Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về sửa đổi, bổ sung Luật Cư trú:

Không vì thuận lợi cho quản lý mà hạn chế quyền người dân

Hôm qua 26-2, trong khuôn khổ phiên họp thứ 15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Quý Ngọ đã trình bày tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cũng đã trình bày báo cáo thẩm tra về vấn đề này.

(SGGP).– Hôm qua 26-2, trong khuôn khổ phiên họp thứ 15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Quý Ngọ đã trình bày tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cũng đã trình bày báo cáo thẩm tra về vấn đề này.

Theo đó, Thường trực ủy ban tán thành với sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú nhằm khắc phục tình trạng lạm dụng các quy định thông thoáng của Luật Cư trú để đăng ký thường trú tại nội thành của các thành phố trực thuộc trung ương, gây mất cân đối về phân bố dân cư và an sinh xã hội, tạo sức ép lên cơ sở hạ tầng, giao thông, trường học, bệnh viện, điện, nước; đồng thời nâng cao hiệu quả của công tác quản lý cư trú. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng một số nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung trong dự án luật chưa thật sự tạo điều kiện cho người dân thực hiện quyền tự do cư trú của mình theo quy định của Hiến pháp và pháp luật mà chủ yếu tạo thuận lợi hơn cho cơ quan quản lý nhà nước…

Đáng lưu ý, khoản 1 Điều 1 của dự án luật đã bổ sung một số hành vi bị nghiêm cấm, trong đó có quy định nghiêm cấm ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn đối với người lao động nhưng thực tế người này không làm việc tại doanh nghiệp đã ký hợp đồng đó hoặc ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn đối với người lao động không thuộc doanh nghiệp của mình để người này nhập hộ khẩu vào thành phố trực thuộc trung ương.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: “Nguyên tắc là người dân phải được tự do cư trú, đi lại, được chăm sóc y tế, có chỗ học hành... việc đăng ký thường trú/tạm trú phải thông thoáng, khuyến khích được người dân đến thực hiện các thủ tục này với cơ quan quản lý. Luật về cư trú mà điều chỉnh cả quan hệ lao động là không phù hợp”.

Quy định xóa tên người dân trong hộ khẩu thường trú trong một số trường hợp (như khi đi công tác nước ngoài từ 2 năm trở lên, thực hiện nghĩa vụ quân sự hoặc chấp hành hình phạt tù...) cũng không nhận được sự đồng tình của Chủ tịch Quốc hội và nhiều thành viên UBTVQH. “Thay vì xóa tên, hoàn toàn có thể cập nhật thông tin vào sổ hộ khẩu với thủ tục nhanh chóng, thuận tiện” - Chủ tịch Quốc hội gợi ý. Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cũng bình luận: “Xóa đăng ký thường trú chính ra là tự làm khó cho công tác quản lý”.

Chiều cùng ngày, UBTVQH đã nghe tờ trình của Chính phủ về bố trí vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2012 - 2015 và năm 2012 cho một số dự án quan trọng, cấp bách của các bộ: GTVT, Y tế, NN-PTNT và báo cáo thẩm tra về vấn đề này của Ủy ban Tài chính - Ngân sách.

Điều hành phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội phối hợp chặt chẽ, thực hiện giám sát việc sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, nhằm đảm bảo tính công khai, minh bạch cũng như hiệu quả sử dụng vốn.

Anh Thư

Tin cùng chuyên mục