Khu Nam hướng đến tăng trưởng xanh

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ X đã xác định rõ một trong những nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2015-2020 là phải “tạo sự đột phá trong nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh”. Trong đó, phải “phát triển kinh tế nhanh, bền vững, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển kinh tế tri thức và tăng trưởng xanh...”. Kinh tế xanh và tăng trưởng xanh đã và đang tạo cơ hội để doanh nghiệp mạnh dạn đổi mới, tái cấu trúc để phù hợp với chiến lược và định hướng phát triển bền vững của TP. Trong đó có Công ty Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC).
Khu Nam hướng đến tăng trưởng xanh

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ X đã xác định rõ một trong những nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2015-2020 là phải “tạo sự đột phá trong nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh”. Trong đó, phải “phát triển kinh tế nhanh, bền vững, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển kinh tế tri thức và tăng trưởng xanh...”. Kinh tế xanh và tăng trưởng xanh đã và đang tạo cơ hội để doanh nghiệp mạnh dạn đổi mới, tái cấu trúc để phù hợp với chiến lược và định hướng phát triển bền vững của TP. Trong đó có Công ty Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC).

Xu thế tất yếu

Có thể nói IPC là một trong những doanh nghiệp đóng vai trò nòng cốt trong mục tiêu thực hiện chiến lược “Tiến ra biển Đông” của TPHCM và góp phần vào chiến lược chuyển dịch cơ cấu kinh tế của TP. Trong đó, phải kể đến các dự án mang tầm nhìn chiến lược như: Dự án xây dựng khu đô thị Hiệp Phước (khu đô thị mới Sài Gòn), Dự án xây dựng khu cảng hạ lưu Hiệp Phước (khu cảng hạ lưu Sài Gòn), Dự án xây dựng khu công nghiệp Hiệp Phước giai đoạn 3... Ngoài việc xây dựng và hình thành KCX, KCN, khu đô thị và khu cảng, IPC còn đề xuất với TP các công trình ưu tiên nhằm kết nối hạ tầng đồng bộ từ đường bộ, đường sắt và đường thủy đến các khu công nghiệp, khu logistics, khu cảng hạ lưu Hiệp Phước, khu đô thị Hiệp Phước. Đồng thời nghiên cứu cơ chế chính sách mang tính đột phá trong hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm xây dựng môi trường đầu tư hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong, ngoài nước.

Quy hoạch Khu đô thị cảng Hiệp Phước

Đề cập đến kinh tế xanh và cơ hội cho doanh nghiệp, ông Tề Trí Dũng, Tổng Giám đốc IPC cho rằng, kinh tế xanh được hiểu là nền kinh tế vừa mang lại hạnh phúc cho con người và công bằng xã hội, vừa giảm thiểu đáng kể các rủi ro về môi trường và khủng hoảng sinh thái. Có thể nói, kinh tế xanh là một nền kinh tế phát thải ít carbon, tăng trưởng theo chiều sâu, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, thân thiện với môi trường, đổi mới công nghệ và tăng trưởng bền vững, tạo ra việc làm và công bằng xã hội, hướng vào cải thiện sinh kế của người dân. Đặc biệt, việc mở rộng áp dụng kinh tế xanh kết hợp phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, tạo ra các sản phẩm sạch hơn sẽ giúp nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trong điều kiện nước ta ngày càng hội nhập sâu rộng như hiện nay.

Phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường

Nằm trong xu thế chung đó, thời gian khu nam TP cũng đã huy động nhiều nguồn lực để triển khai phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường, đảm bảo cho được nguyên tắc tác động tích cực tăng trưởng kinh tế; thực hiện nghiêm túc việc bảo vệ môi trường tại các KCX, KCN; giảm thiểu việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch, tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo và công nghệ Carbon thấp, khuyến khích sử dụng nguồn lực và năng lượng hiệu quả hơn.

Thống nhất quan điểm xuyên suốt là phát triển kinh tế phải đi đôi với bảo vệ môi trường nên khi lựa chọn vị trí để phát triển dự án hạ tầng KCX, KCN và đô thị, IPC luôn chú ý vào yếu tố: lựa chọn những địa điểm có vị trí kết nối chiến lược để phát triển lan tỏa hoặc tăng cường kết nối kinh tế của TP với các khu vực khác. Giảm thiểu ảnh hưởng đến môi trường, tập trung hoán đổi các khu vực đất nông nghiệp, đất trồng lúa có hiệu quả kinh tế thấp. Ưu tiên vào các khu vực ít dân cư và các khu vực ít phát triển.

IPC và Vietinbank ký kết hợp đồng hợp tác chiến lược giai đoạn 2016-2021 và hợp đồng nguyên tắc tài trợ gói trái phiếu 2.000 tỷ đồng

Theo ông Tề Trí Dũng, việc chọn vị trí như vậy sẽ đảm bảo giảm những ảnh hưởng về môi trường đối với việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất; giảm tác động tiêu cực đối với việc di dời dân cư, giảm chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng. Trong quy hoạch chung, IPC còn quan tâm nhiều yếu tố liên quan đến môi trường. Trong đó luôn duy trì tối đa diện tích mặt nước, trong trường hợp phải lấp diện tích sông rạch nhỏ thì phải bù đắp bằng các diện tích kênh rạch, hồ nhân tạo, đảm bảo diện tích sau quy hoạch bằng 100% - 120% diện tích mặt nước. Quy hoạch theo nhóm cụm nhà máy, nhà ở tập trung để giảm diện tích xây dựng, cải thiện thiên nhiên nằm ngoài diện tích cụm nhà máy, nhà ở và các công trình công cộng khác. Tạo một tỉ lệ từ 7% - 10% đất cây xanh dự trữ trên tổng diện tích bên cạnh thỏa mãn các chỉ tiêu về quy hoạch của khu. Ngoài ra, IPC cũng sẽ ưu tiên đầu tư mạnh vào hạ tầng giao thông và duy trì cảnh quan sông nước, đầu tư ngay từ đầu vào trạm xử lý nước thải tập trung; ưu tiên đầu tư cụm nhà xưởng xây sẵn, cao tầng nhằm tạo điều kiện thu hút ngành công nghệ cao, quản lý môi trường tập trung, giảm thiểu tiêu hao năng lượng do phân tán, tăng cường hiệu quả thu gom chất thải, nước mưa thiên nhiên vào hồ chứa nước nhân tạo. Đối với việc thu hút đầu tư cho các KCX và KCN, IPC tập trung thu hút đầu tư vào các ngành ít gây ô nhiễm môi trường, ít thâm dụng lao động tập trung vào ngành công nghệ cao, lao động không nhiều đòi hỏi trình độ chuyên môn và đào tạo.

“Tương lai của doanh nghiệp luôn gắn liền với nền kinh tế, môi trường và xã hội. Vấn đề phát triển bền vững không còn nằm trên lý thuyết mà là thực tế cấp thiết mà mỗi doanh nghiệp như IPC cần hành động ngay từ bây giờ trước khi quá muộn” - ông Dũng nhấn mạnh.

LINH ĐAN

Tin cùng chuyên mục