Kiểm soát cán bộ công du bằng “tiền chùa”

Vài ngày qua, dư luận xã hội rất bức xúc trước hiện tượng cán bộ, công chức đua nhau lợi dụng các hoạt động công vụ, đối ngoại để đi “du hí” nước ngoài. Mà các suất béo bở, sung sướng, ai cũng mơ này, lại thường rơi vào các “sếp”, người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý. Thậm chí có trường hợp, vợ hoặc chồng đi công du bằng tiền công vụ có doanh nghiệp tháp tùng! Chi phí công du toàn là “tiền chùa”, trong khi lâu nay, chúng ta ra rả hô hào khẩu hiệu “thực hành tiết kiệm, chống lãng phí” cho ngân sách.

Bằng chứng là Thanh tra Chính phủ vừa có kết luận sau quá trình thanh tra, kiểm tra việc quản lý công tác đi nước ngoài của một số bộ, cơ quan ngang bộ trong giai đoạn 2012-2016. Theo đó, 4 bộ nằm trong danh sách thanh tra đợt này gồm Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ TT-TT cùng 6 tỉnh là Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Thanh Hóa, Đắk Lắk, Đồng Nai và Tiền Giang. Tuy nhiên, Thanh tra Chính phủ cho rằng việc lập, phê duyệt các đoàn công tác nước ngoài của các bộ và các tỉnh này vẫn còn bất hợp lý về thời gian, không sát với tình hình thực tế. Trong đó, Bộ Công thương được xác định là cơ quan có số lãnh đạo đi công tác nước ngoài nhiều nhất.
Cụ thể, vào năm 2014, cựu Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đã tham gia tới 23 đoàn đi nước ngoài. Năm 2015, ông Vũ Huy Hoàng tham gia đi 22 đoàn. Trong đó, tổng thời gian ở nước ngoài của ông Hoàng lên tới 163 ngày, tức là chiếm hơn nửa thời gian làm việc trong năm. Vì thế dư luận đặt ra câu hỏi: Làm sao một ông bộ trưởng còn đủ thời gian điều hành các hoạt động tại một cơ quan “siêu bộ” cũng như các lĩnh vực có nhiều vấn đề nóng như Bộ Công thương?

Đi nước ngoài như đi chợ không chỉ là chuyện ở Bộ Công thương mà là tình trạng khá phổ biến ở nhiều cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách Nhà nước trong thời gian qua. Không chỉ đi nhiều mà việc tổ chức cho cán bộ viên chức đi nước ngoài còn gây tốn kém, lãng phí rất nhiều tiền của ngân sách, vốn là tiền thuế của người dân. Có lẽ chúng ta ai cũng biết, chi phí cho mỗi chuyến công du nước ngoài rất đắt đỏ, vì vậy chỉ dành cho các hoạt động thực sự quan trọng, mang lại lợi ích thiết thực, không thể bỏ. Nhưng trên thực tế theo dư luận, có nhiều trường hợp cán bộ công chức đi nước ngoài bằng tiền công vụ còn đem theo cả người thân để tranh thủ đi du lịch, mua sắm cả núi hàng xách tay đem về nước bán kiếm lời… Có những khoản chi không thể chấp nhận, ví dụ như theo kết luận thanh tra, vào tháng 1-2016, ông Vũ Huy Hoàng đã ký quyết định cho 5 cán bộ đi nước ngoài với kinh phí gần 1,4 tỷ đồng. Chi tiền tỷ để đi công du, liệu có thể tin nổi? Trong số 5 cán bộ này có cựu Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa với kinh phí gần 321 triệu đồng. Cũng có thể có lý lẽ cho rằng việc ông Vũ Huy Hoàng đi nước ngoài công tác nhiều hơn một số bộ trưởng khác là vì khoảng thời gian đó, Bộ Công thương tổ chức đàm phán, ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do. Đi công du vì các nhiệm vụ công vụ là không thể bỏ nhưng các bằng chứng cho thấy trong các chuyến đi công du đó, ông Vũ Huy Hoàng vẫn tranh thủ đi chơi golf. Như vậy là khó chấp nhận.

Cũng liên quan tới chuyện cán bộ, công chức đi công cán ở nước ngoài, tại hội nghị về vai trò của các tham tán thương mại trong việc tìm thị trường cho hàng hóa Việt Nam xuất khẩu do Bộ Công thương tổ chức tháng 2-2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã nhắc nhở tới việc chúng ta rất cần những cán bộ, tham tán thương mại giỏi, thực sự tâm huyết. Không để tình trạng lợi dụng việc chung để lo việc riêng, lo việc nhà hơn việc nước, đi làm thương vụ nhưng lại có tư tưởng lo cho con đi học hành là chính… 

Để kiểm soát, quản lý cán bộ công chức đi nước ngoài, từ năm 2014, Bộ Chính trị đã có Chỉ thị 38-CT/TW về tăng cường quản lý các đoàn đi công tác nước ngoài, với yêu cầu: các đoàn ra nước ngoài phải có mục đích, nội dung thiết thực, tiết kiệm, hiệu quả; không được ảnh hưởng tới tiến độ và chất lượng công việc mà cán bộ, công chức được giao thực hiện trong nước; phải căn cứ vào kế hoạch hàng năm đã được phê duyệt. Đặc biệt là cán bộ được cử đi công tác nước ngoài phải có chuyên môn phù hợp, có trình độ ngoại ngữ theo yêu cầu... Quy chế của Bộ Chính trị cũng yêu cầu người đứng đầu cấp ủy và tổ chức đảng ở địa phương, đơn vị phải gương mẫu trong việc thực hiện, chịu trách nhiệm kiểm tra việc cử các đoàn đi công tác nước ngoài. Tuy nhiên đến tận năm 2017, nhiều bộ, tỉnh và thành phố mới ra công văn chấn chỉnh tình trạng cử cán bộ, công chức đi nước ngoài. Hiện nay, tình hình có cải thiện hơn nhưng vẫn có một số cấp ủy, lãnh đạo cơ quan, đơn vị, địa phương chưa quán triệt thực hiện nghiêm túc việc cử cán bộ, công chức đi nước ngoài. 

Như vậy, để chấm dứt tình trạng cán bộ công chức tổ chức đi công tác nước ngoài bừa bãi, mượn cớ đi nước ngoài bằng tiền ngân sách để du lịch, làm việc riêng… thì chỉ cần thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 38-CT/TW của Bộ Chính trị và phải xử lý nghiêm những cá nhân, tổ chức vi phạm như đi quá nhiều mà không có lý do chính đáng, tiêu quá nhiều tiền ngân sách, chi không hợp lý. Các đoàn công cán nước ngoài phải trả lời câu hỏi của người dân là mục đích chuyến đi là gì, đã mang lại hiệu quả gì? Có nghĩa là phải có báo cáo kết quả cụ thể sau các chuyến đi công tác nước ngoài và người đứng đầu phải chịu trách nhiệm. 

Tin cùng chuyên mục