Không thể “một mình một chợ”

Nhiều chuyên gia kinh tế chỉ ra rằng, kinh tế tư nhân của nước ta đã và đang được coi trọng, chiếm khoảng 40% tỷ trọng GDP, thu hút khoảng 85% tổng lao động của nền kinh tế quốc gia. Thế nhưng, ngoài những kết quả nhất định, thì nền kinh tế tư nhân cũng bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém gây cản trở sự phát triển chung.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trong đó, nhiều yếu tố đã được đề cập tới như vi phạm pháp luật, cạnh tranh không lành mạnh, nhiều trường hợp không đảm bảo lợi ích của người lao động…

Tại một cuộc họp diễn ra cách nay ít ngày, TS Hoàng Xuân Hòa, Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương, đưa ra một số thông tin rất đáng lưu ý, như xuất phát điểm phát triển và năng lực nội tại của kinh tế tư nhân còn thấp; chủ yếu là kinh tế hộ gia đình, cá thể; doanh nghiệp tư nhân có quy mô nhỏ hoặc siêu nhỏ; trình độ công nghệ thấp và chậm đổi mới; trình độ quản trị, năng lực tài chính, năng suất lao động… cũng thấp; chủ yếu tham gia ở phân khúc thị trường có giá trị gia tăng thấp… Thêm nữa, các chuyên gia kinh tế cũng phân tích rằng, ngoài các rào cản tự thân do chính những bất cập đến từ doanh nghiệp, thì môi trường đầu tư kinh doanh, khởi nghiệp; cơ chế, chính sách thu hút đầu tư chưa hợp lý… cũng là lý do khiến kinh tế tư nhân khó phát triển. 

Trước thực tế nêu trên, hàng loạt khuyến nghị được các chuyên gia kinh tế đưa ra; trong đó nhấn mạnh tới yếu tố liên kết, gắn kết với các thành phần kinh tế khác để cùng phát triển. Cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0 đang phát triển như vũ bão, doanh nghiệp không thể đứng ngoài cuộc chơi, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Do vậy, biện pháp cần thiết và hiệu quả để hòa nhịp vào sân chơi chung của thế giới chính là bắt tay nhau để cùng tiến, không thể mãi giữ thế “một mình một chợ” được.

Tin cùng chuyên mục