Kiểm soát khí thải giao thông

Trong bối cảnh chất lượng không khí trên địa bàn TPHCM có nguy cơ suy giảm mạnh, Sở Tài nguyên - Môi trường TP đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để kiểm soát chất lượng nguồn thải. Tính đến nay, có đến 94% nguồn khí thải công nghiệp đã được kiểm soát chặt.

Các loại phương tiện giao thông xả khói làm chất lượng không khí thành phố giảm. Ảnh: CAO THĂNG
Các loại phương tiện giao thông xả khói làm chất lượng không khí thành phố giảm. Ảnh: CAO THĂNG

Rà soát nguồn thải

Phân tích về nguồn khí thải công nghiệp trên địa bàn TPHCM, đại diện Sở Tài nguyên - Môi trường TP cho biết, theo khảo sát mới nhất do sở phối hợp với các quận huyện thực hiện, ngoại trừ các khu chế xuất - khu công nghiệp, toàn thành phố còn có 812 nguồn thải khí lớn. Do đó, để nguồn thải luôn đảm bảo đạt tiêu chuẩn trước khi thải ra môi trường, sở đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là phát huy vai trò giám sát của cộng đồng trong việc phát hiện và thông tin kịp thời đến các cơ quan chức năng để xử lý trong trường hợp doanh nghiệp sản xuất cố tình có hành vi vi phạm môi trường. Tính đến nay, đã có 764 doanh nghiệp chấp hành tốt hoạt động bảo vệ môi trường, đầu tư và vận hành thường xuyên hệ thống xử lý khí thải. Điều đáng khen là rất nhiều doanh nghiệp đã chuyển đổi nguyên liệu sản xuất từ than, củi sang khí gas, điện để loại bỏ nguồn khí thải gây ô nhiễm môi trường cao.

Đồng thuận với quan điểm trên, ông Matt Priest, Chủ tịch Hiệp hội Phân phối các nhà bán lẻ tại Mỹ (FDRA), cho biết Việt Nam đang đứng tốp 10 nước có lượng hàng xuất khẩu lớn vào Mỹ. Đặc biệt, với ngành da giày - một trong những ngành rất nhạy cảm với vấn đề môi trường và bị thị trường nhiều nước trên thế giới kiểm soát rất chặt, không chỉ về chất lượng sản phẩm mà còn về khả năng đáp ứng tiêu chuẩn an toàn môi trường tại nhà máy sản xuất, thì doanh nghiệp Việt Nam vẫn chiếm tỷ trọng cao trong 5 nước xuất khẩu da giày lớn nhất thế giới. Chỉ tính riêng thị trường Mỹ, da giày Việt Nam chiếm 15% tổng tỷ trọng xuất khẩu da giày.

Theo nhìn nhận chung của chuyên gia kinh tế, vấn đề bảo vệ môi trường tại Việt Nam nói chung đang được các doanh nghiệp thực hiện khá tốt, nhất là doanh nghiệp tập trung chủ lực vào khâu xuất khẩu. Điều này không những thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất của mình với cộng đồng mà còn là yếu tố phát triển bền vững, giúp doanh nghiệp trụ vững ở thị trường xuất khẩu.

Gặp khó với khí thải giao thông

Tuy nhiên, trái ngược với hiệu quả kiểm soát khí thải ô nhiễm do hoạt động sản xuất, vấn đề ô nhiễm không khí do hoạt động giao thông tại Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng lại đang rất khó kiểm soát. Kết quả quan trắc chất lượng không khí tại 12 điểm giao thông ở cửa ngõ TPHCM cho thấy có đến 90% kết quả đo đạc nồng độ bụi và tiếng ồn đều không đạt. Đó là chưa kể trang thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động đo đạc khí thải còn hạn chế, chưa thực hiện đo đạc khí thải tự động trong khu dân cư cũng như đo khí thải vào lúc cao điểm ùn tắc giao thông nên chưa thể khái quát toàn bộ chất lượng không khí trên địa bàn thành phố.

Lý giải thực tế trên, tại cuộc họp báo cáo tình hình thực hiện mục tiêu giảm thiểu ô nhiễm môi trường của thành phố, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM, cho biết đến nay những mục tiêu nhằm kiểm soát, giảm thiểu khí thải phương tiện giao thông còn nhiều hạn chế. Cụ thể, mục tiêu đến hết năm 2017, thành phố phải đầu tư thay thế 1.680 xe buýt chạy nhiên liệu truyền thống sang xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch, nhưng tỷ lệ thay thế này chỉ mới đạt 4,24%. Song song đó, những giải pháp hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng bằng đường bộ và đường thủy tuy đã có nhưng hiệu quả thấp. Do vậy, rất khó để có thể thực hiện nhanh mục tiêu giảm thải ô nhiễm khí thải giao thông trên địa bàn thành phố.

Ở góc độ khác, PGS-TS Nguyễn Đinh Tuấn, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Tài nguyên - Môi trường, cho rằng ngoài việc thay mới các phương tiện giao thông công cộng, Chính phủ nói chung và TPHCM nói riêng cần tính đến kiểm soát chất lượng khí thải của phương tiện cá nhân bằng cách áp dụng chặt chẽ quy định tiêu chuẩn xả khí thải.

Theo đó, hiện đã có tiêu chuẩn khí thải dành cho xe máy, nhưng đến nay hầu như chỉ áp dụng với xe máy mới. Còn xe máy cũ đang được người dân sử dụng thì không bị kiểm tra và xử phạt, nếu không đảm bảo chuẩn khí thải trước khi thải ra môi trường. Riêng với TPHCM, cần tính toán đến xây dựng đồng bộ hạ tầng giao thông.

Thực tế cho thấy đang có tình trạng xây dựng quá nhiều cầu vượt nhưng thiếu tính toán đồng bộ trong hạ tầng tuyến đường giao thông chung, dẫn đến giải tỏa điểm ùn tắc giao thông chỗ này nhưng lại để phát sinh điểm ùn tắc giao thông khác. Chưa kể, việc xác định tuyến đường trục chính giữa các quận, huyện cũng khác nhau nên mức độ ưu tiên đầu tư mở rộng nâng cấp tuyến đường khác nhau, dẫn đến hệ quả trên tuyến đường liên quận luôn có tình trạng thắt cổ chai tại nhiều điểm giao nhau giữa các quận.

Có thể nói, đến nay việc kiểm soát khí thải sản xuất đã thực hiện rất tốt. Việc Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do đã giúp doanh nghiệp tự hoàn thiện mình để vượt được rào cản môi trường mà nhiều thị trường nhập khẩu dựng lên. Tuy nhiên, vấn để giảm thiểu ô nhiễm khí thải do hoạt động giao thông cần thiết phải có sự tính toán đồng bộ giữa việc đầu tư hạ tầng giao thông, hệ thống phương tiện công cộng trên phạm vi toàn thành phố, có tính đến yếu tố kết nối với các địa phương xung quanh. Đồng thời, thắt chặt quy định về chất lượng xả thải của các phương tiện cá nhân. Chỉ như vậy mới có khả năng thực hiện mục tiêu giảm thiểu ô nhiễm khí thải đến năm 2020.

Tin cùng chuyên mục