Kiên định với kịch bản, mục tiêu tăng trưởng năm 2019

Thủ tướng đã chỉ đạo cương quyết không lùi bước trước những khó khăn, thách thức và biến thách thức trở thành cơ hội; kiên định với kịch bản, mục tiêu tăng trưởng năm 2019...
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 năm 2019. Ảnh: TTXVN ​
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 năm 2019. Ảnh: TTXVN ​

Ngày 31-5, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 5. Từ 18 giờ cùng ngày, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng chủ trì cuộc họp báo thông tin về phiên họp thường kỳ của Chính phủ diễn ra cùng ngày.

Không được chủ quan trong chỉ đạo điều hành

Theo báo cáo tại phiên họp, tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2019 tiếp tục có chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, tình hình còn nhiều thách thức: vốn đầu tư công chậm; sản xuất nông - lâm nghiệp, thủy sản khó khăn và nhất là dịch tả heo châu Phi đang lan rộng, tác động lớn tới ngành chăn nuôi; số lượng doanh nghiệp giải thể, phá sản còn lớn. Nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, giết người man rợ... tạo tâm lý lo ngại trong xã hội.

“Thủ tướng đã chỉ đạo cương quyết không lùi bước trước những khó khăn, thách thức và biến thách thức trở thành cơ hội; kiên định với kịch bản, mục tiêu tăng trưởng năm 2019”, ông Mai Tiến Dũng nói.

Riêng về phòng chống dịch tả heo châu Phi, Thủ tướng tiếp tục giao Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT cùng với cả hệ thống chính trị, huy động các cơ quan, từng gia đình, từng thôn xóm... cùng vào cuộc dập dịch; xử nghiêm các trường hợp buôn bán, giết mổ gia súc làm lây lan dịch bệnh.

Tại phiên họp, Thủ tướng chỉ đạo, những tồn tại, thách thức như phòng chống dịch tả heo châu Phi cần được tập trung giải quyết, không thể chủ quan. “Nếu dịch tả heo châu Phi ảnh hưởng đến 30% đàn heo thì tăng trưởng trong nông nghiệp là bằng 0; nếu ảnh hưởng đến 50% thì nông nghiệp sẽ bị âm. Xuất khẩu một số lĩnh vực tăng chậm lại. Giải ngân vốn đầu tư công chưa được cải thiện. Một số danh mục công trình có tiến độ chậm…”, Thủ tướng lưu ý.

Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành tuyệt đối không được chủ quan trong chỉ đạo điều hành; chủ động theo dõi sát tình hình quốc tế, trong nước; nghiên cứu, phân tích kỹ xu hướng, tác động, ảnh hưởng để xây dựng đề xuất các giải pháp, đối sách mới hiệu quả, khả thi, phù hợp tình hình. Đặc biệt, quyết liệt tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh; thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ cải cách kiểm tra chuyên ngành, tiếp tục đẩy mạnh cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh.

Tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, những biến động của thế giới cùng với tình hình trong nước, làm chúng ta phải tỉnh táo trong điều hành và nêu cao tinh thần trách nhiệm, quyết liệt hơn, kịp thời hơn trong một thế giới đầy biến động.

Truy bắt bằng được Tổng Giám đốc Công ty Nhật Cường

Tại cuộc họp báo, về vụ Công ty Nhật Cường, báo chí chất vấn đã truy nã quốc tế chưa, tại sao dù đã trong “vòng ngắm” vẫn để Tổng Giám đốc Công ty Nhật Cường trốn, Trung tướng Lương Tam Quang - Chánh văn phòng, người phát ngôn Bộ Công an cho hay, căn cứ tài liệu thu thập được và cơ sở xác định Công ty Nhật Cường có dấu hiệu của hoạt động buôn lậu, ngày 9-5, cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khám xét khẩn cấp đồng loạt 9 địa điểm liên quan hoạt động của công ty này. Cùng lúc, cơ quan công an đã gửi thông báo tới cơ quan kiểm soát cùng cấp. Tại thời điểm khám xét thì Tổng Giám đốc Công ty Nhật Cường là Bùi Quang Huy không có mặt. Tại thời điểm đó chưa khởi tố vụ án, nên chưa áp dụng được biện pháp ngăn chặn theo quy định.

“Qua quá trình khám xét khẩn cấp, Bộ Công an đã thu thập chứng cứ, củng cố tài liệu nên đến ngày 14-5, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03, Bộ Công an) mới khởi tố vụ án, khởi tố bị can, khám xét với Bùi Quang Huy cùng 8 người về tội buôn lậu theo khoản 4 Điều 188 Bộ luật Hình sự 2015 và tội vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng, theo Điều 221 Bộ luật Hình sự 2015”, ông Lương Tam Quang giải thích.

Lệnh bắt giam với những người này được ban hành, song ông chủ của Nhật Cường đã bỏ trốn và đang bị truy nã. Riêng ông Huy, từ lúc khám xét đến khởi tố vụ án đã không đến trình diện, dù công an đã vận động gia đình, cũng không có mặt ở nơi cư trú. Ngày 18-5, cơ quan công an đã ra lệnh truy nã toàn quốc và quốc tế, kêu gọi Bùi Quang Huy ra đầu thú để hưởng sự khoan hồng của pháp luật.

“Tất cả những vấn đề nóng mà báo chí, dư luận quan tâm tới đây cơ quan điều tra sẽ làm rõ”, ông Lương Tam Quang cho biết. Ông cũng nhấn mạnh, cơ quan công an quyết tâm tập trung lực lượng, biện pháp để truy bắt bằng được Bùi Quang Huy, đưa về xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời đến thời điểm thích hợp sẽ công bố danh tính 8 bị can cùng bị khởi tố với Bùi Quang Huy mà không làm ảnh hưởng đến việc điều tra.

Chánh văn phòng, người phát ngôn Bộ Công an cũng chủ động cung cấp thông tin về vụ gian lận thi cử. Theo đó, hiện nay đã khởi tố 3 vụ án, vụ Hà Giang và Sơn La giao cho công an tỉnh thụ lý, ở Hòa Bình thì do Bộ Công an thụ lý. Cơ quan điều tra đã khẩn trương điều tra, đưa ra truy tố để xét xử theo đúng quy định.

“Về thông tin người mua điểm chi cả tỷ đồng/trường hợp để chạy điểm, cơ quan điều tra cũng đã bước đầu có thông tin và đang trong quá trình điều tra, đấu tranh để làm rõ. Hiện nay chưa đủ căn cứ để kết luận về việc đưa và nhận tiền này. Công an đang tập trung đấu tranh để củng cố chứng cứ, khi có kết luận cuối cùng sẽ công bố công khai cho dư luận”, người phát ngôn Bộ Công an nhấn mạnh.

Về việc thanh tra toàn diện bán đảo Sơn Trà, Khu đô thị Đa Phước ở Đà Nẵng được triển khai từ cuối tháng 11-2017 nhưng đến nay vẫn chưa có kết luận, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ (TTCP) Bùi Ngọc Lam cho biết, vừa qua, đoàn đại biểu Quốc hội Đà Nẵng và nhiều cử tri đã đề nghị cung cấp thông tin về việc thanh tra bán đảo này.

“Hiện nay, TTCP đã có dự thảo kết luận. Bán đảo Sơn Trà có vị trí đặc biệt, gắn với kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng của Đà Nẵng nên TTCP làm rất kỹ. Khi có dự thảo, TTCP đã công bố và lắng nghe những giải trình của Đà Nẵng; đã tổ chức cuộc họp với các bộ ngành liên quan để hoàn thiện kết luận. Phó Thủ tướng Chính phủ cũng đã tổ chức 2 cuộc họp với các bộ ngành liên quan. Hiện nay, kết luận thanh tra đã cơ bản hoàn thành, tới đây sẽ công bố công khai”, ông Bùi Ngọc Lam cho biết.

Tin cùng chuyên mục