Không thể bỏ mặc người dân

Cái chốt dân phòng xây bất hợp pháp rồi bỏ hoang 16 năm, đầy chuột bọ, rác rưởi, gây khốn khổ cho 5 hộ dân ở đường Mã Lộ (phường Tân Định, quận 1). 
Cuộc đôi co giữa cán bộ trật tự đô thị phường Tân Định với người dân trước chốt dân phòng bỏ hoang
Cuộc đôi co giữa cán bộ trật tự đô thị phường Tân Định với người dân trước chốt dân phòng bỏ hoang
Báo SGGP số ra ngày 31-5 có đăng bài “Phía sau bức tường bô rác và chốt dân phòng”, phản ánh cuộc sống khốn khổ của 5 hộ dân ở đường Mã Lộ (phường Tân Định, quận 1) suốt 18 năm qua sau bức tường của bô rác cũ và chốt dân phòng xây trái phép bỏ hoang gây ô nhiễm. Sau khi báo đăng tải, chúng tôi đã gặp và lắng nghe người dân phường Tân Định nói về việc này.
Chi bộ đã có nghị quyết, vẫn không xong
Cụ Lưu Trọng Đảng (85 tuổi, hơn 60 năm tuổi Đảng, cư ngụ tại khu phố 9) bức xúc: “Tôi hỏi nè, việc đập bỏ bức tường bô rác cũ và cái chốt dân phòng bỏ hoang ấy có ai phản đối đâu, sao không làm? Tôi xin khẳng định, chi bộ ở đây đã họp nhiều lần và đề nghị nên đập bỏ bức tường bô rác cũ và chốt dân phòng bỏ hoang. Việc này có ghi rõ trong nghị quyết của chi bộ. Khi họp ở phường, tôi có nói với ông phó chủ tịch phụ trách đô thị phường: “Cái chốt dân phòng đó xây bất hợp pháp rồi bỏ hoang 16 năm rồi, không nên để, phải đập bỏ và kỷ luật người nào đã cố tình để nó tồn tại. Bây giờ nó đầy chuột bọ, rác rưởi, ai chịu cho nổi. Bữa nào ông ra đó ở thử một ngày đi, ở được, tôi bưng cơm cho ông ăn!”. “Khi Báo SGGP đăng sự việc, nghe bà con bàn tán quá, tôi trở lại thăm 5 hộ đã phải sống suốt 18 năm nay sau bức tường bô rác cũ và chốt dân phòng bỏ hoang và ghi nhận bài báo của SGGP đã nói đúng sự thật. Những người dân ở đó sống cơ cực quá, không có hộ nào có giường, có bàn ghế gì cả. Diện tích chật chội chỉ có thể dành cho trẻ con chen chúc nằm ngủ, người lớn phải ra sạp chợ nằm. Ở đó, nếu ngủ mà đóng cửa thì ngột ngạt, mà mở thì mùi hôi rác từ chốt dân phòng bỏ hoang sộc vào cũng không thể thở được. Còn nếu lỡ xảy ra hỏa hoạn thì chết chắc. Ngay cửa ra vào là cái bàn cầu, sống vậy sao sống được. Với trách nhiệm của một đảng viên, tôi thấy không thể để mặc 20 người dân phải sống khốn khổ như vậy và phường phải cho đập bỏ ngay bức tường bô rác cũ và chốt dân phòng bỏ hoang, để tạo điều kiện cho người dân ở 5 hộ này ra vào, đi lại, hít thở dễ dàng hơn”, cô Nguyễn Ngọc Tú (tổ trưởng tổ đảng tại khu phố này) nói. “Về chuyện nên đập bỏ bức tường bô rác cũ và chốt dân phòng bỏ hoang, tại các cuộc họp tổ dân phố và họp chi bộ đều đã có nhiều ý kiến đề nghị rồi, nói nhiều lắm rồi, mà không hiểu sao cứ để tồn tại hoài. Mùa mưa, bà con ở đó khổ lắm, nước mưa từ mái tôn của chốt dân phòng xối vào nhà dân. Nói thiệt, mang tiếng khu phố văn hóa mà để cư dân sống kiểu này, tôi mắc cỡ quá!”, cô Ngọc Tú nói thêm. Anh Nguyễn Văn Phước (cư dân và là đảng viên đang sinh hoạt đảng tại khu phố này) nói: “Chuyện này chi bộ bàn và kiến nghị nhiều lần rồi, vậy mà vẫn chưa thấy giải quyết. Theo tôi, việc trái tai gai mắt như vậy, làm khổ dân như vậy, phải giải quyết ngay”. 
Đập… một nửa? 
Sáng ngày 31-5, sau khi Báo SGGP đăng bài báo Phía sau bức tường bô rác và chốt dân phòng, lúc 9 giờ 30 sáng có một xe chở 3 cán bộ trật tự đô thị cùng 3 anh Công an phường Tân Định đến ngay chốt dân phòng, đưa người vào dọn dẹp vệ sinh và cho biết: “Báo đăng, nên phải dọn dẹp cho sạch”. Nhiều người dân tại đây đã ra ngăn cản, không cho dọn dẹp, với lý do “sợ phi tang hiện trường”. Một cán bộ trật tự đô thị có mặt tại đây giải thích với chúng tôi: “Việc này là làm theo lệnh cấp trên, chỉ dọn dẹp, dỡ mái tôn chốt dân phòng”. Một cư dân ngụ tại hộ 28K đặt câu hỏi: “Dân đã gửi đơn biết bao nhiêu lần, sao không ai trả lời?”. Hai bên đôi co, lời qua tiếng lại, thậm chí to tiếng, làm nhiều người đi chợ hiếu kỳ dừng lại xem khiến việc đi lại càng khó khăn khi chợ đang họp vào giờ cao điểm. Sau đó, các nhân viên của phường ra về và đề nghị: “Dân muốn gì thì lên phường!”. 
Khi gặp chúng tôi, nêu ý kiến nhận xét về việc này, cụ Lưu Trọng Đảng nói: “Lẽ ra, lãnh đạo phường nên đến tận nơi xin lỗi cư dân và mời dân lên phường cùng họp và bàn bạc, lấy ý kiến đồng thuận, rồi làm gì hãy làm, như vậy có phải tốt hơn không? Tại sao lại để cán bộ đôi co căng thẳng với dân ngay giữa chợ như vậy?”. Đến trưa ngày 31-5, một số người dân sau khi lên trụ sở UBND phường tìm gặp lãnh đạo phường, đã điện thoại đến Đường dây nóng Báo SGGP thông tin: Sự việc vẫn chưa giải quyết được, vì phường chỉ đưa ra giải pháp đập một nửa chốt dân phòng, còn lại thì... chờ ý kiến quận(?!). Và rất tiếc, đến lúc này lãnh đạo UBND phường Tân Định vẫn chưa tiếp phóng viên hay phản hồi gì với Báo SGGP theo như lời hứa trước đó. Báo SGGP sẽ tiếp tục theo dõi, thông tin về việc phường Tân Định và quận 1 giải quyết vụ việc này.

Tin cùng chuyên mục