ, thậm chí 1 mặt hàng chịu kiểm kiểm tra chuyên ngành của các đơn vị trong 1 bộ.

"Để làm được điều này cần phải có sự phối hợp của các bộ, ngành. Ví dụ như sữa chua, sữa bột phải kiểm định thực phẩm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhưng kiểm tra chất lượng của Bộ Công thương. Một mặt hàng đang chịu 2 giấy phép. Đề nghị các bộ ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn kiểm tra chuyên ngành, xã hội hóa các cơ sở kiểm tra” - Bộ trưởng Bộ Tài chính

Vẫn theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, thời gian tới sẽ tiếp tục đề xuất kiểm tra chuyên ngành theo hướng giảm thủ tục giấy tờ, quản lý theo rủi ro, hậu kiểm bởi hiện nay tiền kiểm lớn nên không đáp ứng được thời gian thông quan, chất lượng hàng hoá.

Bộ Tài chính cũng sẽ phối hợp với các ngành rà soát, thống nhất mã HS hàng hoá xuất nhập khẩu; triển khai cơ chế một cửa quốc gia ASEAN 2016-2020 và đồng bộ thông tin giữa các bộ, ngành...

Trước nội dung trả lời của Bộ trưởng Bộ Tài chính, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân ngắt lời: "Với những nỗ lực của ngành tài chính thì có hoàn thành kế hoạch giảm thủ tục kiểm tra chuyên ngành năm nay?".

Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, với 200 danh mục hàng hoá và hàng trăm ngàn hàng hoá kiểm tra chuyên ngành thì cần sự vào cuộc của các bộ, ngành bởi vì 72% thủ tục liên quan đến các bộ, ngành. Vừa qua, bộ đã kết nối được 41 thủ tục của các bộ, ngành. Và theo kế hoạch, năm nay còn 22 thủ tục nữa.

"Theo tiến độ này thì sẽ hoàn thành căn bản kế hoạch đặt ra", Bộ trưởng Bộ Tài chính khẳng định.

Chuyển giá “liên hoàn”

Trả lời câu hỏi của ĐB Vũ Thị Thủy (Hải Dương), Triệu Thế Hùng (Lâm Đồng) về tình trạng chuyển giá của doanh nghiệp có chiều hướng gia tăng, với chức năng được giao, bộ có giải pháp gì khắc phục, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết đang hoàn thiện các giải pháp hướng dẫn kiểm soát việc chuyển giá.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói: "Năm 2017, Bộ đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 20 quy định về quản lý thuế doanh nghiệp phát sinh liên kết theo khuyến nghị của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD). Còn về thanh, kiểm tra, năm 2016, ngành thuế đã tiến hành thanh, kiểm tra 1.400 doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI); truy thu hoàn, phạt 1.300 tỷ đồng, giảm lỗ 1.900 tỷ đồng. Năm 2017 thanh, kiểm tra gần 1.300 doanh nghiệp; truy thu, hoàn 3.000 tỷ đồng, giảm lỗ 6.000 tỷ đồng. Thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành vì chuyển giá không đơn thuần trong sản xuất kinh doanh mà ngay cả ở khâu đầu tư trang thiết bị, giá thấp kê khai giá cao và trích khấu hao lớn. Việc chuyển giá là “liên hoàn", từ khâu đầu tư, triển khai, sản xuất kinh doanh đều có thể xảy ra chuyển giá".

Nói về giải pháp cho việc chống chuyển giá, theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, Bộ đã tham mưu cho Chính phủ hoàn thiện hành lang pháp lý với hoạt động chuyển giá, kiện toàn đội ngũ, hoàn tiện cơ sở dữ liệu thuế, tăng kiểm soát, hợp tác quốc tế.

"Đây cũng là một chủ đề quan trọng trong Hội nghị Các Bộ trưởng Tài chính APEC vừa qua và đã đề xuất trong Hội nghị thượng đỉnh. Chính phủ đã ban hành Nghị định 20 và Bộ Tài chính đã có văn bản hướng dẫn, trong đó sẽ tăng thanh, kiểm tra vì qua công tác thanh, kiểm tra cho thấy tình hình kê khai phức tạp nên phải tăng kiểm soát”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói.

Tin cùng chuyên mục