Không thể cứ tiêu thụ nông sản nhờ lòng hảo tâm

Hàng trăm hộ trồng chuối ở Trảng Bom (Đồng Nai) bị thương lái ép giá đến nỗi nông dân phải chặt chuối cho dê ăn, hoặc bỏ chuối chín rục trên cây, rụng la liệt dưới đất. Hay tin, hàng trăm sinh viên là đoàn viên TNCS và hội viên Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam Trường Đại học Công nghệ TPHCM đã “cứu chuối”, bằng cách đi bán giúp nông dân 50 tấn chuối trong vòng 4 ngày.

Giúp nông dân tiêu thụ vài trăm tấn chuối chỉ là giải pháp tình thế. Căn cơ thì phải xúc tiến thương mại kiếm đầu ra cho sản phẩm của nhà nông. Trong ảnh: Thanh niên tình nguyện bán chuối giúp nhà nông lúc dội chợ

Cùng thời gian này, Đoàn TNCS HCM và Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh Đồng Nai cũng đã vào cuộc, “giải cứu” trên 20 tấn chuối. Sau một tuần lễ phát động chiến dịch “cứu chuối”, cùng với sự tham gia các doanh nghiệp tại địa phương, đã có tổng cộng trên 120 tấn chuối được tiêu thụ. Mới đây, siêu thị Big C (TPHCM) cũng đã phát động chương trình bán chuối không lấy lãi giúp nông dân Đồng Nai.

Hành động kịp thời và rất đáng ca ngợi của Đoàn TNCS HCM và Hội Liên hiệp Thanh niên của các đơn vị nêu trên thể hiện truyền thống đoàn kết, nhân ái của dân tộc. Đây không phải lần đầu tiên một sản phẩm nông nghiệp được “giải cứu”. Cách đây hơn một năm, đã có màn “giải cứu” khoai lang ở Vĩnh Long rầm rộ trên mạng xã hội, rồi dưa hấu ở Quảng Ngãi, thanh long ở Bình Thuận. Những màn giải cứu cứ “đến hẹn lại lên”, từ sản phẩm nông nghiệp này đến sản phẩm nông nghiệp khác. Thỉnh thoảng nông dân lại phải nhờ vào lòng hảo tâm của xã hội để tiêu thụ sản phẩm mình làm ra.

Tôi rất tự hào mình là nông dân đã đóng góp ít nhiều công sức để giữ vững an ninh lương thực và xuất khẩu, làm giàu cho đất nước. Nhưng tôi cũng rất băn khoăn về việc trong số nông dân Việt Nam hiện nay, có bao nhiêu người biết sử dụng internet? Tuy chưa thể xác định là bao nhiêu, nhưng chắc chắn số này hãy còn ít lắm! Do vậy, hiện nay nông dân Việt Nam chưa nắm bắt được - chứ nói chi đến việc cập nhật được thông tin nông nghiệp trong và ngoài nước để điều chỉnh nuôi trồng đúng nhu cầu thị trường. Trồng giống cây nào trên miếng vườn, mảnh ruộng của mình để sản phẩm có đầu ra? Tình trạng “thấy người ta ăn khoai, vác mai đi đào” đã dẫn đến quá nhiều hệ lụy, mà kết quả cuối cùng bao giờ phần thiệt vẫn về phía nông dân, không có đầu ra cho nông sản. Nông dân cứ loay hoay “chặt - trồng, trồng - chặt” hay “ được mùa - mất giá, được giá - mất mùa”. Còn các cơ quan quản lý ngành vẫn chưa có biện pháp khả thi để giải quyết, khắc phục.

Thực tế hiện nay, cây chuối Việt Nam vẫn chưa có đầu ra ổn định, lắm lúc nông dân phải chặt bỏ như lúc này, trong khi các doanh nghiệp xuất khẩu chuối lại thiếu hàng. Đây là một bất cập, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, doanh nghiệp và nông dân để giải quyết. Năm trước, nông dân ở Khánh Hòa chỉ ra nguyên nhân bí đỏ ế: “Tại thương lái lật kèo, ép giá, không thu mua nữa”. Còn thương lái thì cố lý giải nguyên nhân: “Tại nông dân đổ xô trồng bí đỏ khắp nơi, thị trường tiêu thụ không hết”. Ngành nông nghiệp, ngành công thương, nhất là các địa phương có tình trạng nông sản ế đã làm gì chưa, sao cứ để hết lần này đến lần khác diễn ra tình cảnh khổ cho nông dân như vậy?

Nông dân chiếm một tỷ lệ khá cao trong thành phần kinh tế đất nước nhưng do tính đặc thù  con người và nghề nghiệp, họ không thể tự mình “bơi” trong việc quy hoạch diện tích, giống cây trồng, trong biển giá. Thương lái là một thực thể trong xã hội, một thành phần tất yếu trong việc vận chuyển, lưu thông và tiêu thụ sản phẩm; trong cuộc tranh mua tranh bán có thể họ ép giá, nhưng để giải quyết đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp, không thể chủ quan chỉ đổ lỗi “ép giá” cho họ. Vậy có phải chăng ngành nông nghiệp và các địa phương chưa có giải pháp nào trước thực trạng nan giải: thiếu định hướng trồng cây gì, trồng ở đâu, bao nhiêu; giải pháp căn cơ và bền vững như thế nào…, để bao hệ lụy cứ diễn đi diễn lại trong ngành nông nghiệp. Một đất nước nông nghiệp mà nông sản cứ phải sống phụ thuộc vào lòng hảo tâm của xã hội thì xây dựng một nền nông nghiệp tiên tiến, hiện đại theo hướng công nghiệp hóa chỉ là những lời hô hào suông mà thôi.

NGUYỄN MINH ÚT
(huyện Cần Đước, tỉnh Long An)

Tin cùng chuyên mục