Không thể dung dưỡng cái ác

Xem đoạn clip 2 nữ sinh lớp 9 Trường THCS Trần Hưng Đạo (TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang) đánh đập dã man 3 nữ sinh lớp 7 cùng trường, dư luận phẫn nộ vì hành vi bạo lực đến mức côn đồ.
Sau sự việc đó, Hội đồng kỷ luật của Trường THCS Trần Hưng Đạo đã thống nhất hình thức kỷ luật buộc thôi học có thời hạn đến hết năm học 2017 - 2018 đối với 2 nữ sinh này.
Ngay lập tức, trên các trang báo mạng, trang thông tin điện tử và mạng xã hội xuất hiện 2 luồng ý kiến bình luận. Có người cho rằng đó là hình phạt cần thiết và thích đáng; cũng có người cho rằng kỷ luật như vậy làm bị gián đoạn 1 năm học, là giết tương lai của 2 nữ sinh này, có thể dẫn đến những điều không hay như gây tâm lý bất mãn, bất cần, bỏ nhà đi bụi... 
Thật ra việc kỷ luật như vậy là đúng, nhưng chưa đủ. Điều cần thiết trước tiên là các cơ quan chức năng, cụ thể là Phòng GD-ĐT địa phương cần kỷ luật ban giám hiệu nhà trường cũng như giám thị, giáo viên chủ nhiệm, vì đã để tình trạng bạo lực xảy ra ngay trong nhà trường.
Không thể dung dưỡng cái ác ảnh 1 Ảnh cắt từ clip
Cũng chính vì thiếu giáo dục đạo đức, ý thức chấp hành kỷ luật, lơi lỏng quản lý, không ngăn chặn cái ác nhen nhóm thành hành động giang hồ và kết quả là khó trị. Việc buộc thôi học 1 năm học đối với 2 học sinh hành xử bạo lực là cần thiết, không thể rao giảng rằng cần lấy yêu thương để cảm hóa, cho cơ hội sửa sai.
Ai xem qua đoạn clip cũng thấy rõ sự tàn bạo của 2 nữ sinh này, nhẫn tâm hơn cả các tay đầu gấu chuyên đi đánh thuê. Nếu dung dưỡng cho 2 nữ sinh hành xử bạo lực này, vừa là bất công với các em học sinh bị đánh đập dã man, vừa không đủ tác dụng giáo dục răn đe đối với hành vi vi phạm nghiêm trọng kỷ luật của nhà trường và vi phạm pháp luật, tạo tiền đề cho việc sẽ có thêm những vụ bạo lực ở học đường.
Nghị định 66/2009/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định: Đưa vào trường giáo dưỡng là biện pháp xử lý hành chính do chủ tịch UBND huyện - quận quyết định đối với người chưa thành niên có hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc tái phạm, để học văn hóa, giáo dục hướng nghiệp, học nghề, lao động, sinh hoạt dưới sự quản lý, giáo dục của trường. Thời hạn áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng là từ 6 tháng đến 2 năm.
Do vậy, đối với những hành vi bạo lực học đường đến mức phạm pháp nghiêm trọng hoặc tái phạm cũng nên áp dụng hình thức buộc thôi học tại trường, để cơ quan chức năng đưa vào trường giáo dưỡng dạy dỗ.

Tin cùng chuyên mục