Kịch tết 2019: Rộn tiếng cười

Hơn chục ngày nữa là tết, các sân khấu kịch đang tất bật chạy vở mới, rút ngắn thời gian hoàn thành kịch bản để kịp thời ra mắt phục vụ khán giả, mong mỏi chào đón mùa bội thu của kịch.
Vở kịch Giấc mơ tình tình của Sân khấu kịch IDECAF
Vở kịch Giấc mơ tình tình của Sân khấu kịch IDECAF

Đa sắc

Sân khấu kịch Thế giới trẻ thể hiện sức trẻ bằng 4 vở mới: Ngôi làng ma ám (tác giả Phan Ngọc Liên, đạo diễn Ngọc Hùng), Ván bài của Sói (tác giả Nguyễn Bảo Ngọc - Nam Thư, đạo diễn Hứa Mẫn), Người vô hình (tác giả, đạo diễn Bùi Quốc Bảo), Shipper tình yêu (tác giả Nguyễn Thu Phương, đạo diễn Ngọc Hùng). 

Sân khấu kịch Hồng Vân cũng dựng 4 vở cho 2 sân khấu Trung tâm Văn hóa quận Phú Nhuận và Superbowl: Tắt đèn là chạy (tác giả Thái Sơn, đạo diễn NSND Hồng Vân), Thân sâu hồn bướm (tác giả Bùi Quốc Bảo, đạo diễn NSND Hồng Vân), Đại ca mình đi đâu thế (tác giả, đạo diễn Tuấn Anh), Sợ (tác giả Quỳnh Trâm, đạo diễn Lê Quốc Nam). NSND Hồng Vân cho biết: “Mùa tết, tôi không quá lo lắng về việc thiếu hụt kịch bản dàn dựng. Nhiều năm qua, Sân khấu kịch Hồng Vân luôn tạo điều kiện để các tác giả trẻ phát huy tay nghề, trong đó có một số tác giả là học viên của các khóa đào tạo diễn viên sân khấu. Với nguồn tác giả - tác phẩm sân khấu mang đậm chất trẻ trung, đa dạng, giúp sân khấu ổn định trong việc tìm vở mới dàn dựng cho mùa tết”.

Năm nay, Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ 5B chỉ tìm và đầu tư mới 2 vở: Duyên ai (tác giả Mộc Nhiên, đạo diễn Quách Hồ Ninh) và Đẹp bất chấp (tác giả và đạo diễn Bùi Quốc Bảo); bên cạnh vở cũ Ảo và thật được dựng lại. Riêng Đẹp bất chấp là vở kịch từng được dựng tại Sân khấu Superbowl trong năm 2018 với tên gọi Công chúa Sao Hỏa. Khi vở được tái dựng có sửa chữa để mang “phong cách 5B”, trẻ trung, đầy tính thể nghiệm và nhiều tiếng cười. 

Phục vụ mùa tết 2019, Sân khấu kịch IDECAF cũng chỉ chọn được 2 vở để dựng là Mơ giấc tình tình (tác giả, đạo diễn Lê Hoàng Giang) và Cái đẹp đè bẹp cái nết (đạo diễn Vũ Minh), được sắp xếp lịch diễn xen kẽ với các vở cũ ăn khách được dựng trong năm 2018 như: Gươm lạc giữa rừng hoa, Tấm Cám, Ngôi nhà không có đàn ông. Sân khấu kịch Minh Nhí ra mắt 2 vở hài kịch: Thị Hến còn đó một nỗi buồn và Thâm cung dễ sợ, diễn xen kẽ với các chương trình mang tính tổng hợp gồm những chùm kịch ngắn, tiểu phẩm hài mừng xuân. 

Sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh đầu tư một vở duy nhất Bên kia… nửa đời ngơ ngác (đạo diễn Ái Như). Sân khấu này sắp lịch diễn xen kẽ vở mới cùng các vở cũ: Vườn nho đắng, Con ma nhà họ Hứa, Sài Gòn có một ngã tư, Giấc mộng vàng son… để khán giả có nhiều sự lựa chọn. Nhà hát kịch TPHCM cũng dựng một vở mới Nàng Hến tầm duyên (tác giả Vương Huyền Cơ, đạo diễn Lê Diễn).

Vượt khó và hy vọng

Chuyện khan hiếm kịch bản chất lượng vẫn là đề tài muôn thuở của các sân khấu kịch TPHCM khi chuẩn bị vào mùa phục vụ tết. Ông bầu Huỳnh Anh Tuấn của Sân khấu kịch IDECAF, trăn trở: “Như mọi năm, vào mùa tết, các sân khấu kịch lại tất tả đi tìm kịch bản mới, chất lượng và đậm không khí vui xuân đón tết để đầu tư dàn dựng. Khi nguồn kịch bản mới không có, bắt buộc các sân khấu kịch xã hội hóa phải tìm kiếm các kịch bản cũ để dựng lại theo hình thức mới, đồng thời sử dụng những tác phẩm sân khấu đã dựng trong năm, ăn khách, vui tươi, để trình diễn xen kẽ”. 

Nhìn chung, các sân khấu kịch tết đều chú trọng, chăm chút từ nội dung, ý nghĩa đến hình thức trình diễn, với mong mỏi sẽ tạo được những tác phẩm giá trị và chất lượng, kịp thời đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí mùa tết của khán giả. Tuy nhiên, mức đầu tư kịch phí cho các tác phẩm không quá cao để có thể bảo toàn thu chi, lời lỗ. Đặc biệt, hầu hết vở diễn đều xoáy vào những câu chuyện về tình yêu đôi lứa, tình cảm gia đình, sự sẻ chia và cảm thông cùng bao số phận con người giữa những thăng trầm của đời sống xã hội, nắm bắt kịp thời xu hướng và thị hiếu giải trí của khán giả hôm nay. 

Xen lẫn những câu chuyện kịch gay cấn vẫn là những chiêu trò đậm chất hài cộng với tài năng diễn xuất của các nghệ sĩ. Giá trị của từng câu chuyện thông qua các kịch bản sân khấu đầy tiếng cười nhưng cũng như những khoảng lặng đậm chất tình, chất đời, giúp các sân khấu tìm được sự đồng cảm và sẻ chia từ những khán giả yêu thích loại hình kịch nói. Dù thực tiễn hoạt động tổ chức biểu diễn của các sân khấu xã hội hóa luôn gặp nhiều khó khăn, từ cơ sở vật chất, nguồn kịch bản chất lượng, đến đội ngũ đạo diễn, diễn viên giỏi nghề, nhưng các ông bà “bầu” vẫn nỗ lực mang về một mùa kịch tết vui vẻ, ý nghĩa. 

NSƯT Mỹ Uyên, Giám đốc Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ 5B, chia sẻ: “Tết này, chúng tôi dựng 3 vở theo tiêu chí vui tươi, hấp dẫn để đáp ứng như cầu giải trí những ngày xuân của khán giả. Tôi cũng hy vọng vào sức bật của mùa kịch tết để chúng tôi có thêm động lực duy trì tổ chức hoạt động”.

Tin cùng chuyên mục