Kiểm soát chặt, xử lý đúng tội

Ở nước ta, quá dễ bán và mua những tài sản đã qua sử dụng, ngày càng có nhiều cửa hàng sẵn sàng tiêu thụ những tài sản không rõ nguồn gốc, không cần kiểm tra giấy tờ để chứng minh người bán là chủ sở hữu trước khi giao dịch. Do vậy, bọn trộm cướp chú trọng chiếm đoạt những tài sản dễ tiêu thụ như tiền mặt, xe máy, điện thoại, nữ trang… 
Bảo vệ dân phố đang dẫn giải tên trộm về cơ quan công an
Bảo vệ dân phố đang dẫn giải tên trộm về cơ quan công an

Bạn đọc đã góp ý các biện pháp hữu hiệu chống tội phạm.

* ĐỖ NGÔ TRẦN (quận 9, TPHCM): Ngăn chặn tiêu thụ tài sản phạm pháp mà có

Mới đây, ở một cửa hàng mua bán xe máy đã qua sử dụng, tôi thấy thanh niên đến bán chiếc xe Exciter cũ mà không phải là người đứng tên trên giấy đăng ký xe, vậy mà chủ cửa hàng vẫn mua mà không hỏi về nguồn gốc chiếc xe. 

Tôi thắc mắc: “Nếu gặp trường hợp đây là xe trộm cắp rồi đem bán thì sao”. 

Chủ cửa hàng trả lời tỉnh bơ: “Chỉ cần bán rẻ là mình mua thôi”. 

Việc xử lý hành vi tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có đã được quy định cụ thể tại Điều 250 Bộ luật Hình sự 2015, với mức hình phạt lên đến 10 năm tù. Tuy nhiên, cũng trong Bộ luật Hình sự 2015, tại Điều 250, Khoản 1 lại quy định chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội này trong trường hợp người đó biết rõ tài sản mà mình tiêu thụ là tài sản do phạm tội mà có. Trường hợp không biết đó là tài sản do phạm tội có được thì việc tiêu thụ chỉ là một giao dịch dân sự thông thường, sau khi biết tài sản đó là tài sản phạm tội có được thì giao dịch dân sự này sẽ bị vô hiệu và các bên có nghĩa vụ trả lại cho nhau những gì đã nhận (Điều 137 Bộ luật Dân sự 2005). 

Việc chứng minh vô tội trong trường hợp tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có, chưa có văn bản pháp luật nào quy định, chỉ linh động đối với mỗi đối tượng; và việc điều tra, xác minh thuộc thẩm quyền của cơ quan chức năng. Nhiều đối tượng đã lợi dụng kẽ hở này trong luật để đối phó, cơ quan chức năng phải mất nhiều thời gian điều tra và khi có chứng cứ mới có thể xử lý. Thành ra, nhiều giao dịch mua bán tài sản không rõ nguồn gốc vẫn diễn ra bình thường hàng ngày, vô tình tiếp tay tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.

Theo tôi, nên kiểm soát chặt tài sản tiêu thụ do phạm pháp mà có. Về mặt pháp lý, cần quy định bằng văn bản hướng dẫn và biện pháp xử lý với các trường hợp cụ thể. Ví dụ, quy định khi giao dịch tài sản đã qua sử dụng, người bán phải là chủ sở hữu và chứng minh nguồn gốc, người mua phải chịu trách nhiệm với tài sản nếu do phạm pháp mà có, và lưu lại chứng cứ, thí dụ như photo chứng minh nhân dân kèm theo. Đồng thời có biện pháp xử lý cương quyết khi phát hiện trường hợp vi phạm, nếu tái phạm sẽ bị thu hồi giấy phép kinh doanh.

* HỒ MỸ HẠNH (quận Bình Thạnh, TPHCM): Đừng để “lờn thuốc”

Tình hình trộm cắp tài sản diễn ra khá phổ biến ở nhiều địa phương, vậy mà nhiều khi người dân bắt quả tang đối tượng trộm cắp, giao cho cơ quan công an xử lý thì xảy ra tình trạng “đêm bắt, sáng thả”. Nguyên nhân kẻ trộm cắp không bị xử lý pháp luật là do tài sản chưa mất, không có người bị hại, và thậm chí có mất tài sản thì giá trị chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự, nên chỉ xử phạt vi phạm hành chính. Tình trạng này đã làm cho bọn trộm cắp vặt lờn mặt và nhiều lúc thách thức người dân. Vài lần như vậy, người dân nản lòng, không tham gia hợp tác với công an phòng chống tội phạm nữa. Cũng vì vậy đã xảy ra nhiều vụ người dân hè nhau đánh hội đồng, tự xử quá tay với bọn trộm chó. Trị giá một con chó không cao và chưa đến mức xử lý trách nhiệm hình sự, nhưng đó là thú cưng và là tài sản của người dân. 

Khi người dân bắt trộm cướp hay giúp người bị tai nạn giao thông, thủ tục xử lý, điều tra, lập biên bản, tường trình… ở cơ quan công an rất rườm rà, rối rắm, nên nhiều người đã bị gây phiền phức, tốn thời gian và thậm chí là bực mình. Ông Nguyễn Vạng Sinh (64 tuổi, ngụ phường 19, quận Bình Thạnh, TPHCM) đã không ít lần được chính quyền biểu dương, khen thưởng về thành tích bắt trộm cướp, kể: “Có lần tôi đã cùng các chú công an bắt trộm. Tên trộm rất khỏe và leo trèo rất giỏi. Dù đã bị tôi chặn đường, nhưng khi cùng đường, nó phóng lên cửa rồi leo lên mái nhà trốn. Toàn bộ khu vực bị bao vây và sau hơn một giờ tìm kiếm, các chú công an cũng bắt được tên trộm. Ngày hôm sau, các chú cảnh sát điều tra công an quận mời tôi ra phường. Hơn 10 phút chờ đợi, có chú công an cầm xấp giấy và cây viết đập xuống bàn cái rầm rồi lớn tiếng kêu tôi viết tường trình. Tôi “chỉnh” chú công an đó liền. Tôi là người dân tham gia bắt trộm cướp, chứ không phải tội phạm mà nạt nộ với tôi như vậy”. 

Nghiện ma túy, ăn cắp vặt, bài bạc, đánh nhau gây rối trật tự công cộng… là mầm mống của tội phạm. Việc xử lý kẻ cắp vặt không khó nếu cơ quan chức năng dành thời gian, tập trung điều tra để có giải pháp xử lý triệt để. Lần này tội phạm bị bắt vì trộm một con chó, trị giá tài sản không lớn, nhưng nếu công an chịu khó điều tra phá án thì với biện pháp nghiệp vụ có thể xác định tổng trị giá các lần trộm chó trước đó của tên tội phạm, như vậy trị giá tài sản rất lớn và sẽ xử lý hình sự được.

Tin cùng chuyên mục