Không thể chủ quan trong chữa cháy

>> TPHCM điều 10 xe chuyên dụng xuống Cần Thơ chữa cháy suốt đêm

>> Vụ cháy lớn tại Khu công nghiệp Trà Nóc, Cần Thơ: Đám cháy bùng phát trở lại, cháy lan sang kho liền kề

Ngày 25-3, một số xe cứu hỏa vẫn tiến hành phun nước phía sau Công ty Kwong Lung - Meko (KCN Trà Nóc, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) do khói vẫn còn bốc lên, nhằm đề phòng ngọn lửa có thể bùng phát trở lại. Trong khi đó, các ngành chức năng tích cực hỗ trợ công ty thu dọn những vật dụng bị cháy hoang tàn, đổ nát, các kiện hàng may mặc nồng nặc mùi khét. Nhóm sinh viên, thanh niên tình nguyện, dân quân tự vệ… khẩn trương di dời đồ đạc, vật dụng của khoảng 200 hộ dân ở chợ Sang Trắng (gần khu vực cháy), sau 36 giờ “lánh nạn” ở Trường Tiểu học Trà Nóc 4, trở về chỗ cũ để tiếp tục ổn định cuộc sống. Lãnh đạo UBND TP Cần Thơ đã đến thăm hỏi, động viên bà con sớm ổn định cuộc sống.

Các lực lượng chức năng chữa cháy tại hiện trường vụ cháy ở KCN Trà Nóc, Cần Thơ, sáng 24-3-2017. Ảnh: An Minh

Theo ông Nguyễn Hùng Việt, Bí thư Đảng ủy phường Trà Nóc, quận Bình Thủy: “Địa phương đã vận động và tổ chức trao 260 phần quà (mỗi phần 350.000 đồng) cho công nhân của Công ty Kwong Lung - Meko. Hiện đang phối hợp cùng công ty lập danh sách các công nhân có hoàn cảnh khó khăn, sau đó sẽ tiếp tục trao thêm 700 phần quà nữa”. Các ngành chức năng TP Cần Thơ tính toán hỗ trợ 3 tháng lương cho khoảng 1.300 công nhân của công ty, với mức lương 3 triệu đồng/người/tháng; đồng thời nhanh chóng hỗ trợ công ty trên nhiều mặt để công ty sớm hoạt động trở lại. Phía Công ty Kwong Lung - Meko cũng thông báo là vẫn chấm công cho công nhân trong những ngày công ty không hoạt động và sẽ phát lương vào đúng ngày 5 hàng tháng, giống như định kỳ. Dù thiệt hại ban đầu lên tới hơn 6 triệu USD, nhưng công ty quyết tâm sớm khôi phục sản xuất trở lại, nhằm ổn định việc làm cho hàng ngàn công nhân.

Nỗ lực là vậy, nhưng trước mắt vẫn còn muôn vàn khó khăn bởi vụ cháy ở Công ty Kwong Lung - Meko vào sáng 23-3 được cho là vụ cháy lớn nhất, kéo dài nhất xảy ra trên địa bàn TP Cần Thơ từ trước đến nay. Dĩ nhiên, những thiệt hại và hậu quả của vụ cháy này cũng rất lớn. Lần đầu tiên, vụ cháy ở Cần Thơ vượt ngoài tầm xử lý của địa phương nên buộc phải xin chi viện từ lực lượng PCCC các tỉnh Hậu Giang, Vĩnh Long, Kiên Giang, An Giang và Quân khu 9. Do đám cháy bùng phát dữ dội ở xưởng lông vũ, bên trong tòa nhà rộng (tòa nhà 5 tầng, mỗi tầng rộng khoảng 1.600m2), nên TP Cần Thơ tiếp tục xin chi viện 6 xe chuyên dụng và hàng chục chiến sĩ chữa cháy chuyên nghiệp từ TPHCM xuống ứng cứu. Lãnh đạo Thành ủy và UBND TP Cần Thơ túc trực tại hiện trường để chỉ huy, động viên các chiến sĩ chữa cháy.

Sự tích cực của các ngành chức năng TP Cần Thơ và các tỉnh chi viện là đáng ghi nhận; tuy nhiên vẫn có ý kiến cho rằng “phản ứng” của địa phương là chậm, chưa đánh giá đúng mức độ nguy hiểm của vụ cháy, một số phương tiện chữa cháy chưa được phát huy tốt, từ đó dẫn đến hiệu quả chữa cháy chưa cao. Ông Lê Thành Dũng, Phó giám đốc Công ty Kwong Lung - Meko cho rằng: “Ban đầu xuất hiện cháy nhỏ ở xưởng may mền, nhưng do chữa cháy quá chậm nên lửa lan nhanh và cháy hết xưởng. Trước đây ở xưởng lông vũ cũng vài lần bị cháy và đều được lực lượng tại chỗ dập tắt ngay. Không ngờ lần này có lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp, vậy mà lửa vẫn cháy lan rất lớn…”.

Nói về vấn đề này, lãnh đạo Cảnh sát PCCC TP Cần Thơ giải thích: “Ảnh hưởng địa hình, địa phận gây khó cho quá trình triển khai phương tiện tiếp cận đám cháy; vật liệu cháy ở đây khó dập, khi cháy tạo nhiều khói làm khó cho việc khống chế; thiết kế nhà xưởng kiểu mái vòm nên khó tiếp cận góc lửa để phun nước. Đặc biệt là nguồn nước cho việc chữa cháy bị thiếu trầm trọng, khi ngưng phun nước là lửa cháy lại, từ đó làm vụ cháy kéo dài…”. Điều đáng nói là một xe bơm của Cảnh sát PCCC TP Cần Thơ không thể sử dụng trong lần chữa cháy quan trọng này, bởi đang sửa chữa do sử dụng lâu ngày. Bên cạnh đó, xung quanh khu vực cháy lại ít bố trí xây dựng trụ nước; rạch Sang Trắng và sông Hậu ở gần đó nhưng ngành chức năng không quy hoạch “bến lấy nước”, vì vậy rất khó lấy nước? Theo quan sát của những người có mặt ở hiện trường thì lực lượng PCCC TP Cần Thơ dù cố gắng, nhưng lúng túng khi xử lý một vụ cháy lớn; phải đến khi Cảnh sát PCCC TPHCM xuống tiếp ứng, chi viện xe bơm, thì mới kiểm soát được ngọn lửa, nếu không tình hình còn phức tạp hơn.

Lãnh đạo Cảnh sát PCCC TP Cần Thơ cho biết, sau vụ cháy này sẽ họp rút kinh nghiệm. Tới đây, làm tốt hơn công tác phòng cháy. Hiện nay, hầu hết doanh nghiệp, cơ sở… trên địa bàn đều thành lập đội chữa cháy, nhưng cần tập huấn nhiều hơn để có kinh nghiệm. Theo ông Võ Thành Thống, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, hỗ trợ công ty sớm hoạt động trở lại là ưu tiên hàng đầu. Sau đó, TP sẽ họp đánh giá và rà soát lại công tác PCCC hiện nay, nhất là ở các xí nghiệp, công ty có quy mô sản xuất lớn. Đơn vị nào còn hạn chế trong PCCC phải được hỗ trợ kịp thời…

LONG HÒA

Tin cùng chuyên mục