Kiểm soát nguy cơ ô nhiễm từ dịch tả heo Châu Phi

Tại kế hoạch triển khai việc đảm bảo xử lý an toàn đối với dịch tả heo châu Phi (ASF), UBND TPHCM chỉ đạo các cơ quan chức năng xây dựng phương án chủ động kiểm soát, tiếp nhận hoặc tiêu hủy heo trong trường hợp dịch ASF bùng phát, đảm bảo không gây ảnh hưởng môi trường sống của người dân.

Cụ thể, thành phố đã yêu cầu các quận huyện, sở ban ngành tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình chăn nuôi trên địa bàn; tiếp tục tổ chức kiểm tra việc thực hiện các biện pháp an toàn sinh học, tiêu độc, sát trùng; chủ động hạn chế phát tán mầm bệnh trong quá trình vận chuyển và chuẩn bị phương án tiêu hủy tại chỗ để kịp thời xử lý, không để dịch xảy ra mới thực hiện. 

Các cơ quan chức năng cũng phải xác định cụ thể các vị trí chôn lấp heo nhiễm ASF tại địa phương. Trường hợp các quận huyện không thể chôn lấp tại chỗ (do không còn quỹ đất chôn lấp, hoặc nơi chôn lấp không đảm bảo điều kiện theo hướng dẫn chuyên ngành thú y) thì phải chủ động phối hợp Sở NN-PTNT và Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM để xử lý tiêu hủy tập trung. Công ty Môi trường đô thị phải chủ động chuẩn bị phương án tiếp nhận và tiêu hủy tại nhà máy xử lý chất thải y tế thuộc Khu xử lý chất thải Đông Thạnh, hoặc bãi chôn lấp số 3 thuộc Khu liên hợp xử lý chất thải Phước Hiệp.

UBND TPHCM cũng yêu cầu tăng cường kiểm tra, giám sát các hố chôn heo bị nhiễm ASF để đảm bảo các vấn đề về môi trường. Các đơn vị có liên quan theo dõi, kiểm tra khu vực vừa được xử lý ô nhiễm bằng cảm quan (màu và mùi) đối với môi trường đất, các nguồn nước và không khí xung quanh, nhằm phát hiện và xử lý kịp thời khi có sự cố. Nội dung kiểm tra giám sát và thực hiện lấy mẫu để đánh giá độ an toàn được thực hiện theo quy định. 

Trong trường hợp phải vận chuyển heo bệnh từ nơi bùng phát bệnh đến các địa điểm xử lý tập trung, UBND các quận huyện phối hợp với Sở NN-PTNT chỉ đạo Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm các phường xã, thị trấn có hộ nuôi heo xảy ra dịch bệnh điều phối xe vận chuyển heo bệnh đến điểm xử lý (tại Đông Thạnh hoặc Phước Hiệp). Đồng thời, cử lực lượng giám sát việc thu gom, vận chuyển heo nhiễm bệnh đến nơi xử lý tập trung. Các phương tiện vận chuyển phải đảm bảo yêu cầu về kỹ thuật, được vệ sinh, khử trùng tiêu độc theo hướng dẫn của chuyên ngành thú y.

Lãnh đạo Sở TN-MT TPHCM cho biết, sở sẽ phối hợp Sở NN-PTNT ban hành các văn bản hướng dẫn phương án tiêu hủy tập trung (thiêu đốt và chôn lấp); tuyên truyền các biện pháp nâng cao nhận thức cho các hộ chăn nuôi trong việc chủ động phòng ngừa, khống chế dịch bệnh. Quan trọng nhất hiện nay là tập trung hướng dẫn người dân cách “phòng thủ” với dịch bệnh. Ngoài ra, thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát việc xử lý heo nhiễm bệnh tại bãi chôn lấp số 3 và nhà máy xử lý chất thải y tế của Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị. Đồng thời chỉ đạo Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị chuẩn bị đầy đủ phương tiện, trang thiết bị, nhân công để tiến hành xử lý heo nhiễm bệnh. Mọi giải pháp xử lý heo bệnh phải được đảm bảo an toàn, không lây lan ra môi trường. 

Tin cùng chuyên mục