Khu đô thị sáng tạo giúp triển khai nhanh đề án thành phố thông minh

Chiều 18-4, UBND TPHCM chủ trì tổ chức Hội nghị gặp mặt cộng đồng công nghệ thông tin - viễn thông (CNTT-VT) TPHCM năm 2018, với sự tham dự của khoảng 200 đại biểu đại diện cho các sở - ban - ngành, đơn vị trên địa bàn TP và cộng đồng doanh nghiệp ngành CNTT-VT. Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, đến dự và phát biểu tại hội nghị.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân gặp gỡ cộng đồng công nghệ thông tin - viễn thông. Ảnh: VIỆT DŨNG
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân gặp gỡ cộng đồng công nghệ thông tin - viễn thông. Ảnh: VIỆT DŨNG
Mong nhiều doanh nghiệp đồng hành

“Đường còn tắc, nước còn ngập làm sao đòi thông minh. Một số người dân đã hỏi tôi như vậy. Nhưng thật ra, còn tắc còn ngập lại càng cần đến thông minh. Bản chất của thành phố thông minh chính là dự báo được. Qua dự báo ta biết được khi nào những sự cố tiếp tục xảy ra”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân dẫn giải như vậy khi nhắc lại sự cần thiết phải triển khai Đề án Xây dựng TPHCM trở thành thành phố thông minh. Theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, để từng ngành, từng lĩnh vực, từng doanh nghiệp thực hiện thì không thể làm được dự báo hay cơ sở dữ liệu mà TP phải đứng ra thực hiện trước, với sự đồng hành của doanh nghiệp.

“Giai đoạn đầu là mô phỏng giao thông, mô phỏng một phần kinh tế TP, rồi tiến tới xây dựng mô hình dự báo ngập nước. Bất kỳ cá nhân, doanh nghiệp trong nước có kinh nghiệm đều có thể đăng ký tham gia, chia sẻ. TP định hướng học tập mô hình nước ngoài nhưng sản phẩm, công nghệ phải của ta, để có thể tùy biến, nâng cấp khi cần”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cho hay. 

Đặc biệt, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân khẳng định tầm quan trọng của việc xây dựng Khu đô thị sáng tạo khu Đông, trên cơ sở kết nối các quận 2, 9 và Thủ Đức. Đây là khu vực gần trung tâm đủ sức hấp dẫn, nhưng còn quỹ đất để bổ sung hạ tầng mới. Các quận có sự tương tác chặt chẽ về không gian, về các chương trình đào tạo, nghiên cứu; bên cạnh đó còn có vùng đệm để khuyến khích đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. “Đây sẽ là trung tâm thông minh đầu tiên của TP, giúp đẩy nhanh đề án thành phố thông minh; là nơi có hạ tầng phát triển; là biểu hiện cách sống và mô hình sống hiện đại tương đương các khu vực trên thế giới”, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân kỳ vọng.

Bên cạnh đó, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cũng yêu cầu các sở - ngành TP cần tổ chức đánh giá, rà soát và có định lượng sự phát triển của ngành CNTT-VT bằng những số liệu cụ thể. “TPHCM hiện có gần 80.000 người làm việc trong ngành CNTT-VT; chiếm 1,86% lao động cả TP. Tỷ lệ này là quá thấp, thấp hơn bình quân cả nước. Trong khi đó, giá trị xuất khẩu của ngành năm qua đạt gần 9 tỷ USD, chiếm 25% tổng giá trị xuất khẩu TP. Đây là tỷ lệ lớn song giá trị gia tăng lại chưa cao, do nhập khẩu còn nhiều. Qua những cơ sở dữ liệu như vậy lãnh đạo TP mới định hướng ngành CNTT-VT của TP làm gì, phát triển thế nào”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cho biết. 
Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến, Đề án Xây dựng thành phố thông minh là đề án mở, được cập nhật thường xuyên qua mỗi hội thảo, hội nghị. Bài học là không có mô hình cụ thể cho thành phố thông minh, mà phải xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của TPHCM. Trong đó, những đóng góp, giải pháp, công nghệ của các doanh nghiệp là hết sức quan trọng. TP dự định đưa những kiến thức và định hướng về thành phố thông minh vào các hoạt động ngoại khóa ở nhiều cấp, để hình thành nếp nghĩ, nếp sống của một công dân thông minh trong tương lai. 
Những đề xuất cụ thể Tại hội nghị, những đề xuất cụ thể của doanh nghiệp, các hiệp hội cũng được kiến nghị đến lãnh đạo TPHCM. Ông Phạm Đức Long, Tổng giám đốc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) - đối tác chính xây dựng đề án thành phố thông minh, cho rằng TP cần bắt buộc các doanh nghiệp tham gia đề án phải cam kết thực hiện theo khung kỹ thuật định sẵn để tăng độ liên thông trong hệ thống. Như vậy, TPHCM cần một đơn vị tham mưu, thực hiện công tác sàng lọc, giám sát ngay từ đầu. TPHCM cũng cần xác định mục tiêu, chức năng của từng cấu phần để dành sự ưu tiên đầu tư. Thay vì tạo kho dữ liệu mở dùng chung, TP có thể hình thành trục dữ liệu để kết nối liên thông cơ sở dữ liệu tại các sở - ngành, quận huyện để tiết kiệm. Quan trọng nhất là phải mô hình hóa đơn vị triển khai, làm cơ sở để nhân rộng. Dành sự quan tâm đến sự phát triển nội lực của ngành CNTT-VT, ông Phí Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Tin học TPHCM, cho rằng hoạch định sự phát triển thị trường cho ngành này cần xuất phát từ nhu cầu của các đối tượng phục vụ. Chính sách đối với doanh nghiệp CNTT-VT cần định lượng một tỷ trọng nhất định cho sự tham gia của các doanh nghiệp nhỏ và vừa và doanh nghiệp khởi nghiệp. Còn đối với doanh nghiệp ứng dụng là những chính sách ưu đãi về thuế hoặc tăng khả năng khấu hao nhanh tài sản. Ngoài ra, đại diện các đơn vị, doanh nghiệp cũng đề nghị TP có sự hỗ trợ cần thiết khi tham gia vào Chương trình Phát triển công nghiệp vi mạch; có các giải pháp phù hợp đối phó với thách thức của an toàn an ninh thông tin, nhất là cơ chế phối hợp, chia sẻ thông tin để ứng cứu khẩn cấp khi xảy ra sự cố mạng.
Có 12 triệu người dùng ứng dụng Mocha

Ngày 18-4, tại Hà Nội, ứng dụng OTT mang tên Mocha do Viettel phát triển công bố đạt mốc 12 triệu người. Ông Võ Thanh Hải, Giám đốc Công ty Truyền thông Viettel (đơn vị phát triển Mocha) cho biết, 100% người dùng Mocha hiện nay là giới trẻ. Ứng dụng Mocha ra đời giữa năm 2015 theo định hướng phục vụ nhu cầu giải trí, kết nối liên lạc của giới trẻ, đặc biệt là học sinh, sinh viên. Với Mocha, khách hàng được nhắn tin nội mạng Viettel 100% miễn phí; thuê bao học sinh, sinh viên được gọi điện nội mạng miễn phí. Đặc biệt, miễn phí data tốc độ cao nhất cho tất cả thuê bao học sinh, sinh viên khi xem video, nghe nhạc, gửi tin nhắn chat, gọi thoại, gọi video call… Dịp này, Mocha chính thức đưa vào hoạt động kho video với khả năng tạo ra thu nhập cho cả người đăng tải và người xem.
TRẦN BÌNH

Tin cùng chuyên mục